Đại học TN&MT Hà Nội: Khoa Khoa học biển và hải đảo và Khoa Tài nguyên nước - 5 năm hình thành và phát triển
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 12:57, 18/10/2018
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thanh – Hiệu trưởng trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: “5 năm qua (2013-2018), 2 khoa: Khoa Khoa học biển và hải đảo; Khoa Tài nguyên nước đã có quá trình xây dựng, trưởng thành về nhiều mặt và đạt được những thành tích rất đáng kể: Đội ngũ giảng viên không ngừng tăng về số lượng và chất lượng. Tính đến nay đã có: 4 PGS. TS; 7 TS và khoảng 20 ThS. Đồng thời các giảng viên đã tham gia các khóa đào tạo nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước rất tích cực (3NCS); đã tham gia giảng dạy đào tạo sinh viên các ngành do 2 khoa phụ trách, đồng thời tham gia tích cực trong việc đào tạo thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân thuộc các ngành khác do các khoa khác quản lý. Tổng số sinh viên đã và đang được đào tạo khoảng 600 sinh viên các ngành kỹ sư, cử nhân, cao đẳng…”.
Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Thanh, trong 5 năm qua, 2 khoa dưới sự hỗ trợ từ phía nhà trường đã mở rộng quan hệ, hợp tác với các tổ chức, đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học ở nước ngoài, kết hợp đào tạo với thực tập sản xuất; 2 khoa đã đào tạo được trên 200 Kỹ sư, Cử nhân, trong đó trên 60% có việc làm phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên đã được nhận học bổng tài trợ từ các doanh nghiệp; nhiều sinh viên đã trở thành cán bộ của các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học như: Các viện chuyên ngành thuộc Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam; Các cơ quan, sở chuyên ngành thuộc Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam; Các cơ quan, sở chuyên ngành tại các Bộ, các tỉnh…; cán bộ, giảng viên, sinh viên của 2 khoa tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, đến nay có trên 100 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học uy tính; có 3 đề tài cấp Nhà nước; 3 đề tài khoa học cấp Bộ và nhiều đề tài NCKH cấp Trường do giảng viên và sinh viên chủ trì thực hiện…; tham gia biên soạn giáo trình, đề cương bài giảng; nhiều sinh viên đạt giải cao tại các cuộc thi các công trình nghiên cứu khoa học cấp trường. Tập thể 2 khoa đã nhiều năm liền đạt tập thể lao động xuất sắc, được tặng thưởng các phần thưởng của Bộ, Ngành và nhà trường.
Ông Marc van der Linden – Bí thư thứ nhất phụ trách kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cho biết: Quản lý, bảo tồn trong phát triển bền vững tài nguyên và môi trường vùng bờ cũng là vấn đề được ưu tiên trong đất nước của ông.
Ông cho rằng với truyền thống 5 năm thành lập, cùng với tiềm lực hiện có, 2 khoa: Khoa Khoa học biển và hải đảo; Khoa Tài nguyên nước của Đại học TN&MT Hà Nội sẽ ngày càng phát triển, xứng đáng là là nơi đào tạo và nghiên cứu ngành nghề chuyên môn cao cho đất nước.
TS. Nguyễn Hồng Lân – Trưởng khoa Khoa học Biển và Hải đảo (KHB&HĐ) của Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: Kể từ khi được thành lập, Khoa KHB&HĐ đã và đang phát triển mạnh về nhân lực cũng như cơ sở trang thiết bị nhằm phục vụ đào tạo nguồn nhân lực về khoa học, quản lý biển và hải đảo cho đất nước. Hiện nay, Khoa KHB&HĐ đã và đang đào tạo 2 ngành là quản lý biển và khí tượng thủy văn biển với gần 300 sinh viên chính quy, trong đó có gần 250 sinh viên đã tốt nghiệp ra trường. Trong những năm tiếp theo kể từ năm 2019, Khoa KHB&HĐ có kế hoạch điều chỉnh các chương trình đào tạo, mở các chương trình đào tạo mới theo hướng đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong ngành/lĩnh vực biển và nhu cầu thị trường trong việc phát triển kinh tế biển và hàng hải.
Theo TS. Nguyễn Hồng Lân, để đáp ứng được kế hoạch phát triển, mở rộng đào tạo, nghiên cứu khoa học của khoa trong thời gian tới, Khoa KHB&HĐ đã và đang có kế hoạch nâng cao trình độ giảng dạy, nghiên cứu khoa học của các giảng viên như sẽ cử các giảng viên trẻ đi đào tạo tiến sĩ tại các nước Úc, Hà Lan, Nhật... theo các chuyên ngành hải dương học, sinh thái học và môi trường biển… Theo chiến lược phát triển của khoa, đến năm 2020 Khoa KHB&HĐ sẽ có 02 phó giáo sư, 08 tiến sĩ và toàn bộ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên.
“Trong thời gian tới, Khoa KHB&HĐ sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học, quản lý biển; tiếp tục triển khai các đề tài, dự án và tham gia xây dựng, đấu thầu những đề tài, dự án mới về khoa học biển; xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ biển với các thiết bị nghiên cứu hiện đại về hải dương học, động lực biển, phân tích môi trường biển... nhằm đáp ứng nhu cầu thực tập của sinh viên cũng như phục vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực biển và hải đảo. Theo chiến lược phát triển của khoa đến năm 2025, Khoa KHB&HĐ sẽ mở rộng các lĩnh vực đào tạo về hải dương học và công nghệ biển, hàng hải, sinh thái và môi trường biển, kinh tế biển cho sinh viên đại học và tiến tới đào tạo thạc sĩ về khoa học biển từ năm 2020” - TS. Nguyễn Hồng Lân nhấn mạnh.
TS. Hoàng Thị Nguyệt Minh, Trưởng khoa Tài nguyên nước của Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: Trong 5 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm Ban Giám hiệu Nhà trường, Khoa Tài nguyên nước đã không ngừng đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học với mục tiêu xây dựng một hệ thống đào tạo chất lượng phục vụ cho sự phát triển không ngừng của xã hội. Khoa Tài nguyên nước đã đạt được những thành tựu nhất định trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Theo TS. Hoàng Thị Nguyệt Minh, trong những năm tới, Khoa Tài nguyên nước phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học có uy tín trong nước về lĩnh vực tài nguyên nước với các định hướng cụ thể: Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học thông qua các giải pháp cụ thể về nâng cao trình độ giảng viên, cải tiến phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đầu tư cơ sở vật chất phòng thực hành thí nghiệm, mở rộng hợp tác với các trường, viện nghiên cứu, cơ quan, công ty, các tổ chức trong và ngoài nước khai thác mọi tiềm lực trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực tài nguyên nước…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trình bày các bài tham luận về: Tài nguyên nước dưới đất các đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam: tiềm năng và thách thức; Bảo vệ vùng bờ của chúng ta, thực trạng và giải pháp cho quản lý vùng bờ; Tổng hợp vùng bờ ở Việt Nam: chính sách và thực tiễn; Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và những chuẩn bị của Việt Nam; Tiềm năng năng lượng sóng biển ven bờ Việt Nam; Hệ thống quan trắc và dự báo tài nguyên nước quốc gia, những thành tựu trên con đường hội nhập.