Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Hành trình 10 năm vươn ra biển lớn
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:16, 23/08/2018
Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách của những ngày đầu “gây dựng” và hình thành mạng lưới hoạt động, đến nay, sau 10 năm, vừa củng cố bộ máy vừa thực thi pháp luật quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển, đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Xây “hạ tầng” cho lối tư duy quản lý mới
Trước khi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được hình thành, quản lý Nhà nước về biển và hải đảo ở nước ta tiếp cận theo phương thức đơn ngành nên không tránh được tình trạng có lĩnh vực bị chồng chéo hoặc bỏ trống. Cách quản lý theo lối tư duy cũ đã lộc lộ quá nhiều hạn chế khi mỗi ngành quản lý biển lại làm theo cách riêng của mình khiến tài nguyên thiên nhiên từ biển ngày càng suy thoái, khó phục hồi. Trong bối cảnh ấy, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam ra đời với kỳ vọng tập hợp sức mạnh tổng hợp, điều phối những xung đột, chồng chéo giữa các ngành kinh tế đang cùng khai thác tài nguyên môi trường biển.
Đứng trước nhiệm vụ nặng nề này, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xác định một tương lai cho hoạt động quản lý hết sức khó khăn, phải giải quyết nhiều vấn đề lớn của đất nước liên quan đến kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trên biển. Qua 10 năm, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa hình thành và hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy, vừa thực thi nhiệm vụ quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển và hải đảo ở Việt Nam, các cơ quan quản lý, các tầng lớp nhân dân và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Hiện, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã đặt một “nền móng” ban đầu khá vững chắc với việc triển khai thành lập hệ thống Chi cục Quản lý biển và hải đảo tại 28 tỉnh, thành có biển. Đây là một đội ngũ quản lý cấp cơ sở, giúp việc đắc lực trong việc triển khai các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến ngành.
Đặc biệt, ngày 25/6/2015 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Luật đã tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để triển khai một cách có hiệu quả phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái. Đó là, việc hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của các hệ sinh thái biển, hải đảo và vùng bờ nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển.
Từ một đơn vị Tổng cục hoạt động quản lý dựa vào Nghị định 25/2009/NĐ-CP ngày 6/3/2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, đến nay, Tổng cục đã hình thành được hệ thống luật pháp để từ đó, nói theo cách của nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, đó sẽ là “cây gậy” là “xương sống”, để từ đó đứng dậy, vươn xa trong nhiệm vụ thực thi quản lý biển, bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển.
“Khơi mở” tiềm năng kinh tế biển
Đồng hành cùng sự phát triển của Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam là hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý TN&MT biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 47). Mười năm qua, dưới sự điều phối của Bộ TN&MT và sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành liên quan, Đề án đã thực hiện được trên 40 đề tài, dự án, làm sáng rõ hơn những giá trị kinh tế, chính trị và địa lý của vùng biển Việt Nam.
Đề án 47 được hình thành trước 2 năm khi có Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, từ đó đến nay, các kết quả từ những dự án thành phần của Đề án đã có những đóng góp không nhỏ vào hoạt động quản lý TN&MT biển; đặc biệt, các kết quả về địa chất, địa mạo là những cơ sở khoa học quan trọng xác định ranh giới ngoài thềm lục địa, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển.
Cũng chính từ những dự án thành phần, chúng ta đã xây dựng thành lập hải đồ tỷ lệ 1/200.000 trên phần lớn diện tích biển với diện tích khoảng 819,5 km2 chiếm 82% diện tích cần điều tra. Thành lập được một số hải đồ và bản đồ địa hình đáy biển ở khu vực 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và các khu vực cửa sông, cảng biển, một số đảo các tỷ lệ khác nhau từ 1/100.000 đến 1/10.000 và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chi tiết về độ sâu trên vùng biển Việt Nam.
Đây là hoạt động điều tra cơ bản nhằm bảo đảm hạ tầng thông tin địa lý cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên và môi trường biển, đặc biệt, phục vụ neo đậu tàu ven bờ đáp ứng nhiệm vụ phòng thủ của Hải quân và phục vụ nhiệm vụ quản lý biển của các Bộ, ngành, địa phương liên quan (khu vực thềm lục địa từ Ninh Thuận đến Kiên Giang).
