Luật Đo đạc và Bản đồ - Cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:57, 29/05/2018
(TN&MT) - Ngày 1/6/2018, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật đo đạc và Bản đồ. Trước phiên thảo luận, Phóng viên Báo Tài...
(TN&MT) - Ngày 1/6/2018, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật đo đạc và Bản đồ. Trước phiên thảo luận, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Vinh Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ môi trường của Quốc hội xung quanh nội dung của dự án Luật.
PV: Thưa ông, Luật Đo đạc và Bản đồ hiện đã được trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đa số ý kiến Đại biểu Quốc hội đều nhất trí tán thành nội dung của dự án Luật. Xin ông cho biết sự cần thiết sớm phải ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ?
Ông Nguyễn Vinh Hà: Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam có truyền thống, lịch sử xây dựng và phát triển từ lâu đời. Ngày 14/12/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 444-TTg thành lập Cục Đo đạc và Bản đồ trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh trực tiếp hoạt động đo đạc và bản đồ là Nghị định số 45/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành năm 2015 thay thế Nghị định số 12/2002/NĐ-CP được Chính phủ ban hành năm 2002.
Tuy vậy, hiệu lực pháp lý các Nghị định số 12/2002/NĐ-CP, Nghị định số 45/2045/NĐ-CP chưa cao, chưa thể giải quyết được hết các tồn tại trong thực tiễn quản lý, một số hoạt động đo đạc và bản đồ được điều chỉnh theo các quy định trong các luật chuyên ngành, như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Biển, Luật Biên giới quốc gia… dẫn đến nhiều khó khăn trong việc thực thi pháp luật và không thống nhất được công tác quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ.
Do đó, việc ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ là hết sức cần thiết, đảm bảo sự quản lý thống nhất về đo đạc và bản đồ, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của Ngành trong điều kiện hiện nay và những năm tiếp theo, đặc biệt là sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ?
Ông Nguyễn Vinh Hà: Mục tiêu cơ bản của việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ là đảm bảo chất lượng, sự thống nhất và đồng bộ của các sản phẩm đo đạc và bản đồ nhằm đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu sử dụng; tránh việc đo đạc chồng chéo gây ra những tốn kém, lãng phí, nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí.
Như đã nói ở trên, trong những năm qua, cơ sở pháp lý của công tác quản lý nhà nước các hoạt động đo đạc và bản đồ chủ yếu là dựa vào quy định tại các Nghị định của Chính phủ. Do hiệu lực pháp lý và phạm vi điều chỉnh các hoạt động đo đạc và bản đồ của Nghị định còn hạn chế, chưa có sự thống nhất cao trong các hoạt động đo đạc và bản đồ do các Bộ, ngành, địa phương, nên đã xảy ra các hiện tượng đo đạc chồng chéo gây lãng phí và không thống nhất của các sản phẩm, dữ liệu được tạo ra.
Mặt khác, còn tình trạng cát cứ dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương, do đó hiệu quả sử dụng sản phẩm, dữ liệu đo đạc và bản đồ còn chưa cao. Hiện nay, lĩnh vực đo đạc và bản đồ trên thế giới đã có sự phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực và góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của các nước. Đặc biệt là việc xây dựng Chính phủ điện tử của các quốc gia.
Các nước như: Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và khối EU đang sử dụng bản đồ như một công cụ tiên tiến cho việc đưa ra quyết định. Nền kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm then chốt, khi các nền kinh tế nhận ra tầm quan trọng của việc thúc đẩy các công nghệ không gian địa lý để kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhu cầu đánh giá sự sẵn sàng của dữ liệu không gian địa lý trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Một chỉ số tổng hợp về mức độ sẵn sàng cung cấp dữ liệu địa lý cho chính phủ để tối ưu hóa các lợi ích thu được từ phân tích không gian và công nghệ thông tin không gian địa lý, từ đó, tạo ra giá trị kinh tế xã hội để quản lý tốt hơn đã được nhiều quốc gia đưa ra.
