Tuổi 20 ở Trạm Khí tượng Hải văn Bạch Long Vỹ

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 22:38, 21/03/2018

(TN&MT) - Sau gần 10 tiếng vượt sóng biển, một ngày giữa tháng 3/2018, chúng tôi được đặt chân lên đảo Bạch Long Vỹ - quần đảo xa bờ nhất Vịnh Bắc Bộ nước ta. Gần như dành trọn thời gian ăn cùng, ngủ cùng, làm cùng với 9 chàng trai trên Trạm Khí tượng, Hải văn, Môi trường Bạch Long Vỹ, chúng tôi cảm nhận được lòng yêu nghề, yêu biển đảo của các chàng trai nơi biển đảo xa xôi.
Một góc BLV
Một góc đảo Bạch Long Vỹ nhìn từ Vườn khí tượng trên đảo

Bò lên núi “bắt mạch trời”

Đặt chân lên đảo chiều 18/3, ngay đêm đó, tôi cùng Lý Mạnh Trường, chàng thanh niên người Nùng sinh năm 1995 quê ở xã vùng cao Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng lên núi “bắt mạch ông trời”.

Đêm trên đảo không tĩnh mịch như đất liền. Tiếng sóng biển vỗ bờ xen lẫn tiếng ào ào của gió giữa không gian hoang sơ nơi đồi khí tượng Bạch Long Vỹ, những bước chân trượt trên lá bàng khô sột soạt giữa lối mòn lên núi khiến người lần đầu lên đây như tôi không khỏi thấy lành lạnh. Để “động viên” tôi, Trường bảo: “Hôm nay, anh lên mới là gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 9 thôi. Còn những hôm bão về thì…”.

Quan trắc viên
Lý Mạnh Trường quan trắc ban đêm ở Obs 1 giờ sáng tại Vườn Khí tượng Bạch Long Vỹ

Vừa lia ánh đèn pin soi đường dẫn tôi leo lên đồi khí tượng, Lý Mạnh Trường vừa kể: Ở Bạch Long Vỹ, anh em trên đảo thực hiện quan trắc ở cả 3 hạng mục: Khí tượng (đo gió; nhiệt độ không khí; độ ẩm không khí; giáng thủy; bốc hơi; khí áp; thời gian nắng; mây; tầm nhìn ngang; hiện tượng khí tượng…); Hải văn (đo mực nước; nhiệt độ nước; độ mặn; sóng…) và Thám không vô tuyến.

Nếu như trong đất liền các trạm làm 4 Obs/ ngày, ở Bạch Long Vỹ, chế độ quan trắc: 24/24 giờ, phát báo 8 Obs /ngày đối với Khí tượng, 4 Obs/ngày đối với Thủy văn và thả bóng quan trắc thám không hàng ngày. “Đó là khối lượng công việc ngày thường, còn khi có bão, đó là những ngày vất vả khó có thể tả hết anh ạ…” - Trường nói.

Truyền số liệu
Truyền số liệu từ đảo về đất liền

Lên đến đồi, nhìn bóng dáng nhỏ bé thư sinh với những động tác quan trắc nhanh nhẹn, thuần thục, chính xác của em, tôi không nghĩ Lý Mạnh Trường là người có “tuổi đảo” ít nhất trong 9 anh em ở Bạch Long Vỹ. Đợi em hoàn thành công việc của mình lúc 1 giờ 20 phút sáng, tôi hỏi chuyện, Trường kể: Sau khi được nhận vào ngành, được học thêm nghề tại Trạm Khí tượng Phù Liễn, em và bạn Ngô Văn Linh - sinh năm 1996, vừa ra đảo từ tháng 1/2018. Ra đến đảo, em được các đàn anh đi trước “đào tạo” từ nghề nghiệp đến kỹ năng leo đồi, xuống biển lúc nửa đêm, khi bão về.