Trong 10 năm qua, dưới sự chủ trì của Tổng cục, các dự án thành phần đã điều tra được khoảng 24,5% diện tích vùng biển Việt Nam ở các tỷ lệ khác nhau từ 1/500.000 - 1/50.000, độ sâu chủ yếu tập trung ở khu vực biển nông ven bờ từ 0 - 100m nước. Thông qua công tác điều tra này, đã làm rõ đặc điểm địa chất, cấu trúc, trầm tích đáy, đặc điểm địa động lực vùng biển Việt Nam độ sâu đến 100m nước; đã phát hiện nhiều khu vực có triển vọng khoáng sản, chủ yếu là sa khoáng titan, zircon có vàng, thiếc đi kèm và vật liệu xây dựng. Lần đầu tiên chúng ta đã điều tra, phát hiện và thu thập được một số mẫu khoáng vật vỏ sắt mangan giàu cobal và nickel và các kết hạch sắt mangan ở vùng biển có độ sâu từ 600 - 1.000m nước.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Đề án này, các nhà khoa học Việt Nam phối hợp quốc tế đã phát hiện và đánh giá tiềm năng khí hydrate trên vùng biển ngoài khơi của Việt Nam - một dạng tài nguyên mới được đánh giá là một loại tài nguyên có tiềm năng và giá trị cao ở vùng Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiến hành điều tra cơ bản để xác định những tiền đề, dấu hiệu và từng bước đánh giá tiềm năng của loại hình tài nguyên này trên vùng biển Việt Nam.
Sau 10 năm triển khai Đề án 47, chúng ta đã bước đầu xây dựng được cơ sở lý luận về tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và kỳ quan địa chất biển Việt Nam. Lần đầu tiên, xây dựng được phương pháp luận đánh giá tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và kỳ quan địa chất vùng biển, ven bờ và các đảo Việt Nam với các tiêu chí phân loại, tiến hành phân loại, xác định các kiểu loại giá trị tài nguyên. Kết quả điều tra và đánh giá của dự án góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Góp mặt hầu hết trên các hoạt động giám sát, quản lý biển
Để giám sát, quản lý TN&MT biển không thể chỉ thực hiện các nhiệm vụ xây dựng thể chế, hoạt động trên bờ mà cần phải ra biển, nắm bắt các hoạt động trên biển. Tuy vậy, với một đơn vị với tuổi đời còn non trẻ và cơ sở vật chất còn rất khó khăn, việc có mặt thường xuyên tại các “tuyến đầu” trên biển để quản lý, giám sát hoạt động khai tác TN&MT biển là điều hết sức khó khăn.
Để có thể thực hiện nhiệm vụ này, ngoài việc thiết lập hệ thống các Chi cục biển và hải đảo tại 28 tỉnh, thành có biển để tạo lực lượng, đội ngũ chuyên quản lý tổng hợp thống nhất biển, đảo từ địa phương, Tổng cục Biển và Hải đảo đã thực hiện hợp tác với rất nhiều các lực lượng khác nhau đang thực hiện các nhiệm vụ giám sát trên biển, để cùng nhau thực thi pháp luật biển, hải đảo như phối hợp hải quân để xây dựng các bản đồ, hải đồ, cung cấp tư liệu giám sát biên giới trên biển; Tham gia lực lượng giám sát các sự cố tràn dầu trên biển và phối hợp lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam và các đơn vị liên quan hàng năm đi khảo sát, nắm bắt tình hình các hoạt động trên biển và ven bờ.
Thông qua việc khảo sát thực tế, Đoàn công tác đã nắm bắt được việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường trên biển và ven bờ khu vực biển do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển quản lý; công tác tìm kiếm cứu nạn; đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; an ninh an toàn hàng hải trên biển. Các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các văn bản, quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Qua công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát với lực lượng Cảnh sát Biển, đã góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước và việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên biển, ven biển và hải đảo, đồng thời, cán bộ, công chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về tuần tra, kiểm soát cũng như tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Năm 2009: Bộ trưởng Bộ TN&MT công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; Bộ trưởng Bộ TN&MT tặng Cờ Thi đua xuất sắc. Năm 2010: Bộ trưởng Bộ TN&MT công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; Bộ trưởng Bộ TN&MT tặng Cờ Thi đua xuất sắc. Năm 2011: Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc. Năm 2012: Bộ trưởng Bộ TN&MT công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; Bộ trưởng Bộ TN&MT tặng Cờ Thi đua xuất sắc. Năm 2013: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Bộ trưởng Bộ TN&MT công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Năm 2014: Bộ trưởng Bộ TN&MT công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; Bộ trưởng Bộ TN&MT tặng Cờ Thi đua xuất sắc. Năm 2015: Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc; Bộ trưởng Bộ TN&MT công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; Bộ TN&MT tặng Cờ Thi đua xuất sắc Năm 2016: Bộ trưởng Bộ TN&MT công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Năm 2017: Bộ trưởng Bộ TN&MT công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. |