Đẩy mạnh ứng dụng viễn thám tại địa phương

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:59, 27/06/2018

(TN&MT) - Thực hiện Công văn số 7047/BTNMT-TTr ngày 28/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về việc chấp thuận kế hoạch kiểm tra năm 2018 của các đơn vị trực thuộc Bộ, Cục Viễn thám quốc gia đã thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành công tác kiểm tra năm 2018 tại: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La (từ ngày 28/3/2018 - 01/4/2018), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên (từ ngày 05/6/2018- 08/6/2018), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa (từ ngày 10/6/2018 - 14/6/2018), Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình (từ ngày 17/6/2018 – 21/6/2018).  
Đoàn kiểm tra tại Quảng Bình
Đoàn kiểm tra tại Quảng Bình

 

Tại các Sở trên, đoàn kiểm tra của Cục Viễn thám quốc gia đã tiến hành kiểm tra về việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám; tổ chức, bộ máy, biên chế thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thám; nhu cầu ứng dụng viễn thám tại địa phương; ứng dụng viễn thám tại địa phương; có ý kiến đối với các chương trình, đề án, dự án liên quan đến việc mua dữ liệu viễn thám do nước ngoài thu nhận sử dụng ngân sách Nhà nước của các Sở, ban, ngành và địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám tại địa phương; quản lý, lưu trữ, bổ sung, cập nhật, công bố dữ liệu viễn thám; kinh phí đầu tư, cơ sở vật chất bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ về viễn thám. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy tất cả bốn Sở đều đang trong quá trình triển khai các nội dung trên và quá trình triển khai còn gặp nhiều hạn chế.
 

Đoàn kiểm tra tại Thái Nguyên
Đoàn kiểm tra tại Thái Nguyên

 

Căn cứ các hạn chế trên, Cục Viễn thám quốc gia đã đưa ra một số kiến nghị đối với Sở Tài nguyên và Môi trường nhằm giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện quản lý nhà nước về viễn thám tại các địa phương. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các văn bản quy phạmpháp luật về viễn thám. Nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý nhà nước tại địa phương kết hợp việc nghiên cứu những cơ chế, chính sách pháp luật, từ đó tham mưu và xây dựng, ban hành văn bản của địa phương để triển khai thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về viễn thám.

Theo Cục Viễn thám quốc gia, bốn Sở Tài nguyên và Môi trường trên cũng cần mở rộng các hình thức tuyên truyền, phổ biến về viễn thám đến nhiều tầng lớp để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển viễn thám tại địa phương. Đồng thời, có ý kiến đề đạt với Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí biên chế có chuyên môn nghiệp vụ về viễn thám làm việc tại phòng Đo đạc, Bản đồ và Viễn thám; tổ chức cho các cán bộ có nhu cầu tìm hiểu về viễn thám tham dự các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về viễn thám.

Cục Viễn thám quốc gia đề xuất tổ chức một đơn vị ứng dụng công nghệ viễn thám trực thuộc Sở hoặc nằm trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở nhằm đẩy mạnh ứng dụng viễn thám tại địa phương.

“Xây dựng và đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến về công nghệ và ứng dụng viễn thám, xây dựng các biện pháp quản lý, kiểm tra việc thực hiện nhu cầu về viễn thám. Địa phương hàng năm xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ giám sát tài nguyên và môi trường” - Cục Viễn thám quốc gia đề nghị.

kiem tra
Đoàn kiểm tra tại Sở TN&MT Sơn La

Cục Viễn thám quốc gia kiến nghị xây dựng, đẩy mạnh ứng dụng viễn thám trong các đề tài, dự án quản lý tài nguyên - môi trường, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh – quốc phòng của Sở; nghiên cứu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền việc ứng dụng viễn thám trong quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, thiên tai và các lĩnh vực khác phục vụ công tác quản lý nhà nước; yêu cầu Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các văn bản quản lý, trong đó đề cập đến trách nhiệm tham mưu của Sở đối với các dự án, đề tài, nhiệm vụ của các cơ quan.

“Xây dựng cơ chế yêu cầu các Sở, ban, ngành khác trên toàn tỉnh báo cáo tình hình ứng dụng viễn thám trong hoạt động của mình; xây dựng cơ chế quản lý, tư vấn đối với các chương trình, đề án, dự án liên quan đến việc mua dữ liệu viễn thám do nước ngoài thu nhận sử dụng Ngân sách nhà nước của các Sở, ban, ngành địa phương và thực hiện chức năng thẩm định các đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn có liên quan đến viễn thám trên phạm vi toàn tỉnh” - Cục Viễn thám quốc gia đưa ra đề xuất.

Một số đề xuất khác cũng được Cục Viễn thám quốc gia nhắc đến là: Rà soát, xây dựng ban hành, sửa đổi bổ sung văn bản thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám, xây dựng các quy chế về giao nộp dữ liệu, quy trình thẩm định giao nộp dữ liệu viễn thám tại địa phương; tổ chức xây dựng, cập nhật, vận hành thành cơ sở dữ liệu viễn thám tại địa phương; Chủ động hơn trong công tác quản lý, lưu trữ, bổ sung, cập nhật dữ liệu viễn thám; xây dựng cơ chế quản lý, lưu trữ, bổ sung, cập nhật, công bố dữ liệu viễn thám tại địa phương; Sở TN&MT nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính… đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ về viễn thám, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám vào các hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.