Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Quản lý đất đai phải luôn đáp ứng được tiến trình phát triển của đất nước
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:10, 05/01/2019
Người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng từ chính sách đất đai
Nói về vai trò của công tác này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Quản lý đất đai là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của ngành Tài nguyên và Môi trường. Trong những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác quản lý đất đai.
Vì vậy, theo Bộ trưởng, các cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các hoạt động của lĩnh vực quản lý đất đai có tác động trực tiếp đến đất nước, đến toàn thể người dân và doanh nghiệp.
Nhìn lại chặng đường lịch sử của ngành Quản lý đất đai, kể từ khi Luật đất đai 1987 - cơ sở pháp lý đầu tiên trong lĩnh vực này - ra đời đến nay, Luật này đã được sửa đổi bổ sung nhiều lần, liên tục vào các năm: 1993, 1998, 2003, 2013. Điều này cho thấy lĩnh vực quản lý đất đai luôn luôn đòi hỏi phải đáp ứng được tiến trình phát triển của đất nước.
Mỗi mốc phát triển, mỗi lần sửa Luật Đất đai đều liên quan đến thời điểm đất nước. Bộ trưởng phân tích, một thay đổi nhỏ của chính sách pháp luật liên quan đến quản lý đất đai đều khẳng định được Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tháo gỡ các nút thắt về đất đai. Khi đó, đất nước được thụ hưởng, doanh nghiệp và người dân đều được thụ hưởng từ chính sách về quản lý đất đai.
Nhìn lại kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, với lần đầu tiên trong 10 năm đất nước hoàn thành cả 12/12 chỉ tiêu và lần đầu tiên trong 10 năm tốc độ tăng trưởng đạt 7,2%... Bộ trưởng cho rằng, ngành quản lý đất đai có những đóng góp thường xuyên liên tục trong đó mà con số 12% tổng thu ngân sách là từ đất đai đã nói lên nhiều điều.
Điều quan trọng hơn đó là ngành quản lý đất đai đã giảm hơn một nửa thời gian, giảm hơn 50% hồ sơ khi làm thủ tục liên quan đến đất đai đã khiến người dân và doanh nghiệp rất phấn khởi. Điều này có tác động rất lớn đến nền kinh tế, đến từng người dân và doanh nghiệp.
Đất đai là tài nguyên giới hạn, không sinh ra mà chỉ mất đi
Đánh giá cao những phân tích, đóng góp ý kiến của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục cũng như lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đóng góp vào kế hoạch năm 2019 của Tổng cục Quản lý đất đai. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2019 và các năm tiếp theo, ngành Quản lý đất đai phải rút ra những bài học từ thành công và đặc biệt là đối mặt với những tồn tại, thách thức trong thời gian vừa qua đối với công tác quản lý đất đai để tìm ra phương án giải quyết. Bộ trưởng nhấn mạnh 3 vấn đề cần lưu ý trong quản lý đất đai:
Trước hết, đó là phải làm sao tất cả các chủ trương chính sách lớn liên quan đến đất đai, trước khi ban hành phải được nghiên cứu thấu đáo, có tính lý luận và thực tiễn, có tầm nhìn cao. Theo Bộ trưởng, nếu làm được như vậy, thì sẽ ít xáo trộn trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến đất đai.
Thứ hai, theo Bộ trưởng, cần có tư duy mới: “Đất đai là tài nguyên giới hạn. Đất đai không sinh ra mà chỉ mất đi do biến đổi khí hậu, so xâm thực, do sạt lở…”. Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cả nước nhấn mạnh: Tài nguyên đó chỉ phát huy kết quả tốt nếu những người làm công tác quản lý đất đai quản lý tốt.
Bộ trưởng đề nghị ngành Quản lý đất đai làm tốt công tác quy hoạch một cách dài hơi chứ không chỉ là 5 năm hay 10 năm. “Phải làm sao để thế hệ tương lai luôn luôn có một không gian đất đai cho tương lai, cho tăng trưởng…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. Khi có quy hoạch, đất đai sẽ đưa vào đúng lúc, được sử dụng hiệu quả đồng thời bảo tồn và phát triển cho cả hiện tại và tương lai một cách bền vững.
