Cần đánh giá tác động lũy tích các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 12:30, 07/01/2019
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Đức Trung – Chánh Văn phòng Trường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (UBSMCVN) cho biết, mối quan tâm của Việt Nam với các công trình thủy điện dòng chính sông Mê Công tác động tổng thể của toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính, của phát triển thủy điện thượng nguồn sông Mê Công và dòng nhánh, kết hợp với ảnh hưởng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đối với các dự án thủy điện đã được tham vấn trước đây, các chủ đầu tư thường chỉ tập trung vào thiết kế công trình mà ít chú ý đến đánh giá tác động (đặc biệt là các tác động xuyên biên giới), quan trắc theo dõi, nghiên cứu đánh giá, tham vấn cộng đồng…Tuy nhiên, từ tham vấn Dự án thủy điện Pắc Beng, các quốc gia thành viên đã thống nhất giao Ban Thư ký Ủy hội giúp Chính phủ Lào trong các hoạt động nói trên và tiếp tục như vậy cho Dự án thủy điện Pắc Lay.
Theo ông Lê Đức Trung, trên cơ sở các thông báo và tài liệu của Lào về Dự án thủy điện Pắc Lay, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thống nhất triển khai thực hiện quá trình tham vấn cho Dự án thủy điện Pắc Lay từ ngày 08/8/2018. Kế hoạch tham vấn vùng cho Dự án thủy điện dòng chính Pắc Lay với các hoạt động chính là: Hoạt động của Nhóm Công tác vùng; Xây dựng Báo cáo kỹ thuật về đánh giá tác động của công trình thủy điện Pắc Lay; Họp tham vấn vùng; Phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hợp.
Hội thảo tham vấn của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ góp ý cho Báo cáo đánh giá kỹ thuật của Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế về các tài liệu của Dự án thủy điện Pắc Lay; xin ý kiến của các bên liên quan đối với Dự án thủy điện Pắc Lay nói riêng, các công trình thủy điện dòng chính Mê Công nói chung. Đồng thời, thảo luận về các ý kiến của Việt Nam sẽ đề xuất với Ủy hội sông Mê Công quốc tế và Lào về công trình thủy điện Pắc Lay.
Tại Hội thảo, Nhóm công tác, Văn phòng thường trực UBSMCVN đã báo cáo nghiên cứu tác động của công trình thủy điện Pắc Lay đối với ĐBSCL về chế độ dòng chảy, xâm nhập mặn, thay đổi phù sa bùn cát, tác động đến nuôi trồng thủy sản... Trong đó, nhấn mạnh trong trường hợp tác động tổng thể của cả chuỗi 11 đập thủy điện, tại Tân Châu – Châu Đốc của Việt Nam tổng lượng dòng chảy (thời đoạn 10 ngày) sụt giảm tới gần 49% và tổng lượng dòng chảy tháng sụt giảm tới hơn 27%. Tác động này được coi là nghiêm trọng, do vậy hiện tượng xâm nhập mặn trên hai sông chính (sông Tiền và sông Hậu) gia tăng lớn.
Về vấn đề này, ông Lê Đức Trung cho hay, tác động của công trình thủy điện Pắc Lay không được tính trong tác động riêng lẻ của một công trình, mà cần được tính trong một tổ hợp của tất cả tác động của tất cả các công trình đã, đang được xây dựng, và 11 công trình thủy điện dòng chính hiện nay đang lên kế hoạch để xây dựng. Đó chính là tác động lũy tích của các công trình thủy điện. Các nghiên cứu của UBSMCVN, Ủy hội sông Mê Công quốc tế, các tổ chức quốc tế đều đánh giá tác động lũy tích này rất lớn và cần được quan tâm.
Hiện nay, đối với tham vấn của công trình thủy điện Pắc Lay, UBSMCVN đã đánh giá tác động của công trình trên rất nhiều lĩnh vực như chế độ dòng chảy, phù sa bùn cát, chất lượng nước, sinh thái, thủy văn, giao thông thủy, kinh tế xã hội, an toàn đập …Do thiếu thông tin, phương pháp đánh giá của quốc tế hiện nay cũng chưa đủ nên tác động của công trình này chưa rõ, nhưng nhận thấy tác động là chưa lớn.
“Tuy nhiên, nếu nhìn theo tác động lũy tích sẽ thấy tác động lớn và cần phải tiếp tục góp ý thêm cho các chủ đầu tư, các chính phủ để làm sao giảm thiếu tác động đến hạ lưu, đảm bảo sử dụng và quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước chung trên sông Mê Công”, ông Lê Đức Trung khẳng định.
Pắc Lay là công trình thủy điện thứ tư của Lào trên dòng chính sông Mê Công (sau Xay-nha-bu-ly, Đôn Sa-hông và Pắc Beng) nằm ở tỉnh Xay-nha-bu-ly, vùng Bắc Lào và cách ĐBSCL của Việt Nam (biên giới giữa Việt Nam và Campuchia) 1.615km. Lượng điện do công trình thủy điện Pắc Lay sản xuất ra dự kiến phần lớn sẽ bán cho Thái Lan (85%) và phần còn lại (15%) Lào sẽ sử dụng. |