Triển khai Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL: Các địa phương mong muốn gì?

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 07:53, 30/04/2018

(TN&MT) - Tại Hội thảo tham vấn về chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra ngày 28/4/2018 tại TP. Cần Thơ, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cho rằng, đây là chương trình đồ sộ nhất của vùng ĐBSCL từ trước đến nay. Vậy để các chương trình, dự án này đi vào cuộc sống,  lãnh đạo các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường xin ghi lại một số ý kiến của lãnh đạo các địa phương.  

 

ÔNG ĐÀO ANH DŨNG - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TP. CẦN THƠ: Cần rà soát để tránh trùng lắp các quy hoạch

ÔNG ĐÀO ANH DŨNG
ÔNG ĐÀO ANH DŨNG. Ảnh: Lê Hùng

 

Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, tôi nhận thấy nghị quyết này với những ưu điểm khi nội dung được cụ thể, chi tiết, đầy đủ, tránh can thiệp thô bạo đến tự nhiên, phát triển hài hòa với các vùng sinh thái đồng bằng, tận dụng các nguồn lực Trung ương, địa phương, chú trọng nguồn lực trong nước và quốc tế. Chương trình hành động cũng đã nêu và hình thành cơ chế chính sách phát triển toàn diện ĐBSCL.

 

Tuy nhiên, trong dự thảo chương trình hành động giai đoạn 2018-2020 thực hiện nhiều quy hoạch chuyên ngành, nhưng Luật Quy hoạch năm 2017 đã ban hành và có hiệu lực vào 1/1/2019, hiện các địa phương trong đó có TP. Cần Thơ trong quá trình rà soát và xem xét lại các quy hoạch trên địa bàn thành phố để tránh triển khai trùng lắp các quy hoạch. Do đó, tôi đề nghị Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT rà soát thực hiện đồng bộ các quy hoạch có liên quan đến địa phương. Đồng thời, rà soát danh mục đề án, dự án nếu có trùng lắp thì đề nghị bổ sung…

 

Bên cạnh đó quỹ thời gian thực hiện giai đoạn 1 (2018-2020) còn ngắn, cần cân nhắc để đảm bảo thực hiện theo lộ trình đề ra. Đồng thời, TP. Cần Thơ thống nhất thành lập Hội đồng điều phối vùng và thành lập quỹ phát triển vùng ĐBSCL...

 

Đối với nguồn lực đầu tư thực hiện các dự án, theo tôi, đề án, sẽ sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương để đầu tư cho các cơ sở hạ tầng dành cho các dự án liên địa phương; huy động vốn tư nhân khuyến khích tư nhân tham gia PPP; huy động vốn thông qua đổi mới, nghiên cứu, thúc đẩy các giải pháp mới phát triển  ĐBSCL; huy động vốn của các địa phương, cộng đồng dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu. lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, cần triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, biến đổi khí hậu, tài nguyên nước...

 

ÔNG NGUYỄN THANH HÙNG - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH ĐỒNG THÁP: Đẩy nhanh tiến độ cập nhật kịch bản BĐKH, quan trắc nguồn nước của vùng

ÔNG NGUYỄN THANH HÙNG
ÔNG NGUYỄN THANH HÙNG. Ảnh: Lê Hùng

 

Đây là chương trình đồ sộ nhất của vùng ĐBSCL từ trước đến nay với các chương trình, dự án bao quát các lĩnh vực, nhưng việc thực hiện cần có nghiên cứu khả năng thực hiện và hiệu quả sử dụng các chương trình dự án này. Chúng tôi đề nghị các bộ ngành nghiên cứu để thực hiện cho đúng Luật Quy hoạch, phát triển bền vững vùng ĐBSCL là quy hoạch quốc gia sẽ tích hợp tất cả các quy hoạch ngành, trong đó quy hoạch phát triển tổng thể cần ban hành sớm để làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương. Rà soát, tích hợp các dự án, chương trình, kế hoạch trong dự thảo nhằm tránh chồng chéo.

 

Nghị quyết số 120 đi vào trọng tâm biến đổi khí hậu, một số phần việc liên quan đến biến đổi khí hậu như cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, quan trắc nguồn nước của vùng cần đẩy nhanh để các tỉnh có thông tin chia sẻ. Đây là những vấn đề bức xúc nhất. Các kịch bản cập nhật sẽ làm cơ sở nếu rà soát điều chỉnh các quy hoạch ngành, thuỷ lợi cần thông tin vùng...

 

Cần sớm đưa Nghị quyết số 120 vào cuộc sống. Chương trình hành động chưa thể đi vào thực hiện, cần rút ngắn thời gian vì sau đó còn phải xây dựng một loạt chương trình. Theo tôi cần đẩy nhanh triển khai những vấn đề bức xúc nhất ở vùng cũng như từng địa phương. Các kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật nhanh hơn. Thời gian giai đoạn 1 của chương trình hành động không còn nhiều, nếu không nhanh thì Nghị quyết sẽ chậm mất. không cần đánh giá hiệu quả đầu tư nữa vì có Luật đầu tư công rồi...

