Nâng tầm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Viễn thám

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:11, 30/12/2018

(TN&MT) - Do có nhiều ưu điểm vượt trội, công nghệ viễn thám được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như: Quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, biển hải đảo, quản lý thiên tai, nghiên cứu biến đổi khí hậu. Hầu hết, các quốc gia phát triển trên thế giới,trong đó, có Việt Nam rất chú trọng xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho lĩnh vực này. Năm 2018, Cục Viễn thám quốc gia đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định về hoạt động viễn thám. Đây là sự kiện tiêu biểu được Cục Viễn thám quốc gia đề xuất 1 trong 10 sự kiện của Bộ TN&MT năm 2018.
img8
Trạm thu ảnh viễn thám. Ảnh: Hoàng Minh

Cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động viễn thám

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho biết: Ở nước ta, trong suốt quá trình phát triển, việc ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ điều tra cơ bản, quản lý và quy hoạch lãnh thổ, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường; cứu hộ, cứu nạn; và nhiều mục tiêu cộng đồng khác đã đem lại những kết quả đáng khích lệ và khẳng định tính ưu việt của công nghệ viễn thám về nhiều mặt.

Đến nay, về hệ thống thu nhận xử lý và cung cấp dữ liệu viễn thám, chúng ta đã có một hệ thống đồng bộ gồm vệ tinh viễn thám, trạm thu dữ liệu viễn thám quốc gia hiện đại và hệ thống xử lý dữ liệu viễn thám để cung cấp cho người sử dụng. Trạm thu dữ liệu viễn thám này do Cục Viễn thám quốc gia - Bộ TN&MT quản lý, vận hành đã và đang thu nhận dữ liệu từ vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam. Bên cạnh trạm thu dữ liệu viễn thám quốc gia, hiện nay, còn một số trạm thu dữ liệu viễn thám khác đang hoạt động tại Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Cục Lâm nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội thu các loại ảnh khác nhau như: MODIS, NOAA,MTSAT, FY-2, NPP, JPSS....

img44 (2)
Thu thập và xử lý ảnh tại Trạm thu ảnh vệ tinh. Ảnh: MH

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, viễn thám được ứng dụng và phát triển từ lâu ở Việt Nam, tuy vậy, công tác quản lý Nhà nước về viễn thám cũng chỉ được đề cập đến trong một số năm gần đây. Kể từ khi được giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về viễn thám, Bộ TN&MT đã quan tâm chỉ đạo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành để tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý Nhà nước về viễn thám từng bước đạt hiệu lực, hiệu quả. Tuy vậy, hiện nay, văn bản pháp lý cao nhất có hiệu lực tại thời điểm này quy định về các nội dung quản lý Nhà nước đối với hoạt động viễn thám mới chỉ dừng lại ở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng. Chính vì vậy, cần thiết phải sớm ban hành Nghị định quản lý về viễn thám để làm cơ sở cho quản lý hoạt động viễn thám có hiệu quả.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Tại Quyết định số 851/QĐ-TTg ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì soạn thảo 2 Nghị định: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và Bản đồ và Nghị định về hoạt động viễn thám.

Phân tích về vấn đề này, Cục Viễn thám quốc gia cho biết: Bên cạnh Điều 14 (Dữ liệu ảnh viễn thám) của Luật Đo đạc và Bản đồ, trong Luật còn có nhiều điều, khoản quy định liên quan đến hoạt động viễn thám như: Công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, hệ thống thu nhận dữ liệu viễn thám; xử lý, lưu trữ, cung cấp, khai thác và sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám; xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám (Điều 4, Khoản 8, Điều 36, Khoản 5,Điều 38, Khoản 7, Điều 41)... Các nội dung này liên quan mật thiết đến hầu hết các hoạt động viễn thám như xây dựng, quản lý hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám; xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám; thu nhận, lưu trữ, xử lý, cung cấp, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám, sản phẩm viễn thám... Đây là những nội dung rất quan trọng cần quy định trong một Nghị định riêng về quản lý hoạt động viễn thám để thống nhất quản lý Nhà nước về hoạt động viễn thám từ khâu thu nhận, đến lưu trữ, xử lý, cung cấp, xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám... trong tình hình hiện nay, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

“Để nâng tầm quản lý Nhà nước trong hoạt động viễn thám, có được các công cụ,thiết chế đủ mạnh, ngang tầm, có đủ nguồn lực, năng lực để thống nhất điều chỉnh việc quản lý và thực thi các hoạt động của Nhà nước về viễn thám, cần phải có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về hoạt động viễn thám một trong các văn bản cần thiết, quan trọng nhất. Nghị định về hoạt động viễn thám sẽ giúp hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động liên quan đến viễn thám, đồng thời, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên, giám sát môi trường,thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội“ - ông Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.

Đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời kỳ công nghiệp số

Cho đến nay, Dự thảo Nghị định về quản lý viễn thám đã hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành. Dự thảo Nghị định gồm 6 Chương thể hiện trong 33 Điều. Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể hơn về nội dung, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong hoạt động xây dựng và phát triển vệ tinh viễn thám bằng ngân sách Nhà nước.

Quy định rõ về thẩm quyền xây dựng,vận hành công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám. Các quy định về vận hành, bảo trì công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, hành lang bảo vệ công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, trách nhiệm bảo vệ công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, di dời công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám nhằm bảo đảm và duy trì sự hoạt động bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác, sử dụng.

Hành lang bảo vệ công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám cũng được quy định cụ thể, trong đó, để duy trì hoạt động liên tục và hiệu quả của các công trình đã quy định những công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám đã được xây dựng và đang hoạt động ổn định trước khi Nghị định được ban hành, giữ nguyên hiện trạng và xác định các chỉ tiêu kỹ thuật khi xây dựng mới công trình hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám.

Việc thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, xử lý dữ liệu ảnh viễn thám, quy định cụ thể hơn nội dung, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, xử lý dữ liệu ảnh viễn thám.

Đặc biệt, trách nhiệm trong quản lý viễn thám đã quy định cụ thể về trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ, ngành và địa phương cũng như tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động viễn thám. Ngoài ra, trong Dự thảo cũng quy định về chế độ báo cáo đối với hoạt động viễn thám.

Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết: Bộ TN&MT hiện đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động viễn thám, làm cơ sở cho công tác quản lý hoạt động viễn thám có hiệu quả và là cơ sở để xây dựng Luật Viễn thám trong tương lai.