Bình Dương: Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:39, 02/08/2018
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Để chủ động phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Bình Dương đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh Bình Dương; Kế hoạch triển khai thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh; Phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh. Căn cứ Kế hoạch và Phương án, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH.
Cụ thể, thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản BĐKH và nước biển dâng cụ thể cho từng giai đoạn; xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt đến từng xã, phường, thị trấn; rà soát, bổ sung điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế - xã hội vùng và địa phương phù hợp với kịch bản BĐKH và nước biển dâng; phê duyệt và công bố Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Cùng với đó, Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường đến năm 2020 nhằm thiết lập mạng lưới quan trắc phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, đã xây dựng và đưa vào vận hành 2 trạm thủy văn hạng 3 trên sông Đồng Nai và sông Thị Tính, đưa vào hoạt động các trạm quan trắc nước mặt, nước dưới đất…, từ đó góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH.
Ngoài ra, tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức về BĐKH, các giải pháp ứng phó với BĐKH cho cán bộ các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức và năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế, phát huy trách nhiệm và huy động các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH; xây dựng phương án và tổ chức diễn tập phòng, chống, ứng phó thảm họa môi trường... trên địa bàn tỉnh.
Phòng ngừa và kiểm soát chặt ô nhiễm
Công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường luôn được Bình Dương chú trọng và đẩy mạnh thông qua công việc cụ thể như: Kịp thời xây dựng các chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch một cách rõ ràng, thiết thực để phân giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương tập trung tổ chức triển khai thực hiện thật tốt các chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, pháp luật do Trung ương ban hành; chủ động ban hành và vận dụng ban hành đầy đủ, có hệ thống các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh đó, để tăng cường công tác kiểm soát các nguồn thải công nghiệp một cách có hệ thống và ngăn chặn kịp thời các hành vi không xử lý nước thải hoặc xả lén nước thải ra môi trường, Bình Dương cũng đã triển khai lắp đặt quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các nguồn thải có lưu lượng từ 1.000 m3/ngày trở lên từ năm 2011. Hiện đang tiếp tục triển khai lắp đặt cho các nguồn thải lớn có lưu lượng nước thải từ 500m3/ngày trở lên.
Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã được Bình Dương thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả cao. Từ năm 2013 đến nay, các cấp, các ngành của tỉnh đã tiến hành thanh - kiểm tra về bảo vệ môi trường 7.285 đơn vị, xử phạt vi phạm 1.983 đơn vị với số tiền trên 92 tỉ đồng. Do tăng cường công tác thanh - kiểm tra, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp cũng được nâng cao, góp phần từng bước đưa công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đi vào nề nếp, đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bình Dương còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào quản lý môi trường; nâng cao năng lực quan trắc và thông tin môi trường; kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải để có biện pháp kiểm soát, xử lý, khắc phục ô nhiễm kịp thời. Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã xây dựng và đưa vào sử dụng Cổng thông tin trực tuyến quản lý môi trường Bình Dương (http://stnmt.binhduong.gov.vn:9002). Đến nay, cả tỉnh đã cập nhật xong cơ sở dữ liệu của 8.132 doanh nghiệp, chiếm 80% số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, trong những năm qua, Bình Dương đã tích cực và tập trung đẩy mạnh công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện huyện làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch. Bình Dương đã xây dựng và được phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015; thực hiện điều chỉnh và được phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối giai đoạn 2016 - 2020.
Căn cứ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, Bình Dương đã xây dựng kế hoạch tạo quỹ đất sạch giai đoạn 2013 - 2015 phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng kế hoạch sử dụng đất và danh mục các dự án, công trình phải thu hồi đất hàng năm; công khai, minh bạch, dân chủ trong xác định giá đất, danh mục các công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; thực hiện quyết liệt và có hiệu quả trong đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỉ lệ cấp giấy chứng nhận đến nay đã đạt 99,8%; thường xuyên thực hiện chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; hoàn chỉnh hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 và đang tiếp tục hoàn chỉnh giai đoạn 2016 - 2020; chủ động và tích cực tham mưu giải quyết được một số các tồn tại, hạn chế do lịch sử để lại nhiều năm trong việc quản lý, sử dụng đất, nông lâm trường, phân lô bán nền trái phép, chuyển nhượng các dự án khu dân cư và đô thị sai quy định.
Bên cạnh việc thực hiện quản lý đất đai theo quy hoạch và kế hoạch thì công tác quản lý, khai thác nguồn thu từ đất, phát triển kinh tế đất, định giá, lập tài khoản và thực hiện hạch toán tài nguyên đất trong nền kinh tế trong thời gian qua tiếp tục được tăng cường, góp quần quan trọng cho việc tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Qua thực tế triển khai, về cơ bản các chính sách tài chính đất đai đã phù hợp với cơ chế thị trường, tạo nguồn lực tài chính quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thống nhất chính sách tài chính đất đai với chính sách đầu tư trong và ngoài nước.
Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý
Để quá trình triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW được thuận tiện hơn; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH tại địa phương; Bình Dương kiến nghị Trung ương sớm xây dựng hoàn thiện, đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật; đặc biệt, ban hành các chính sách cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, ứng phó với BĐKH phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.
Song song đó, điều chỉnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, giấy xác nhận các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường; ban hành các cơ chế, chính sách mở, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiếp cận với các công nghệ mới và các nguồn vốn vay ưu đãi trong ứng phó với BĐKH, khai thác và sử dụng tài nguyên, xử lý ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, thường xuyên tổ chức tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn cụ thể thi hành các quy định pháp luật chuyên ngành cho cán bộ cấp tỉnh; xem xét xây dựng định mức biên chế khích, số lượng nhân sự, kinh phí hoạt động cho ngành Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là BĐKH phù hợp với diễn biến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cam kết với quốc tế và yêu cầu thực tiễn trong quản lý, trình Chính phủ phê duyệt để địa phương có cơ sở bố trí biên chế nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ.
Mặt khác, phân bổ kịp thời nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH về cho tỉnh để các dự án thực hiện từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đúng tiến độ; bố trí nguồn vốn hỗ trợ tỉnh đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đê bao ven sông Sài Gòn, gồm: Sửa chữa nâng cấp tuyến đê bao An Tây - Phú An và Tân An - Chánh Mỹ; xây dựng mới đê bao Phú Thuận theo Công văn số 2789/BNN-KH ngày 07/04/2015 của Bộ NN&PTNT; xây dựng 05 cống ngăn triều tại các cửa rạch thuộc hệ thống thủy lợi An Sơn - Lái Thiêu…
Tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cho biết: Hàng năm, căn cứ vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch; Bình Dương đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA và vốn của doanh nghiệp để thực hiện các chương trình, đề án để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, cấp thoát nước và bảo vệ môi trường.
Theo đó, tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, cấp thoát nước, xử lý chất thải, thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ năm 2013 đến nay là 11.946 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 2.856 tỉ đồng, nguồn vốn sự nghiệp môi trường là 1.717 tỉ đồng và vốn ODA là 7.343 tỉ đồng.
Không chỉ gia tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, việc xã hội hóa công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đã được Bình Dương đẩy mạnh thực hiện. Các doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng để thực hiện các công xử lý nước thải và khí thải, thu gom và xử lý chất thải rắn, góp phần quan trọng trong việc hạn chế gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh.