Việt Nam - Nhật Bản: Phối hợp triển khai nhiều dự án giảm phát thải

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 22:28, 15/08/2018

(TN&MT) - Ngày 15/8, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã tổ chức Cuộc họp lần thứ 7 Uỷ ban Hỗn hợp triển khai cơ chế tín chỉ chung JCM. Đây là cuộc họp thường niên nhằm đánh giá tình hình triển khai cơ chế JCM, tháo gỡ khó khăn và thảo luận thông qua các phương pháp luận, hỗ trợ đăng ký và cấp tín chỉ cho các dự án JCM. 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp; tham dự có ngài Phó Đại sứ Nhật Bản Nagai Katsuro - Đồng chủ tịch Uỷ ban hỗn hợp cơ chế tín chỉ chung JCM; ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cùng đại diện các đơn vị của Nhật Bản và Bộ, ngành Việt Nam tham gia Ủy ban.

Thứ trưởng
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục BĐKH Tăng Thế Cường cho biết: Thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày 2/7/2013 về tăng trưởng các-bon thấp và xây dựng Cơ chế tín chỉ chung (JCM), hai bên đã thành lập Ủy ban hỗn hợp để chỉ đạo việc thực hiện cơ chế JCM tại Việt Nam. Tính đến nay, Uỷ ban hỗn hợp đã thông qua 9 phương pháp luận, triển khai 5 dự án và cấp tín chỉ cho 2 dự án JCM tại Việt Nam.

Tại cuộc họp lần này, các thành viên UBHH tiếp tục cập nhật tình hình triển khai cơ chế JCM tại Việt Nam và trên thế giới, thông qua thêm 6 phương pháp luận, đồng thời, thảo luận về việc cấp tín chỉ cho 2 dự án JCM là “Thúc đẩy bệnh viện xanh thông qua tăng cường hiệu quả năng lượng/môi trường tại các bệnh viện quốc gia tại Việt Nam” (VN002) và “Dự án khách sạn carbon thấp ở Việt Nam: Nâng cao hiệu suất năng lượng của các tòa nhà thương mại bằng cách sử dụng các thiết bị hiệu suất cao” (VN003). Vấn đề được các ủy viên quan tâm là cơ sở để phân bổ lượng tín chỉ đạt được của mỗi dự án, bởi hiện nay chưa có một bộ tiêu chí nào để áp dụng chung.

đại sứ
Ngài Phó Đại sứ Nhật Bản Nagai Katsuro phát biểu tại cuộc họp

Ủy ban cũng thông qua đề xuất đăng ký dự án JCM của 4 dự án, bao gồm: Tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu suất làm việc bằng cách giới thiệu hệ thống đèn LED mới với công nghệ chip trên bo mạch chủ ở Việt Nam (VN006); Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời ở các Trung Tâm Thương Mại tại TP. Hồ Chí Minh (VN007); Đề xuất lắp đặt máy biến áp vô định hình hiệu suất cao trên mạng lưới phân phối điện tại khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam (VN008); Đề xuất lắp đặt máy điều hòa tiết kiệm năng lượng tại Công ty TNHH Sản Phẩm RICOH Imaging Việt Nam (VN009).

Về việc thúc đẩy các dự án JCM tại Việt Nam trong thời gian tới, phía Nhật bản đề xuất triển khai REED+ (Giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng Cacbon rừng) theo cơ chế JCM. Trước mắt là thành lập tổ công tác kỹ thuật để xây dựng hướng dẫn và quy tắc triển khai, dự kiến trình Ủy ban thông qua trong cuộc họp năm sau. Đại diện Bộ Môi trường Nhật Bản cũng thông tin về dự án thu hồi khí gây suy giảm tầng ô dôn sẽ được triển khai trong năm nay, đồng thời đề xuất phía Việt Nam cần xây dựng cơ chế trợ cấp vốn phù hợp cho các dự án tron giai đoạn 2018 - 2020 .

img 2534
Toàn cảnh cuộc họp

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ phía Việt Nam tăng cường năng lực và thúc đẩy triển khai nhiều dự án JCM tại Việt Nam, trước mắt đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện các dự án JCM. Các Bộ, ngành phía Việt Nam cần quan tam hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp thực hiện cơ chế JCM tại Việt Nam.

Theo ngài Phó Đại sứ Nhật Bản Nagai Katsuro, phía Nhật Bản mong muốn tiếp tục nhân rộng hiệu quả từ các dự án, qua đó, thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải và làm cơ sở đề xuất thêm các chính sách liên quan. Việc tăng cường thành lập các dự án JCM trong thời gian tới cũng thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính và các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên. 

Cơ chế tín chỉ chung JCM do Nhật bản đề xuất là một cơ chế hợp tác tự nguyện, thông qua các hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ ở các lĩnh vực khác nhau để giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia đang phát triển. Việt Nam là một trong những quốc gia sớm hợp tác với Nhật Bản triển khai cơ chế tín chỉ chung JCM và bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực.  

Cơ chế JCM được đánh giá là một trong các cơ chế cụ thể hoá định hướng của Thoả Thuận Paris, có nhiều tiềm năng thành cơ chế toàn cầu với mạng lưới các quốc gia tham gia ngày càng tăng.