Những ứng dụng to lớn của ngành Bản đồ trong công tác dự báo, ứng phó với Biến đổi khí hậu
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:04, 05/10/2018
Tại buổi thảo luận chuyên đề, nhiều ý kiến tâm huyết đã được các chuyên gia cùng đưa ra thảo luận.
TS. Nguyễn Phi Sơn – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ: Công nghệ viễn thám và GIS có vai trò quan trọng trong việc xây dựng bản đồ xói mòn đất
Xói mòn đất được coi là nguyên nhân chính gây suy thoái đất, là một trong những vấn đề quan trọng của môi trường đất và đang có xu hướng gia tăng ở nhiều quốc gia. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xói mòn đất bao gồm: mưa, gió, độ dốc, thổ nhưỡng, thảm thực vật, con người. Xói mòn đất mang đi một lượng lớn đất mùn trên mặt từ các vùng đất cao, đất dốc xuống các chân núi, xuống các hồ chứa, theo các dòng sông mang phù sa đổ ra biển… dẫn đến chất lượng đất càng cằn cỗi nếu như các biện pháp không được thực thi. Hiện nay, mô hình để đánh giá xói mòn đất được chia thành hai loại: mô hình thực nghiệm (RUSLE) và mô hình nhận thức. Việt Nam hiện đang sử dụng mô hình thực nghiệm để xây dựng các bản đồ xói mòn tiềm năng và xói mòn hiện trạng.
Bản đồ xói mòn đất hiện trạng được thành lập dựa trên phương trình mất đất phổ dụng cải tiến RUSLE (Revised Universal Soil Loss Equation) thông qua 5 bản đồ hệ số: R, K, LS, C và P. Các bản đồ hệ số R, K, LS được thành lập từ các dữ liệu điều tra, quan trắc về khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng và tổng hợp từ thực nghiệm theo các đặc trưng khác nhau và rất khó trong mô hình hóa bằng bản đồ.
Thông qua việc sử dụng mô hình RUSLE, tư liệu viễn thám, dữ liệu địa hình và ứng dụng hệ thông tin địa lý (GIS), chúng tôi đã xây dựng được các bản đồ hệ số: R, K, LS, C và P, từ đó thành lập bản đồ xói mòn đất hiện trạng cho thành phố Uông Bí. Đối với 2 bản đồ hệ số C và hệ số P đã được thành lập từ ảnh vệ tinh và dữ liệu địa hình kết hợp với các tiêu chuẩn thực nghiệm cho thấy, khả năng công nghệ viễn thám, đặc biệt là độ phân giải cao, siêu cao có khả năng đáp ứng tốt các đòi hỏi cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả thành lập bản đồ xói mòn đất hiện trạng. Bản đồ này chắc chắn có chất lượng tốt hơn bản đồ xói mòn đất hiện trạng TP. Uông Bí đã được thành lập theo phương pháp truyền thống. Nó góp phần khẳng định việc nghiên cứu đánh giá xói mòn đất dưới sự trợ giúp của công nghệ viễn thám và GIS là rất hiệu quả và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
ThS. Tống Thị Hạnh - Học viện Kỹ thuật quân sự: Vai trò của GIS và MCA trong đánh giá thích nghi đất đai
Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực nông nghiệp. BĐKH tác động đến thời vụ làm thay đổi cấu trúc mùa vụ, làm suy thoái tài nguyên đất, gây sâu bệnh cho cây trồng và giảm sản lượng thu hoạch. Do vậy, việc xác định vùng đất thích nghi để trồng lúa xen canh màu là phương pháp canh tác phù hợp và cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với BĐKH.
Ứng dụng hệ thông tin địa lý (GIS) và kỹ thuật đánh giá đa chỉ tiêu (MCA) trong đánh giá thích nghi đất đai đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Ở Việt Nam, các nghiên cứu ứng dụng GIS trong đánh giá thích nghi đất đai được ghi nhận vào thập niên 90 của thế kỷ XX. Vì thế mục đích của nghiên cứu này là ứng dụng GIS và kỹ thuật phân tích đa chỉ tiêu (MCA) đánh giá khả năng thích nghi đất đai của cây lúa – màu nhằm đề xuất các diện tích thích hợp nhất cho việc phát triển loại hình sử dụng đất trồng lúa kết hợp xen canh cây màu, thử nghiệm cho khu vực huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nghiên cứu lựa chọn 6 chỉ tiêu, bao gồm: loại đất, tầng dày, độ dốc, độ cao, khả năng tưới nước và lượng mưa trung bình năm.