 

ÔNG LÂM QUANG THI - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH AN GIANG: Những nhiệm vụ cấp bách cần phải đầu tư ngay

ÔNG LÂM QUANG THI
ÔNG LÂM QUANG THI. Ảnh: Lê Hùng

 

Sự cần thiết thành lập Hội đồng điều phối, trong Nghị quyết số 120 phần tổ chức thực hiện Chính phủ chưa giao Bộ nào chủ trì thực hiện nghị quyết. Trọng tâm giao Bộ TN&MT tổ chức sơ kết, sau đó các Bộ và UBND cấp tỉnh thực hiện. Do vậy, sự cần thiết phải thành lập tổ chức bộ máy theo hình thức Ban chỉ đạo do Thường trực Chính phủ làm trưởng ban để chủ trì triển khai thực hiện  nghị quyết; thành lập Hội đồng điều phối vùng.

 

Việc thành lập Hội đồng điều phối vùng là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh tham gia kèm theo đó phải có quy chế, nếu không thực hiện đúng theo Luật Quy hoạch thì Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm. Quy chế phải nói rõ quy tắc quản lý, cái nào của Bộ, cái nào của tỉnh và ai làm...

 

Từ năm 2018-2020 là giai đoạn chuẩn bị xây dựng thể chế, ban hành rà soát thể chế, nhưng phải cho rằng trong giai đoạn này, có những việc rất cần thiết cần phải làm ngay như vấn đề sạt lở bờ sông bờ biển, vấn đề di dân khỏi khu vực sạt lở. Cần sử dụng ngay nguồn kinh phí dự phòng 2018-2020 để thực hiện công trình phòng chống sạt lở, di dân. Bên cạnh đó, những địa phương nào có mô hình tốt, như mô hình sản xuất tôm ở Cà Mau, Bạc Liêu; sản xuất cá tra ở Đồng Tháp, An Giang cần triển khai nhân rộng ngay không cần phải đợi xây dựng thể chế.

 

ÔNG PHẠM ANH TUẤN - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH TIỀN GIANG: Quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương

ÔNG PHẠM ANH TUẤN
ÔNG PHẠM ANH TUẤN. Ảnh: Lê Hùng

Đây là chương trình cụ thể hoá thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 120 đề ra. Xuất phát từ vai trò đặc điểm của vùng ĐBSCL xem xét đặc điểm điều kiện của tiểu vùng như Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, Đồng Tháp Mười, duyên hải phía Đông để rà soát các chính sách cho sát hơn.

 

Mục tiêu của Nghị quyết 120 là phát triển vùng ĐBSCL bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, phải dựa trên kịch bản biến đổi khí hậu tác động tới vùng ĐBSCL. Nghiên cứu để trên cơ sở điều kiện tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu có điều chỉnh chính sách, quy hoạch cho phù hợp. Chương trình đưa ra nhiều nội dung xây dựng quy hoạch ĐBSCL thiếu quy hoạch tổng thể của vùng, còn Quy hoạch tổng thể của tỉnh và ngành hầu như đã có đủ, do đó rà soát lại nếu chưa thích ứng được với điều kiện sắp tới thì điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.

 

Về chính sách chung của Chính phủ đề ra thì đối với vùng ĐBSCL, đặc điểm chung từng tiểu vùng có chính sách phù hợp để có điều kiện phát triển. Cần xác định trách nhiệm chung trong phạm vi, trách nhiệm từng Bộ, ngành, địa phương để từng địa phương nhận thức được trách nhiệm của mình phải làm gì.

 

Vùng ĐBSCL liên kết đã có Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 593, việc đề xuất thành lập Hội đồng điều phối vùng, cần có 1 tổ chức đại diện có tiếng nói, phân công trách nhiệm từng địa phương. Trên cơ sở Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 593 tuy chưa có hoạt động gì nhiều mà tự thân các địa phương liên kết với nhau để làm, vì vậy cần tính toán để làm cho có hiệu quả.

 

ÔNG LÊ VĂN SỬ - PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH CÀ MAU: Xác định cụ thể dự án nào làm trước

ÔNG LÊ VĂN SỬ
ÔNG LÊ VĂN SỬ. Ảnh: Lê Hùng

 

Cơ bản thống nhất với dự thảo Chương trình hành động, tuy nhiên tôi đề nghị ngoài việc làm gọn các chương trình, dự án thì nên bổ sung những nội dung còn thiếu. Cụ thể, xây dựng và triển khai đề án của các tiểu vùng như tứ giác Long Xuyên, tiểu vùng ven biển Duyên Hải đã có, vậy các tiểu vùng khác có xây dựng đề án hay không?

 

Danh mục các dự án thực hiện sau 2020 chưa rõ cái nào làm trước 2020 và cái nào làm sau 2020? Cần xác định các nhiệm vụ trước 2020 và sau năm 2020 rõ ràng hơn. Nhiệm vụ khẩn cấp buộc phải đề cập chương trình hành động. Nếu Trung ương không chỉ đạo, địa phương cũng phải làm, nhưng nếu làm nhưng không có nguồn lực thì khó trong thực hiện. Bên cạnh đó, những vấn đề chưa rõ cần bố trí nguồn lực để xây dựng mô hình, đi lên sản xuất lớn để thu hút đầu tư. Mô hình nào để tích tụ ruộng đất, cần xác định danh mục mô hình và bố trí thoả đáng nguồn lực để triển khai thực hiện được sau năm 2020...