Bộ TN&MT: Nỗ lực cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:34, 11/05/2018
(TN&MT) - Liên quan tới việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT đã và đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi một số...
(TN&MT) - Liên quan tới việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT đã và đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ. Để làm rõ tiến độ và hiệu quả của nhiệm vụ này, Phóng viên Báo TN&MT đã có buổi trao đổi với ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), Phó Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định về việc này.
PV: Xin ông cho biết, Bộ TN&MT đã triển khai Dự thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ ra sao? Và đến thời điểm nào sẽ trình Chính phủ ban hành theo kế hoạch?
Ông Phan Tuấn Hùng: Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh (tối thiểu đạt 50%), Bộ TN&MT đã triển khai rà soát và đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ từ năm 2017. Kết quả rà soát cho thấy 18 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 163 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc 06 lĩnh vực: đất đai (23 điều kiện), môi trường (63 điều kiện), khoáng sản (26 điều kiện), tài nguyên nước (39 điều kiện), khí tượng thủy văn (08 điều kiện) và đo đạc bản đồ (04 điều kiện).
Trên cơ sở kết quả rà soát và đánh giá kỹ lưỡng, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 104/163 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm 63,8%), trong đó bãi bỏ 80 điều kiện và sửa đổi 24 điều kiện. Các điều kiện được bãi bỏ, sửa đổi phần lớn thuộc lĩnh vực môi trường và tài nguyên nước. Đặc biệt, song song với đề xuất bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh thì Bộ cũng đề xuất bãi bỏ 10 thủ tục hành chính gắn liền với các điều kiện đầu tư kinh doanh được đề xuất.
Để thực thi phương án bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện đầu tư kinh doanh như trên đã đề xuất, Bộ đã kiến nghị Chính phủ và tổ chức xây dựng Nghị định sửa đổi, bãi bỏ một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường (dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 11 Nghị định có liên quan).
Hiện nay, Dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan thông qua các hình thức như lấy ý kiến bằng văn bản, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và tổ chức hội thảo lấy ý kiến… Dự kiến, đầu tháng 6 năm 2018 Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định này.
PV: Việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ TN&MT đã dựa trên nguyên tắc nào và tác động của việc cắt giảm các quy định này ra sao, thưa ông?
Ông Phan Tuấn Hùng: Để thực hiện phương án cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, chúng tôi đã phân tích, đánh giá và đưa ra các nguyên tắc để thực hiện nội dung này nhằm bảo đảm tính tổng thể và thống nhất.
Thứ nhất, việc bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường phải bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2014 (Phụ lục IV), tức là phải đáp ứng tiêu chí của điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
Thứ hai, việc bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh phải quán triệt đúng tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bãi bỏ các điều kiện không cần thiết, không rõ ràng, chung chung dẫn đến nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau.... và phải bảo đảm thực chất, không cắt bỏ cơ học, không gộp nhiều điều kiện vào 1 điều kiện.
Thứ ba, việc bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh phải gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng bãi bỏ các thủ tục hành chính con; chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời phải bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Thứ tư, điều kiện đầu tư kinh doanh đã được quy định bởi pháp luật chuyên ngành khác thì không phải quy định lại. Không can thiệp quá sâu vào hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp mà nên để cho thị trường quyết định.
Về tác động của việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều tác động tích cực đối với xã hội và các bên liên quan. Cụ thể, là người dân, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bởi họ sẽ cắt giảm được chi phí, thời gian tuân thủ và cả chi phí cơ hội để thực hiện những quy định không thực sự cần thiết.
PV: Như vậy, việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có “làm khó” hơn cho hoạt động quản lý không, thưa ông?
Ông Phan Tuấn Hùng: Việc đề xuất phương án bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã được Bộ rà soát, đánh giá kỹ lưỡng. Các phương án này được đề xuất bởi các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ trực tiếp quản lý nhà nước của từng lĩnh vực và tham vấn các bên có liên quan.
Các điều kiện được đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa chủ yếu là các nhóm điều kiện còn quy định chung chung, không rõ ràng, không rõ mục tiêu quản lý hay các điều kiện đã được quy định bởi các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác thì không quy định lại... Vì vậy tôi cho rằng, việc làm này cũng có tác động tích cực đối với công tác quản lý nhà nước, nó giúp cho hoạt động quản lý nhà nước được rõ ràng, minh bạch hơn theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; qua đó góp phần từng bước hoàn thiện thể chế, pháp luật và tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Do đó, có thể khẳng định việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không những không ảnh hưởng mà còn giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!