Thêm lời Trường, và nói như Cao Huy Chương - chàng trai sinh năm 1990 nhưng “già” thứ 3 trạm đảo thì: “Những kỹ năng, kỹ thuật tác nghiệp về nghề chúng em học kỹ rồi nhưng các kỹ thuật bò lên đồi lúc nửa đêm những ngày mưa bão, rồi cách đuổi rắn, đuổi rết mùa mưa ra sao, cách băng bó khi không may rắn cắn như thế nào… đều được anh em truyền dạy nhau kỹ anh ạ”. Vì sao không leo hoặc cùng lắm là chống gậy leo mà lại phải bò lên đồi? - trả lời câu hỏi của tôi, Cao Huy Chương bảo: Chỉ cần những hôm gió cấp 6, cấp 7 chưa chưa nói đến bão, với sức gió của biển, để leo lên đồi khí tượng dù chỉ cao gần 100m so với mực nước biển, nếu không bò xuống, các em sẽ bị gió quật ngã ngay.

Bóng thám không
Phóng viên Báo TN&MT nghe các em giới thiệu về bóng thám không

Lội xuống biển lắng “nghe nhịp sóng”

Theo chân 2 quan trắc viên Lý Đoàn Thuận và Ngô Văn Linh ra khu vực nhà triều kí thực hiện Obs hải văn lúc 13 giờ chiều 20/3, phóng viên được chứng kiến người đi trước hướng dẫn người đi sau ra sao để có những bản tin chính xác về độ cao sóng, độ mặn, nhiệt độ nước biển… phục vụ công tác dự báo giúp tàu thuyền và ngư dân an toàn xa khơi.

Hỏi về kỷ niệm trong những ngày mưa bão, tôi được nghe các em kể về những kỷ niệm không thể quên trong đời làm khí tượng của mình. “Đó là những ngày chúng em đo hải văn ở những cơn bão đầu tiên khi em ra đảo năm 2015” -  Lý Đoàn Thuận kể.

Dạy nhau sử dụng máy
Lý Đoàn Thuận dạy đàn em cách sử dụng máy đo độ mặn
Đo sóng
Và cùng nhau "lắng nghe nhịp sóng"


Theo Thuận, đã là đi đo hải văn ngày bão ở đảo, không có chuyện mặc quần áo dài, chỉ có chiếc quần đùi trong chiếc áo phao. Mà không chỉ có vậy, mặc áo phao rồi, anh em cũng phải có kỹ năng vừa đi, vừa bò, vừa tìm gốc cây để bám cho bão không hắt văng mình đi, vừa phải quan sát nhanh xung quanh để không bị cành cây, mảnh ván hay bất cứ vật gì khác mà bão quăng theo hất trúng vào mình.

“Quan trắc ở đảo, nguy hiểm nhất là những ngày bão và giông. Khủng khiếp lắm anh ạ! Làm xong một Obs, vào đến trạm là thấy mình còn sống, là thấy mình hạnh phúc. Nhưng anh biết không, những hôm bão lớn, chúng em thường đi 3 người ra biển. Cứ ra đo xong lại chạy nhanh vào nhà triều ký ôm lấy nhau để truyền hơi ấm và rồi lại chạy ra đo vì yêu cầu của công tác dự báo trong cơn bão có khi chỉ 15 - 30 phút chúng em lại truyền số liệu về đất liền một lần” - Lý Đoàn Thuận kể. 

xe đạp
Chiếc "xe công" duy nhất của các chàng ngự lâm trên đảo Bạch Long Vỹ

      
Vượt khó và ước mơ

Gác lại những vất vả khó khăn trong quá trình tác nghiệp trên đảo, chúng tôi quay quần bên nhau trong bữa cơm chiều. Qua câu chuyện bên mâm cơm, được biết trong số 9 kỹ thuật viên, chỉ có Trạm trưởng Trần Chí Cường là đã ngoài 30 tuổi còn lại 8 anh em đều ở lứa tuổi 20, trong đó, 4 người đã có vợ con trong đất liền. Ở đả, mỗi năm, các em thay nhau về đất liền một lần, tất cả đều khép nỗi nỗi nhớ nhà để vươn lên.

Vượt qua mọi khó khăn trên đảo, từng ngày, từng ngày 9 anh em luôn hỗ trợ nhau trong công việc để đảm bảo hoàn thành tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai giúp ngư dân và đồng bào xa khơi an toàn. Trong suốt năm qua, theo đánh giá của Đài KTTV khu vực Đông Bắc, công việc của Trạm khí tượng Hải văn Bạch Long Vỹ luôn đảm bảo yêu cầu của ngành giao phó.

