Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc: Phát hiện 60 đơn vị vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 07:34, 26/12/2018

Thanh tra 102 cơ sở tại 10 tỉnh, thành phía Bắc
(TN&MT) - Đây là số liệu được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 của Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, ngày 25/12. Ngoài ra, Cục còn bắt quả tang nhiều vụ xả thải trực tiếp ra môi trường, giải quyết vấn đề ô nhiễm liên tỉnh trên các lưu vực sông

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc Dương Thị Thanh Xuyến cho biết: Theo kế hoạch đề ra, năm 2018, Cục sẽ thanh kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại hơn 100 cơ sơ đóng trên địa bàn các tỉnh phía Bắc. Đến nay, kế hoạch này đã được hoàn thành. Cục đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai 07 Đoàn thanh tra đối với 102 cơ sở trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình, Thái Bình và Yên Bái. Trong số đó, có 04 đơn vị được thanh tra đã tạm dừng hoạt động hoặc chưa triển khai dự án.

Ngoài công tác kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch, Cục MTMB đã tổ chức 2 Đoàn thanh tra đột xuất đối với Công ty Cổ phần Thịnh An hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 04 cơ sở tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, thành phố Hà Nội. Đến nay, đã lập các biên bản xử phạt hành chính, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đồng thời yêu cầu biện khắc phục hậu quả xây dựng công trình bảo vệ môi trường đảm bảo thu gom xử lý và lưu giữ chất thải đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Kết quả thanh tra bước đầu cho thấy, có tới 60/102 đơn vị có vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, chiếm tỷ lệ 58,84%. Các hành vi vi phạm tập trung vào xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép; thực hiện không đúng quy định về quản lý chất thải thông thường, CTNH; thực hiện không đúng, không đầy đủ hoặc không thực hiện các nội dung trong báo cáo ĐTM/Đề án BVMT đã được phê duyệt; thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ không đúng, không đầy đủ theo quy định; không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT….
 

c
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh phát biểu chỉ đạo

Không chỉ tập trung vào việc thanh tra, kiểm tra, Cục MTMB còn đã tham mưu cho  Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ xử lý vụ việc nóng về môi trường. Điển hình như vụ việc cá chết tại hồ Tây, Hà Nội vào tháng 6 và tháng 7; xử lý thông tin ô nhiễm môi trường Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn, tỉnh Thái Nguyên; xử lý ô nhiễm mùi hôi từ hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần thương mại sản xuất da Nguyên Hồng, tỉnh Lạng Sơn; giải quyết tình trạng đốt phế thải công nghiệp tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh gây ô nhiễm môi trường cho xã Thụy Lâm và xã Vân Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội; vụ việc cá chết tại hồ điều hòa Cửa Nam, tỉnh Nghệ An; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế biến củ rong riềng tại tỉnh Điện Biên; xử lý ô nhiễm môi trường trên bãi biển Hải Tiến tại tỉnh Thanh Hóa. Cục cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương triển khai đồng bộ hoạt động giám sát 02 điểm nóng về môi trường gồm: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa.

Tổ chức thành công 2 hội nghị lưu vực sông

Đặc biệt trong năm 2018, Cục đã thực hiện tốt vai trò Điều phối triển khai Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy. Tổ chức có hiệu quả Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban BVMT LVS Cầu; tổ chức cuộc họp trù bị Phiên họp lần thứ 14 và Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu; Phiên họp lần thứ 10 và Lễ chuyển giao chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy với sự tham gia của hàng trăm đại biểu của các Bộ, ngành, địa phương, các Sở ngành có liên quan. Chất lượng tài liệu chuẩn bị được đánh giá cao, tập trung vào những nội dung đã đạt được trong nhiệm kỳ 2016 - 2018, đặc biệt đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục triển khai trong nhiệm kỳ tới 2018 - 2020 thông qua các giải pháp cụ thể, có tính khả thi cao và đã được các đại biểu tham dự cuộc họp nhất trí thông qua.
 

c
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc Dương Thị Thanh Xuyến báo cáo tại Hội nghị

Đáng ghi nhận là Cục đã giải quyết vấn đề ô nhiễm liên tỉnh trên sông Cầu do tiếp nhận nước sông Ngũ Huyện Khê; vấn đề ô nhiễm sông Nhuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội chảy xuống, gây ô nhiễm sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn tỉnh Hà Nam vào mùa khô; kiến nghị việc giải quyết tình hình ô nhiễm có sự giao thoa giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; khó khăn trong giải quyết triệt đê vấn đề ô nhiễm làng nghề, cũng như xử lý nước thải sinh hoạt đô thị… Đồng thời, triển khai quyết liệt, khẩn trương, đúng quy trình việc tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính về xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Cục đã xử lý 75 hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT; tiếp nhận, xử lý 50 hồ sơ đề nghị kiểm tra các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…  

Công tác xây dựng, phổ biến văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ; trả lời kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, cử tri và các công tác khác đều đã được quan tâm, chú trọng thực hiện. Đến nay, đều đã hoàn thành theo chương trình công tác đã đề ra.
 

x
Toàn cảnh Hội nghi

Kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh đánh giá cao việc tổ chức thành công 2 hội nghị lưu vực sông. Đồng thời khẳng định, năm 2018 Cục BVMT miền Bắc xử lý rất nhiều điểm nóng phát sinh; tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bắt quả tang nhiều vụ xả thải trực tiếp ra môi trường như mật phục bắt quả tang Công ty Urenco 6 xả thải trực tiếp ra hồ Xuân Khanh. Tham mưu cho lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục xử lý các bất cập trong xử lý ô nhiễm môi trường như chỉ ra những tồn tại bất cập cần khắc phục trong xử lý chất thải rắn... Với những kết quả nêu trên, Cục trở thành đơn vị dẫn đầu trong việc hoàn thành hiệu quả công việc được giao.

Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng cũng lưu ý Cục nên xây dựng một báo cáo riêng về kết quả thanh tra kiểm tra. Trong báo cáo này phải phản ánh được bức tranh chung công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hiện nay và so sánh với thời kỳ trước. Đánh giá hiệu quả thanh kiểm tra, phản hồi của các doanh nghiệp đối với các đoàn kiểm tra.

Để triển khai có hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; các cơ sở, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp; nâng cao vị thế của Cục, Phó Tổng cục trưởng định hướng: Năm 2019, Cục không chỉ tập trung triển khai các đoàn thanh tra mà còn phải theo dõi đôn đốc các đoàn thanh tra thực hịện theo đúng quy định từ việc lập báo cáo tiến độ định kỳ, nâng cao chất lượng, tiến độ. Xây dựng quy trình ứng phó với sự cố ô nhiễm môi trường, phân định rõ nhiệm vụ của từng cấp, đơn vị; kiến nghị các địa phương xây dựng các công trình bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông…

 

Năm 2019, Cục sẽ phối hợp với Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, Cục Môi trường miền Nam, Cục Môi trường miền Trung – Tây Nguyên và các đơn vị liên quan tham mưu, xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra về môi trường năm 2019 nhằm đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo, không ảnh hưởng đến đối tượng thanh tra, kiểm tra. Theo dự kiến, Cục MTMB đề xuất thanh tra tại 127 cơ sở trên địa bản 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc; kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tại 50 cơ sở trên địa bàn 05 tỉnh, thành phố.