Cần Thơ: Tập trung quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:11, 09/10/2018
Đưa công tác quản lý đi vào nề nếp, hiệu quả
Thời gian qua, tiếp thu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH; Thành ủy, UBND TP. Cần Thơ đã nhanh chóng chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện triển khai sâu rộng trên toàn địa bàn Thành phố.
Từ các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, UBND TP. Cần Thơ đã cụ thể hóa trong các kế hoạch, chương trình và các văn bản chỉ đạo, nhằm tập trung thực hiện hiệu quả công tác khai thác khoáng sản, BVMT, ứng phó BĐKH, đồng thời lồng ghép chặt chẽ các nội dung về quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó, công tác tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, BVMT, ứng phó BĐKH tại địa phương ngày càng được nâng cao, cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước những lĩnh vực này được tạo mọi điều kiện thuận lợi để học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý cũng như thi hành các quy định của pháp luật.
Cùng với việc triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật; UBND TP.Cần Thơ cũng thường xuyên chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị, cơ quan Trung ương và địa phương tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra khai thác khoáng sản, BVMT.
Đối với lĩnh vực khoáng sản, qua các đợt thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất trong thời gian qua không phát hiện tổ chức, cá nhân nào hoạt động khai thác khoáng sản vi phạm các quy định của giấy phép và các quy định của pháp luật có liên quan. Liên quan đến lĩnh vực môi trường, từ năm 2014 đến nay, các lực lượng chức năng của TP.Cần Thơ đã thực hiện kiểm soát ô nhiễm 240 lượt, với 250 đơn vị, qua công tác kiểm soát đã phát hiện 54 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nước thải, khí thải...
Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH, thừa ủy quyền của UBND TP.Cần Thơ, Giám đốc Sở TN&MT, ông Nguyễn Văn Sử cho biết: Trong thời gian qua, các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân trong hoạt động khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định pháp luật và ý thức về BVMT của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từng bước được nâng lên.
Ngoài ra, thông qua việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng, người đứng đầu trong việc chỉ đạo điều hành, quản lý tài nguyên và BVMT đã pháp hiện những thiếu sót và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp của TP.Cần Thơ đã nhận thức, trách nhiệm về công tác BVMT, sử dụng hiệu quả tài nguyên được nâng lên; ý thức và hành động tự giác BVMT, tài nguyên thiên nhiên của hầu hết người dân có sự chuyển biến tích cực.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Phát huy những kết quả đã đạt được, TP.Cần Thơ đã đề ra một số nhóm nhiệm vụ cần phải tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 747/QĐ-UBND ngày 23/3/2016 của UBND TP. Cần Thơ về chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020.
Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, tập trung công tác rà soát, hệ thống văn bản pháp luật lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không phù hợp với các quy định hiện hành; sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn.
Trong lĩnh vực khoáng sản, tăng cường phối hợp thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác tài nguyên khoáng sản, tiếp nhận và hướng dẫn kịp thời giải quyết các kiến nghị, vướng mắc về các thủ tục hành chính nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Cùng với đó, phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm những cán bộ công chức, viên chức bao che, tiếp tay cho khai thác tài nguyên khoáng sản không phép, sai phép và các hành vi khai thác khoáng sản trái với quy định.
Trong công tác BVMT, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban ngành, quận, huyện trong thực hiện nhiệm vụ BVMT từ khâu xét duyệt, thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đến triển khai thực hiện và vận hành dự án; giám sát các chủ dự án, nhà đầu tư tuân thủ các yêu cầu của quyết định phê duyệt ĐTM và thực hiện hiệu quả các công trình BVMT; tập trung bảo vệ môi trường các khu vực trọng điểm; giám sát chặt chẽ việc xả thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài KCN, các cơ sở y tế, làng nghề, hộ chăn nuôi, giết mổ gia xúc, gia cầm có quy mô lớn.
Cùng với đó, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về BVMT; tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, chú trọng quản lý chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, y tế; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện quan trắc chất lượng môi trường không khí, nước, môi trường đất nhằm cảnh báo kịp thời các vấn đề, sự cố môi trường phát sinh; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ngoài ra, thực hiện công tác tuyên truyền phân loại thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp, chú trọng ưu tiên tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng chất thải chôn lấp; chấm dứt nạn vứt rác, xả rác trực tiếp xuống các kênh, rạch trong khu đô thị.
Đối với môi trường nông thôn, tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu sử dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; thu gom xử lý theo quy định các loại bao bì chứa đựng hóa chất sau sử dụng; khắc phục ô nhiễm tại các làng nghề, cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nâng cao tỉ lệ thu gom và xử lý rác ở khu vực nông thôn.
Về lĩnh vực BĐKH, tập trung thực hiện các nhiệm vụ về ứng phó với BĐKH theo Kế hoạch số 84/KH-UBND, ngày 9/5/2018 của UBND TP. Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, trong đó từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng kinh tế đồng bộ cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy hoạch hiện có, xây dựng các quy hoạch mới liên quan.
Và có cả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, đô thị, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, ổn định dân cư,... trên cơ sở tích hợp các yếu tố BĐKH; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và các Bộ, ngành Trung ương trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH, phòng tránh thiên tai, sạt lở bờ sông; chương trình tăng trưởng xanh, kế hoạch thỏa thuận Paris về BĐKH và các chương trình, kế hoạch, dự án liên quan đến BĐKH đã ban hành.
Mặt khác, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình dự án nông nghiệp, đầu tư các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản phẩm nông nghiệp; phát triển dịch vụ giống cây, con trong nông nghiệp gắn liền với tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa TP.Cần Thơ; quan tâm đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng và hiệu quả nhằm đáp ứng nhiệm vụ mới...