Triển khai xây dựng hai Quy hoạch biển quan trọng

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:36, 22/11/2018

(TN&MT) - Sáng ngày 22/11/2018 đã diễn ra Hội thảo triển khai xây dựng quy hoạch biển và giới thiệu Dự án về cải thiện điều kiện môi trường định cư con người và...
(TN&MT) - Sáng ngày 22/11/2018 đã diễn ra Hội thảo triển khai xây dựng quy hoạch biển và giới thiệu Dự án về cải thiện điều kiện môi trường định cư con người và hệ sinh thái vùng bờ tại đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) tổ chức. Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên đã tới dự và chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Hưng Nam 
 

Hội thảo còn có sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; và đại diện lãnh đạo các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, biển, hải đảo luôn là đối tượng quan trọng và ngày càng trở thành mục tiêu trọng tâm, chiến lược của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ. Chính vì vậy, Việt Nam xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của cả nước là hai Quy hoạch tổng thể của quốc gia quan trọng để quản lý tổng hợp, thống nhất biển, đảo. Chính vì vậy cần phải xây dựng hai quy hoạch này vừa có tính bao quát, vừa có tính khả thi cao, đảm bảo yêu cầu quản lý khai thác bền vững tài nguyên môi trường biển, đảo.

Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị thông qua ngày 22/10/2018 tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Nghị quyết đã khẳng định tầm quan trọng, vai trò của biển, đảo đối với sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Theo đó, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý cần “hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển” là một trong bảy giải pháp cơ bản, cấp bách để thực hiện Nghị quyết. Nhiệm vụ Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của cả nước được giao trực tiếp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao triển khai xây dựng. Do đó, việc xây dựng thành công hai Quy hoạch này đáp ứng mục tiêu: Khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững không gian biển trên cơ sở tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển; giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển; góp phần bảo vệ, bảo tồn được các tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái, các giá trị tự nhiên - văn hóa - lịch sử và chất lượng môi trường biển là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Tại Hội thảo này, Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên mong muốn các đại biểu sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến về các nội dung cụ thể để xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của cả nước; và dự án cải thiện điều kiện môi trường định cư con người và hệ sinh thái vùng bờ cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam, bám sát các mục tiêu đã đề ra.

 
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. Ảnh: Hưng Nam
 

Cũng tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quang, Đại diện Chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) cho biết quan điểm của UN-Habitat trong việc xây dựng quy hoạch biển là quy hoạch phải giúp các khu định cư ven biển phát triển an toàn, bền vững; hướng đến phát triển Việt Nam mạnh về biển, hiện đại, tiên tiến. Đồng thời, cần đảm bảo hệ sinh thái vùng bờ, ven biển; quản lý tốt sử dụng đất, không ảnh hưởng đến môi trường sống; giúp cộng đồng ven biển có khả năng thích ứng và sống an toàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Theo đó, muốn xây dựng quy hoạch này thành công cần có tư duy đổi mới, đặc biệt là tư duy hệ thống, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo phát triển bền vững của cộng đồng dân cư ven biển. Đồng thời,việc huy động nguồn lực tổng thể, trong đó có nguồn lực quốc tế là yếu tố quan trọng để quy hoạch được thực thi hiệu quả. UN-Habitat mong muốn được hợp tác với các Bộ ngành của Việt Nam trong vấn đề này. Chúng tôi cũng đem đến sáng kiến cải thiện điều kiện môi trường định cư con người và hệ sinh thái vùng bờ để chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo hôm nay.

Đại diện GIZ cũng đóng góp ý kiến khẳng định muốn quy hoạch được thực thi hiệu quả, bền vững, cần huy động được sự tham gia, ủng hộ của khối tư nhân. GIZ sẽ tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ và đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong triển khai xây dựng hai quy hoạch này cũng như các nỗ lực tại đồng bằng sông Cửu Long và vùng ven biển Việt Nam.