Vấn đề thứ ba, đất đai không phải là vấn đề có thể thay đổi theo kiểu “Hôm nay là đất, ngày mai là nước”, vì vậy Bộ trưởng yêu cầu ngành Quản lý đất đai cần phải quản lý tài nguyên này như quản lý ngôi nhà, quản lý các đồ vật quý hiếm của mỗi cá nhân, gia đình chúng ta.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cả 3 vấn đề đó đều xuất phát từ thực tế đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Quản lý đất đai phải tư duy, nghiên cứu kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học, có thực tiễn… để hành động hiệu quả.
Tổng cục Quản lý đất đai phải “sáng tạo, hiệu quả và bứt phá”
Nhắc lại 12 chữ vàng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề ra trong năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đặt vấn đề: Vậy thì chúng ta cần phải làm gì để thực hiện được những hành động đó? - Bộ trưởng cho rằng Tổng cục Quản lý đất đai nói riêng và ngành Quản lý đất đai cả nước nói chung bên cạnh “hành động” thì cần phải “sáng tạo, hiệu quả và bứt phá”.
Để làm được điều đó, Bộ trưởng mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Quản lý đất đai cần phải tư duy lại, đánh giá lại chính chúng mình để từ đó có tư duy hành động để lựa chọn nhân sự, lựa chọn chiến lược và lựa chọn mục tiêu để hành động trong thời gian tới. Cần phải có nghiên cứu, phải có tính toán và rất cần phải tham khảo kinh nghiệm của một số nước để có thể quản lý đất đai một cách hiệu quả.
Bộ trưởng cũng yêu cầu giữa các lực lượng: Thống kê, Kiểm kê, Điều tra, Đánh giá, Quan trắc, Quản lý, Thông tin dữ liệu, Quy hoạch… cần phải được phân công cụ thể, phối hợp với nhau ăn ý để tạo ra những sản phẩm đem lại hiệu quả cao trong quản lý đất đai.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành Quản lý đất đai sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí những nguồn lực đến từ các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Bộ trưởng yêu cầu xây dựng và sử dụng kho dữ liệu đất đai một cách hiệu quả. Làm sao để các hoạt động bình thường của lĩnh vực quản lý đất đai “mỗi sáng, mỗi tối” đều được đưa vào kho dữ liệu đất đai để sử dụng hiệu quả sau này.
Đề cập đến các vướng mắc đất đai là nói đến vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, các dự án BT đất đai, các loại hình sản phẩm bất động sản mới, các dự án Condotel... về các ý kiến cho rằng chính sách đất đai còn chồng chéo, còn chưa khớp với các luật về đấu thầu, các luật về tín dụng... những việc đó cần được nghiên cứu, giải quyết sớm. Theo Bộ trưởng, các bài toán này đòi hỏi ngành quản lý đất đai phải có những nghiên cứu sâu về lý luận như: vấn đề giá cả đất đai, công tác định giá đất đai và từ tạo ra được các thiết chế, các điều kiện để xác định giá trị đất đai, giá trị chuyển nhượng...
Bộ trưởng cũng đề cập đến việc vì sao hiện nay dù đã rất cố gắng nhưng tại sao mới được 97% cấp giấy quyền chuyển nhượng đất cho người dân. Vậy còn 3% còn lại vì sao chưa cấp được? Vậy đâu là vướng mắc, đâu là chồng chéo lên nhau, giữa lĩnh vực này với lĩnh vực khác, giữa bộ này với bộ khác… Nhận định 3% đất đai chưa cấp được “sổ đỏ” là rất lớn, Bộ trưởng yêu cầu ngành quản lý đất đai phải đặt ra mục tiêu rõ ràng về chính sách, mục tiêu rõ ràng để phục vụ người dân, mục tiêu rõ ràng để chúng ta thay đổi cơ chế điều hành và giải quyết sớm tồn tại này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề cập đến một số vấn đề như: đưa đất đai trở thành nguồn lực phục vụ cơ chế thị trường; Quy hoạch đất đai theo không gian 3 chiều; Sử dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối toàn phần để quản lý đất đai… đặc biệt là Tổng cục quản lý đất đai cần phải có sự hợp tác chặt chẽ với các địa phương để hướng đến mục tiêu quản lý tốt nguồn lực đất đai vì mục đích lâu dài cho sự phát triển bền vững của đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.