Đài KTTV khu vực Nam Bộ dồn sức dự báo tình hình nước lũ ĐBSCL
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:53, 05/09/2018
PV: Xin ông cho biết tình hình lũ Đồng Bằng Sông Cửu Long những ngày qua và dự báo trong vài ngày tới diễn biến như thế nào?
Ông Lê Ngọc Quyền: Tại đầu nguồn sông Cửu Long, hiện tại mực nước khu vực trung và hạ lưu sông Mê Công biến đổi chậm và đang ở mức cao, đầu nguồn sông Cửu Long những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 ít biến đổi và ở mức xấp xỉ ở mức Báo động II. Tính đến 7h00 ngày 05/9/2018, mực nước lớn nhất đo được tại Tân Châu (An Giang): 3.97m; Châu Đốc (An Giang) 3.49m xấp xỉ trên Báo động II.
Dự báo khu vực đầu nguồn sông Cửu Long mực nước lên nhanh trong những ngày tới, khu vực Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên mực nước ít biến đổi trong 1,2 ngày tới, sau đó lên chậm. Hạ lưu các sông Nam Bộ mực nước ít biến đổi trong 48 giờ tới, sau đó lên nhanh theo triều. Nhận định đến giữa tháng 9 mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ở mức xấp xỉ Báo động III, các trạm trên dòng chính sông Cửu Long: Cần Thơ, Mỹ Thuận xấp xỉ trên Báo động III.
Về tình hình nước lũ sắp tới: Dự báo mưa trên lưu vực sông Mê Công giảm (cuối mùa mưa). Đợt triều đầu tháng 8 âm lịch sẽ lên cao kết hợp nước thượng nguồn về mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ đạt mức cao: Tân Châu: 4.40 - 4.50m, Châu Đốc 3.80-3.90m (khoảng giữa tháng 9 và duy trì cho đên hết tháng).
Khu vực nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nước tiếp tục lên đến nữa cuối tháng 9 ở mức Báo động II đến Báo động III.
PV: Ngay từ những ngày đầu của mùa lũ ĐBSCL năm nay, Tổng cục KTTV đã chỉ đạo Đài KTTV khu vực Nam Bộ ra sao về công tác dự báo thưa ông?
Ông Lê Ngọc Quyền: Ngay từ tháng 3 tháng 4 năm 2018, trong các bản tin dự báo KTTV mùa, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia (Tổng cục KTTV - Bộ TN&MT) đã nhận định lũ trên Sông Mê Công, sông Cửu Long đến sớm, đỉnh lũ năm trên Sông Cửu Long ở mức báo động 2 - Báo động 3 và cảnh báo nguy cơ xảy ra ngập lụt một số vùng ven song, ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An vào thời kỳ cuối tháng 7. Đặc biệt ngay từ bản tin ban hành ngày 13/4 đã cảnh báo nguy cơ xuất hiện lũ lớn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ngày 12/7, Trung tâm đã phát tin cảnh báo nước lên đầu tiên ở đầu nguồn Sông Cửu Long với lũ sớm, lũ lớn các bản tin cảnh báo lũ tiếp theo được phát vào các ngày 20, 25 và 30/7, từ ngày 8/8 đến nay Trung tâm thường xuyên phát tin lũ trên Sông Cửu Long (1 ngày 3 bản tin).
Cuối tháng 3/2018, Đài KTTV khu vực Nam Bộ đã tổ chức Hội nghị Dự báo KTTV mùa cho khu vực Nam Bộ. Đài đã thông tin đến 18 tỉnh thành Nam Bộ trong đó có khu vực ĐBSCL về tình hình lũ sớm, lũ lớn xảy ra trên khu vực ĐBSCL.
Bắt đầu từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, đặc biệt là trước, trong và sau dịp Quốc khánh 2/9, bên cạnh việc cảnh báo về tình hình lũ lớn, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng thấp trũng và mất an toàn đê bao tại các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL đặc biệt là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An… thông qua hình thức giao ban trực tuyến, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã thường xuyên chỉ đạo Đài KTTV khu vực Nam Bộ bám sát các bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhất là tình hình mưa, diễn biến thủy văn của khu vực Thượng Lào, Trung Lào và mực nước sông Mê Công để đưa ra các bản tin chính xác, liên tục nhằm phục vụ sớm công tác chỉ đạo, phòng chống, chủ động ứng phó với lũ lớn có khả năng xảy ra trên sông Mê Công có ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ĐBSCL.
