Bộ TN&MT dự kiến cắt giảm 60%,điều kiện đầu tư, kinh doanh
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:48, 11/04/2018
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN&MT, Phó Ban soạn thảo cho biết, triển khai theo Nghị quyết của Chính phủ năm 2017 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, Bộ TN&MT đã tổ chức rà soát, đánh giá các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước và đề xuất đơn giản hóa các điều kiện này nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngày 14/10/2017, Bộ TN&MT đã có Công văn 5724 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ kế hoạch & Đầu tư báo cáo kết quả rà soát và đề xuất đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ. Theo đó, Bộ đã kiến nghị, bãi bỏ và đơn giản hóa 76/163 điều kiện kinh doanh đầu tư thuộc 18 ngành nghề kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường, tương đương với 46,64%.
Thực hiện Nghị quyết 01 ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 yêu cầu các Bộ ngành phải cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, đánh giá và đề xuất bãi bỏ và đơn giản hóa theo chỉ đạo.
Theo đó, Bộ đã tập trung, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá các điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý và dự kiến bãi bỏ và đơn giản hóa 99/163 điều kiện đầu tư, kinh doanh (60%, cao hơn đề xuất năm 2017 14 %). Trong đó bãi bỏ 69 điều kiện, đơn giản hóa 30 điều kiện và bãi bỏ 10 thủ tục hành chính.
Trên cơ sở này, Bộ đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TN&MT trên nguyên tắc và quan điểm, thứ nhất, việc bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực TN&MT phải đảm bảo phù hợp, đồng bộ và thống nhất với quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là Luật Đầu tư 2014.
Thứ hai là, phải thực chất, không bãi bỏ, sửa đổi hoặc đơn giản hóa cơ học, gộp nhiều điều kiện vào một điều kiện; không cắt giảm, bãi bỏ điều kiện bổ sung vào điều kiện khác.
Thứ ba là, việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh phải gắn với công tác cải các hoành chính đặc biệt công tác cải cách thể chế và thủ tục hành chính; đảm bảo tỉnh khả thi để thực hiện từ trung ương tới địa phương.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Nghị định đã tập trung trao đổi một số nội dung của Dự thảo Nghị định và các một số điều kiện cặt giảm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, việc cắt giảm, bãi bỏ các điều kiện phải đảm bảo trên cơ sở thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, đồng thời phải đảm bảo chức năng quản lý Nhà nước của các lĩnh vực.
Thứ trưởng yêu cầu, Vụ Pháp chế tiếp thu ý kiến các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định trong thời gian tới.