Chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả trong xây dựng CSDL quốc gia về đất đai
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:18, 29/05/2018
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, thực hiện Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai”, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục Quản lý đất đai là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án. Đến nay, Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với một số kết quả như: Hoàn thành Thiết kế hệ thống thông tin đất đai thống nhất từ Trung ương đến địa phương phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ TN&MT, kiến trúc Chính phủ điện tử của các địa phương.
Bên cạnh đó, đã xây dựng, triển khai 9 phân hệ phần mềm phục vụ việc quản lý, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu. Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng đất trồng lúa chi tiết đến cấp xã của 61 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (trừ Vĩnh Long và Bến Tre đã thực hiện trong Dự án VLAP).
Đồng thời, đồng bộ CSDL đất đai của 9 tỉnh, thành phố thuộc dự án VLAP vào CSDL quốc gia về đất đai; đồng bộ CSDL đất đai của các huyện điểm thuộc Dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; chuẩn hóa và thử nghiệm đồng bộ CSDL đất đai của 2 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Long Khánh - tỉnh Đồng Nai và Quận 6 - TP Hồ Chí Minh; thử nghiệm xây dựng, chuyển giao và vận hành CSDL địa chính của 3 huyện điểm: huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương; huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Ngoài ra, hoàn thành xây dựng các quy chế quản lý, cập nhật, khai thác, bảo trì, bảo mật CSDL quốc gia về đất đai. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho cán bộ ở Trung ương và Địa phương về: phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất trồng lúa; tích hợp dữ liệu, an ninh bảo mật, an toàn dữ liệu, hệ thống phần mềm gốc, hệ thống thông tin địa lý (GIS) và vận hành bảo trì hệ thống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại, khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả thực hiện dự án như: Chưa tính toán kỹ lưỡng các phương án triển khai, chưa xác định được chính xác khối lượng dữ liệu đầu vào để thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng đất trồng lúa chi tiết đến cấp xã; chưa cập nhật kịp thời và khảo sát đúng khối lượng thửa đất và hồ sơ có liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tại một số địa bàn…
Hội nghị đã được nghe, ông Cao Tiến Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai đã báo cáo các kết quả dự án; ông Khuất Hoàng Kiên, Phó cục trưởng cục Công nghệ thông tin và dữ liệu TN&MT giới thiệu và trình diễn các sản phẩm về kiến trúc tổng thể hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về đất đai; ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai giới thiệu về hệ thống cơ sơ dữ liệu quốc gia về đất đai.
Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung đánh giá những đánh giá kết quả, hiệu quả đã đạt được so với yêu cầu, mục tiêu đặt ra của Dự án; trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, đưa ra các định hướng, giải pháp để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Dự án.
Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (giai đoạn 1) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai theo Quyết định 1975 ngày 30/10/2013 với định hướng xây dựng một hệ thống thông tin đất đai thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Phạm vi của dự án là: Thiết kế hệ thống thông tin đất đai tư trung ương tới địa phương; xây dựng triển khai hệ thống phần mềm ứng dụng; xây dựng CSDL hiện trạng đất lúa; xây dựng CSDL thành phần.
Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng CSDL quốc gia về đất đai đa mục tiêu thống nhất từ Trung ương đến địa phương; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương về đất đai; đẩy mạnh CCHC, hỗ trợ ra quyết định của các cấp quản lý, xây dựng Chính phủ điện tử, củng cố hoàn thiện tổ chức và cơ chế chính sách trong lĩnh vực quản lý đất đai; đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin đất đai của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.