Thuận lợi và thách thức đối với ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 08:51, 31/08/2018
Thuận lợi lớn
Luật Đo đạc và Bản đồ vừa được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2018 sẽ làm cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ giúp Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí; làm nền tảng để phát triển Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.
Nguyên tắc quan trọng trong đo đạc và bản đồ được quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Luật là phải Bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; kịp thời ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Điều này cũng khẳng định vai trò quan trọng của đo đạc và bản đồ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Để thực hiện nguyên tắc đó, chính sách của Nhà nước về đo đạc và bản đồ tại các Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Luật Đo đạc và Bản đồ đã nêu rõ: Đầu tư phát triển hoạt động đo đạc và bản đồ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Ưu tiên đầu tư hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển và ứng dụng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại.
Đây là những nguyên tắc và chính sách hết sức quan trọng, làm cơ sở để thúc đẩy ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phát triển, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của xã hội về sản phẩm thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời, thống nhất từ Trung ương tới địa phương và giữa các bộ, ngành, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước theo hướng Chính phủ điện tử trong kỷ nguyên số đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới.
Quy định của Luật Đo đạc và Bản đồ đã đảm bảo tính thống nhất trong quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ không chồng chéo, lãng phí, từng bước xã hội hóa một số nội dung, nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ nhằm phát huy trí tuệ và mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước, tiến tới xây dựng một ngành công nghiệp dữ liệu thông tin địa lý như một số nước tiên tiến trên thế giới đang triển khai thực hiện. Từ đây, các tổ chức, cá nhân sẽ được tham gia nhiều hơn trong các hoạt động đo đạc và bản đồ, đặc biệt là việc đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Một trong những nhiệm vụ cấp bách Luật đã quy định cho thời gian tới là phải nhanh chóng xây dựng và phát triển Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, trong đó, dữ liệu không gian địa lý là cốt lõi. Trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia triển khai xây dựng Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý từ lâu như Mỹ (năm 1994), Trung Quốc đã thành lập Ủy ban Điều phối Thông tin không gian địa lý quốc gia (NGICC) từ năm 2001. Tại khu vực châu Âu, từ 3/2007, Nghị viện châu Âu đã thành lập Hạ tầng Thông tin không gian tại Cộng đồng châu Âu có tên INSPIRE. INSPIRE được triển khai qua nhiều giai đoạn và sẽ hoàn tất vào năm 2019.
Đối với Việt Nam, Hạ tầng dữ liệu không gian lần đầu tiên được pháp luật quy định, tạo điều kiện cơ sở pháp lý triển khai ở tất cả các Bộ, ngành, địa phương, đáp ứng việc áp dụng và phát triển thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Chính sách của Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; cho phép kinh doanh dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ. Đây cũng là chính sách rất quan trọng để tăng cường khả năng sử dụng thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ của tất cả các đối tượng trong xã hội, tạo điều kiện phát triển ngành.
Nhiều thách thức
Mặc dù, có những thuận lợi của ngành Đo đạc và Bản đồ hiện nay do có đủ điều kiện hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý và triển khai thống nhất, đồng bộ các hoạt động đo đạc và bản đồ, nhưng cũng gặp không ít thách thức.
Một là, hạ tầng kỹ thuật đo đạc chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của khoa học và công nghệ.
Hiện nay, hệ thống trạm định vị vệ tinh tương đối hiện đại đang được Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam triển khai xây dựng, vận hành. Tuy vậy, sau khi hoàn thành, hệ thống chỉ mới phục vụ cho một số khu vực quan trọng, cần phải phát triển mạng lưới rộng hơn và chi tiết hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu sử dụng.
Mặt khác, hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh từ máy bay, vệ tinh; hệ thống công nghệ, thiết bị, phần mềm xử lý dữ liệu không gian địa lý... cũng chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, cập nhật dữ liệu không gian địa lý quốc gia, đặc biệt là đối với yêu cầu xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia và các sản phẩm đo đạc và bản đồ đòi hỏi kỹ thuật cao.
Hai là, nguồn nhân lực đo đạc và bản đồ chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển ngành.
Trong những năm gần đây, nhân lực đo đạc và bản đồ có xu hướng giảm sút về số lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, đặc biệt là chưa có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhân lực trình độ cao. Đồng thời, việc sắp xếp, bố trí cán bộ, đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ chưa thực sự được các cấp, các lĩnh vực quan tâm. Do đó, Ngành sẽ gặp thách thức lớn khi phải ứng dụng và phát triển công nghệ trong hoàn cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cần rất nhiều dữ liệu không gian địa lý để phát triển các ứng dụng.
Ba là, kinh phí đầu tư của Nhà nước cho hoạt động đo đạc và bản đồ còn hạn chế.
Trong những năm qua, việc đầu tư kinh phí của Nhà nước cho hoạt động đo đạc và bản đồ còn hạn chế và chưa kịp thời, đặc biệt là việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, phần mềm và thực hiện các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ trọng điểm, cần thiết. Do vậy, trong những năm tới, Nhà nước cần có cơ chế, tăng cường đầu tư cho ngành hơn nữa để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật đo đạc và bản đồ, đòi hỏi của xã hội, đáp ứng việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Bốn là, việc hội nhập thế giới về lĩnh vực đo đạc và bản đồ còn hạn chế.
Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức quốc tế về đo đạc và bản đồ của thế giới và khu vực. Tuy vậy, các hoạt động, đóng góp của Việt Nam vào các hoạt động của các tổ chức này còn hạn chế, chưa đóng góp được chuyên gia, các nhà khoa học cho các hoạt động quốc tế, chưa thể hiện được vai trò của Việt Nam trong một số lĩnh vực chuyên môn. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Năm là, nhận thức của xã hội về đo đạc và bản đồ chưa đầy đủ.
Công tác đào tạo kiến thức địa lý nói chung, đo đạc và bản đồ nói riêng ở các cấp đào tạo chưa được quan tâm, điều đó ảnh hưởng lớn tới nhận thức của các tầng lớp xã hội đối với lĩnh vực đo đạc và bản đồ, làm hạn chế việc sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ trong cuộc sống và công việc.