Theo đánh giá của các chuyên gia trên thế giới, dữ liệu không gian địa lý được sử dụng trong khoảng 70% của dữ liệu quốc gia. Trên thực tế, tất cả các quốc gia hàng đầu về mức độ sẵn sàng không gian địa lý đều có một khung chính sách không gian địa lý quốc gia hỗ trợ thực hiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, các chính sách về đo đạc và bản đồ, các chính sách dữ liệu mở về dữ liệu không gian địa lý.
Tôi cho rằng, các quy định của Luật về sự tham gia của xã hội vào việc xây dựng và cung cấp dữ liệu đo đạc và bản đồ hết sức quan trọng nhằm tạo sự chủ động phát huy mọi nguồn lực của xã hội trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay như đã phân tích ở trên. Đối với Việt Nam, sản phẩm đo đạc và bản đồ còn có ý nghĩa quan trọng trong quốc phòng, an ninh và đấu tranh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
PV: Qua tổng hợp ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều mong muốn sớm ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ. Cho đến thời điểm này, các ý kiến Đại biểu đã thống nhất và còn băn khoăn ở những nội dung nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Vinh Hà: Qua tổng hợp các ý kiến góp ý của Đại biểu Quốc hội tại các Tổ thảo luận và tại Hội trường trong Kỳ họp thứ 4 cũng như ý kiến của các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy: Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự đồng thuận đối với việc cần thiết phải sớm ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ. Đồng thời, các ý kiến cũng nhất trí cao với các nội dung của dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 5.
Tuy vậy, cũng có ý kiến Đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về một số vấn đề như: Quy định về miễn, giảm phí đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc sở hữu Nhà nước trong các trường hợp phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai. Việc quy định như Dự thảo là không cần thiết vì đã có Luật Phí và Lệ phí điều chỉnh. Việc cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ cần đảm bảo sự bình đẳng của các đối tượng được cung cấp, tránh việc lợi dụng để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Ý kiến khác đề nghị không nên quy định quá cụ thể điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho tổ chức, về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ cho cá nhân, đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này nhằm bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn về trình độ phát triển KH&CN trong hoạt động đo đạc và bản đồ trong từng giai đoạn khác nhau, phù hợp với việc cải cách hành chính mà Chính phủ đang thực hiện.
Ngoài ra, cũng có ý kiến còn băn khoăn về năng lực của các địa phương khi quy định phân cấp cho địa phương thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, về quản lý và tổ chức triển khai đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm…
PV: Được biết, dự án Luật Đo đạc và Bản đồ được xây dựng và chuẩn bị hết sức công phu với 9 Chương và 61 Điều. Ông đánh giá như thế nào về dự án Luật này?
Ông Nguyễn Vinh Hà: Tôi cho rằng, mặc dù là một Luật chuyên ngành có nhiều nội dung kỹ thuật phức tạp, nhưng các khái niệm đã được thể hiện đơn giản, dễ hiểu, kết cấu bố cục đầy đủ, chặt chẽ, các quy định của dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ đã đáp ứng được mục tiêu là tạo ra bước thay đổi mang tính đột phá toàn diện cho công tác quản lý thống nhất về đo đạc và bản đồ, đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu sử dụng; tránh việc đo đạc chồng chéo gây ra những tốn kém, lãng phí.
Luật cũng làm cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp lý đồng bộ, thống nhất, thúc đẩy sự phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí.
Đây cũng là lần đầu tiên một dự luật đã đưa vào nội dung rất mới là quy định các vấn đề liên quan đến hạ tầng không gian địa lý quốc gia (NSDI), một trong những ứng dụng quan trọng của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là vấn đề rất phức tạp, là thành phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử mà Chính phủ Việt Nam đang quan tâm, triển khai thực hiện.
Tôi tin rằng, khi Luật Đo đạc và Bản đồ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần này, lĩnh vực đo đạc và bản đồ sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!