Để làm tốt công tác dự báo, Đài KTTV khu vực Nam Bộ đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động đặc biệt là quan trắc viên, dự báo viên thường xuyên ứng trực, không nghỉ phép, tăng cường trực ca... Đài đã chỉ đạo: Phòng Quản lý mạng lưới trạm, Phòng Thông tin và dữ liệu KTTV, các Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tập trung nhân lực, vật lực… phối hợp duy tu bảo dưỡng hệ thống các trạm quan trắc, đảm bảo đường truyền thông tin, dự báo và cảnh báo kịp thời các đợt mưa lớn…; Phòng Dự báo và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thường xuyên theo dõi sát sao tình hình thời tiết, mưa lũ trên khu vực sông Mê Công, thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, tư vấn cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai các tỉnh, lãnh đạo tỉnh và các Sở ngành ở địa phương các thông tin đủ độ tin cậy để phục vụ kịp thời công tác phòng chống thiên tai của địa phương.
Đài đã chỉ đạo Phòng Dự báo ngay từ tháng 7 năm 2018 chủ động đã phát hành bản tin mực nước các sông miền Tây Nam Bộ, thông báo mực nước thượng nguồn Mê Công (Lào, Cam Pu Chia) và 17 trạm trên sông khu vực Nam Bộ. Dự báo cho 5 trạm chính trong 5 ngày tới: Tân Châu (sông Tiền); Châu Đốc (sông Hậu), Cần Thơ (sông Hậu); Mỹ Thuận (sông Tiền); Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ). Đến hôm nay, Đài đã phát 11 bản tin Lũ trên sông Cửu Long. Hàng ngày trả lời điện thoại tư vấn cho bà con khu vực đầu nguồn, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
PV: Bên cạnh công tác dự báo, ông có thể cho biết việc thường xuyên phối hợp, liên lạc giữa các Đài KTTV các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ với chính quyền địa phương để những bản tin dự báo tình hình nước lũ có thể phát huy hiệu quả nhất là đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa của ĐBSCL ra sao?
Ông Lê Ngọc Quyền: Theo quy chế làm việc của Đài KTTV khu vực Nam Bộ trong mùa mưa bão, hàng ngày Phòng Dự báo và các Đài KTTV tỉnh phải thường xuyên thảo luận trực tuyến để đưa ra các bản tin chính xác nhất.
Và để các bản tin dự báo có thể phát huy hiệu quả nhất là đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa của ĐBSCL, bên cạnh việc cung cấp bản tin về Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, chúng tôi luôn yêu cầu các Đài KTTV tỉnh ở khu vực Tây Nam Bộ phối hợp với UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai các địa phương bám sát công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai của địa phương, sẵn sàng cung cấp các bản tin dự báo một cách thường xuyên, liên tục, kịp thời và cụ thể của 66 điểm dự báo cho các địa phương cụ thể đến từng huyện, khu vực nội đồng để chính quyền các tỉnh ĐBSCL theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mực nước... phục vụ công tác phòng chống thiên tai.
PV: Để phát huy tốt hơn nữa các bản tin dự báo, đối với người dân khu vực ĐBSCL, ông có lời khuyên gì với họ trong những ngày nước lũ tràn về để tránh đến mức tối đa thiệt hại về người và tài sản?
Ông Lê Ngọc Quyền: Để có thể chủ động đề phòng nước lũ năm nay có khả năng lên cao, đặc biệt khi có các hình thế thời tiết gây bất lợi trên lưu vực… người dân vùng ĐBSCL cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt các bản tin dự báo được truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất là qua hệ thống loa truyền thanh của các thôn, ấp… đặc biệt là các thông tin dự báo, cảnh báo qua các cơ quan Phòng chống thiên tai các cấp của địa phương để chủ động phòng chống cho gia đình mình, đảm bảo an toàn người và tài sản.
Bên cạnh đó, Chính quyền các địa phương và nhân dân có thể thường xuyên cập nhật vào wetside của Đài KTTV khu vực Nam Bộ theo địa chỉ: www.kttv-nb.org.vn để có thông tin thường xuyên, liên tục về tình hình lũ trong khu vực.
PV: Trân trọng cám ơn ông!