Kết quả nhận được cho thấy, trong khu vực huyện Gio Linh có 6% diện tích đất rất thích nghi cho trồng cây lúa – màu tập trung ở các xã Gio Quang, Gio Châu, Gio Mỹ, thị trấn Gio Linh, Trung Hải, Gio Mai; 11% diện tích đất thích nghi trồng lúa – màu tập trung ở các xã Trung Sơn, Gio Thành, Gio Hòa, Gio An, Linh Hải, Gio Sơn; 48% kém thích nghi và 35% không thích nghi cho trồng lúa – màu. Kết quả nhận được trong nghiên cứu có thể được sử dụng cho công tác lập quy hoạch vùng kết hợp trồng cây lúa – màu phục vụ đảm bảo anh ninh lương thực và đối phó BĐKH.
ThS. Đỗ Thị Thu Thủy - Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam: Tiến tới xây dựng Từ điển Địa danh Việt Nam
Ở Việt Nam, công tác chuẩn hóa địa danh phục vụ thành lập bản đồ được Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam triển khai thực hiện từ năm 2006. Các kết quả chuẩn hóa địa danh đã góp một phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế xã hội đất nước. Trải qua quá trình thực tiễn hơn 10 năm, việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác chuẩn hóa địa danh dần hoàn thiện. Trên cơ sở kết quả đó, đến nay Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành được “Danh mục địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn, các yếu tố kinh tế - xã hội” thể hiện trên bản đồ địa hình tỉ lệ 1:25.000, 1:50.000 của 48 tỉnh, thành phố với tổng số khoảng 80.000 địa danh. Hiện nay, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện danh mục địa danh những tỉnh còn lại. Các địa danh đã ban hành được quy định sử dụng thống nhất trong các sản phẩm đo đạc và bản đồ được lựa chọn để gửi cho nhóm chuyên gia về địa danh của Liên hợp quốc (UNGEGN) phổ biến, sử dụng trên toàn thế giới.
Từ kết quả đạt được, chúng tôi kiến nghị: Tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Chuẩn hóa địa danh để có thể vận dụng đối với tất cả các vùng dân tộc – ngôn ngữ của Việt Nam; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bổ sung bốn con chữ: W, Z, J, F vào bộ chữ quốc ngữ, cho phép sử dụng các tổ hợp phụ âm đầu và các phụ âm cuối của các ngôn ngữ dân tộc Tây Nguyên trong chính tả tiếng Việt; tiếp tục thực hiện việc chuẩn hóa địa danh trên bản đồ địa hình tỷ lệ lớn hơn 1:25.000; tiếp tục thử nghiệm việc xây dựng Từ điển Địa danh các tỉnh, thành phố để tiến tới xây dựng Từ điển Địa danh Việt Nam.
ThS. Nguyễn Văn Thảo, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam: Nâng cao dân trí thông qua tăng cường sử dụng sản phẩm bản đồ và dữ liệu không gian địa lý
Sản phẩm bản đồ có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong những năm qua, việc sử dụng sản phẩm bản đồ tại Việt Nam còn hạn chế. Trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong đo đạc và bản đồ, việc tăng cường sử dụng sản phẩm bản đồ càng có ý nghĩa quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhằm tăng cường việc sử dụng sản phẩm bản đồ và dữ liệu không gian địa lý phục vụ nâng cao dân trí, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp như sau:
Một là, tăng cường kỹ năng giảng dạy bằng bản đồ của các giáo viên nhằm cung cấp cho học sinh cách đọc và sử dụng bản đồ, dữ liệu không gian địa lý một cách có hiệu quả
Hai là, cần xây dựng chương trình giảng dạy, phân bổ thời gian hợp lý cho việc giảng dạy, thực tập ngoại khóa về kiến thức địa lý, lịch sử và các môn học khác bằng bản đồ một cách sinh động, hiệu quả thông qua các chương trình phần mềm bản đồ phù hợp đối với từng cấp học.
Ba là, cần thiết kế, xây dựng các phần mềm trực tuyến trên mạng internet phục vụ việc giảng dạy, học tập về bản đồ, hệ thông tin địa lý (GIS) cho các cấp học.
Bốn là, nhà nước cần có chính sách phù hợp trong việc cung cấp dữ liệu không gian địa lý phục vụ công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và các mục đích nhân đạo xã hội.
Để thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm bản đồ để nâng cao dân trí trong điều kiện Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta rất cần đến sự chung tay ủng hộ của các nhà chuyên môn về bản đồ, về công nghệ thông tin nhằm thiết lập các công cụ phục vụ nâng cao dân trí có hiệu quả. Đồng thời, nhà nước cũng cần có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc cung cấp dữ liệu không gian địa lý, tạo ra các sản phẩm phù hợp cho xã hội.