17 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 19:24, 21/05/2018
Tham dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện Bộ TN&MT cùng lãnh đạo UBND và lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan 9 tỉnh miền núi phía Bắc: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bài, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Bắc Cạn. Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, chủ trì hội nghị
Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ các vùng miền núi Việt Nam”, được Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 351 QĐ –TTg, ngày 27/3/2012 và giao cho Bộ TN&MT chủ trì thực hiện.
Theo đó, từ năm 2012 đến 2017, nhiều hạng mục, nhiệm vụ chính đã được Bộ TN&MT tiến hành thống nhất theo quy trình tổng thể của Đề án. Trong đó, đáng chú ý là công tác điều tra hiện trạng TLĐĐ tỉ lệ 1:50.000 đã được triển khai trên phạm vi 17 tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam, (bao gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình)
Năm 2018, công tác này tiếp tục được triển khai tại tỉnh Quảng Trị); thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ tỉ lệ 1: 50.000 cho khu vực miền núi thuộc 10 tỉnh (Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Cạn).
Từ các kết quả điều tra hiện trạng TLĐĐ và phân vùng cảnh báo nguy cơ được thực hiện từ 2012 đến 2017, các chuyên gia đã xác định được trên 500 xã tại 17 tỉnh miền núi phía Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn, Hà Tĩnh và Quảng Bình) có nguy cơ trượt lở đất đá từ cao đến rất cao trong mùa mưa.
Ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, nhấn mạnh: Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ các vùng miền núi Việt Nam” là công trình nghiên cứu “quý như vàng” đối với các địa phương thường xuyên sảy ra hiện tượng sạt lở đất đá như tỉnh Lào Cai. Đề án đã giúp cho địa phương xác định rõ các vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất đá, từ đó, chủ động xây dựng phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra. Ông Nguyễn Hữu Thể đã đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể cho thấy, tại địa bàn tỉnh Lào Cai trong những năm gần đây thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá và để lại hậu quả nặng nề về người và của.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh: Kết quả nghiên cứu của Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ các vùng miền núi Việt Nam” là những dự liệu quan trọng phục vụ công tác phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra trong mùa mưa bão tại các vùng miền núi Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị, các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT được giao nhiệm vụ tích cực phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo, nguy cơ TLĐĐ các tỉnh miền núi. Trong đó, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao, có dân cư sinh sống và đang là khu trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao khả năng dự báo, cánh báo thiên tai từ sớm; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tai biến địa chất, TLĐĐ, tăng cường khả năng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do TLĐĐ gây ra. Thứ trưởng mong muốn, lãnh đạo, cán bộ cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chưc, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương quan tâm tiếp thu kết quả điều tra TLĐĐ có trong Để án, để từ đó, có xây dựng các giải pháp hợp lý cho việc phòng chống, giảm thiểu thiệt hại về người và của do TLĐĐ gây ra.
Tại Hội nghị, Bộ TN&MT đã bàn giao bộ bản đồ hiện trạng TLĐĐ tỉ lệ 1: 50.000 cho các tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình; bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ tỉ lệ 1:50.000 cho các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Cạn; sơ đồ hiện trạng và sơ đồ khoanh vùng nguy cơ TLĐĐ khu vực 20 xã trọng điểm thuộc 4 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai và Yên Bái. Các bản đồ được bàn giao đã xác định và khoanh định được các điểm, vùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ TLĐĐ có thể ánh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình xây dựng cơ bản (điện, đường, trường trạm) phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.