Cùng chuẩn bị bữa ăn trưa
Các chàng trai cùng nhau chuẩn bị bữa ăn trưa

Trao đổi với chúng tôi, Trạm trưởng Trần Chí Cường cảm động nói: “Dù ở đảo xa nhưng anh em chúng em luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất của lãnh đạo Tổng cục KTTV cũng như Đài KTTV khu vực Đông Bắc. Xa nhà, xa đất liền, chúng em luôn hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau cả trong công việc và chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống để vơi đi nỗi nhớ nhà, hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất…”.

Trên đảo, khó khăn thiếu thốn đủ bề. Giá cả đắt đỏ, trong khi phụ cấp của anh em ngành KTTV rất thấp so với các ngành khác trên đảo. Nhưng khi hỏi về ước mơ của mình, các chàng ngự lâm Trạm Khí tượng hải văn Bạch Long Vỹ chỉ ước đơn sơ: Chúng em mong nhận được sự quan tâm hơn của các cấp lãnh đạo để thu nhập của chúng em đừng thấp hơn các ngành khác. Ước mơ thứ hai của các chàng trai là được hỗ trợ một chiếc xe máy để đi lại trên đảo. Còn ước mơ thứ ba, nâng mức hỗ trợ ăn trưa vì hiện các em chỉ được 400.000 đồng/tháng, quá thấp so với giá cả trên đảo.

Lãnh đạo Đài
Dù ở xa, họ vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm, dạy bảo của các cô chú lãnh đạo Đài KTTV Khu vực Đông Bắc
Pv và 9 anh em
Phóng viên Báo TN&MT và 9 chàng trai trên Trạm Khí tượng, hải văn, môi trường Bạch Long Vỹ


Chia tay Bạch Long Vỹ đúng vào ngày gió mùa mạnh cấp 6, giật cấp 8, cấp 9, bồng bềnh trên khoang tàu Cường Thuận 01 - tôi vẫn nghe như đâu đây âm âm tiếng sóng từ khơi xa theo gió biển thốc vào. Những ước mơ nho nhỏ của các chàng trai trên đảo cứ bám riết tâm trí tôi. Tôi mong một ngày, thật gần sẽ quay trở lại đảo, được chứng kiến những mong ước ấy thành hiện thực, để Trạm Khí tượng Hải văn Bạch Long Vỹ luôn vững vàng trước sóng gió biển Đông. 
 

 

Trạm Khí tượng, hải văn, môi trường Bạch Long Vỹ nằm trên huyện đảo Bạch Long Vỹ, có Tọa độ 20o:08’; Kinh độ 107o.43’ cách bờ biển Hải Phòng 75 hải lý (khoảng 150km) về phía Đông Nam. Trạm có một vườn khí tượng nằm trên đồi ở độ cao 63m so với mực nước biển, một nhà triều ký, một vườn khí tượng và một khu nhà tác nghiệp dưới chân đảo.

Trạm BLV
Vườn Khí tượng Bạch Long Vỹ

Năm 1957, Hải quân Việt Nam thành lập Trạm Khí tượng hải văn Bạch Long Vỹ. Đến năm 1962, Bộ Tư lệnh Hải Quân đã bàn giao Trạm Khí tượng hải văn cho Nha Khí tượng Hà Nội quản lý.

   Ngày 26/3/1965, không quân Mỹ tiến hành ném bom hủy diệt đảo. Trong đó dự báo viên Hoa Anh của Trạm Khí tượng hải văn bị thương nặng phải đưa vào đất liền cứu chữa. Anh em còn lại trên đảo vừa thực hiện nhiệm vụ quan trắc vừa vừa chiến đấu bảo vệ đảo.

Với những cống hiến của mình, anh chị em kỹ thuật viên Trạm Khí tượng hải văn Bạch Long Vỹ đã nhận được nhiều phần thưởng trong đó cao quý nhất là Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng vào năm 1980.