Đoàn công tác Bộ TN&MT tham dự tập huấn về chính sách quản lý môi trường lần thứ 3 tại Hàn Quốc

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 01:56, 16/03/2018

(TN&MT) - Chương trình tập huấn về chính sách quản lý môi trường lần thứ 3 tại Hàn Quốc nằm trong khuôn khổ hợp tác của Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt Nam -...
(TN&MT) - Chương trình tập huấn về chính sách quản lý môi trường lần thứ 3 tại Hàn Quốc nằm trong khuôn khổ hợp tác của Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt Nam - Hàn Quốc. Chủ đề chính của chương trình lần thứ 3 này là "Quản lí chất thải cho sự phát triển bền vững".

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thông tin về các chính sách, chiến lược quản lý chất thải hướng tới phát triển bền vững của Hàn Quốc, nhằm hỗ trợ, tăng cường năng lực xây dựng chính sách cho các cán bộ nhà nước của Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển nguồn nhân lực môi trường Hàn Quốc thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc đã tài trợ toàn bộ chương trình đào tạo, tập huấn về chính sách quản lý môi trường.
A1
Đoàn công tác Bộ TN&MT tham dự chuyến tập huấn về chính sách quản lý môi trường lần thứ 3 tại Hàn Quốc
Phát biểu tại buổi khai giảng, Ông Ju Daeyoung - Viện Nghiên cứu Phát triển nguồn nhân lực môi trường Hàn Quốc cho rằng, chủ đề này rất phù hợp với bối cảnh toàn thế giới đang tiến hành nhiều buổi thảo luận đa dạng nhằm thực hiện "Chương trình phát triển bền vững 2030".

"Tôi được biết, để hiện thức hóa xã hội tuần hoàn tài nguyên, chính phủ Việt Nam đang cố gắng tăng các cở sở vật chất liên quan đến công nghiệp tái chế và giảm lượng chất thải thông qua quyết định của Thủ tướng "Chiến lược và tầm nhìn quốc gia về quản lí tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025"". - Ông Ju Daeyoung nói.

Ông Ju Daeyoung cho biết thêm: Trong khi đó, Hàn Quốc là đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, đa số phụ thuộc vào nguồn tài nguyên và năng lượng nhập khẩu, theo đó chúng tôi luôn đối mặt với lượng rác thải rất lớn. Chính vì thế chúng tôi đã sớm bắt đầu các chính sách phân loại rác, sử túi đựng rác, giao trách nhiệm tái chế cho nhà sản xuất, vv và vv.

Ngoài ra, chúng tôi đã bắt đầu thi hành luật cơ bản về tuần hoàn tài nguyên, từ đó giảm hình thức chôn rác và tăng lượng tái chế, nhằm chuyển hóa thành xã hội tuần hoàn tài nguyên.
A6
Ông Ju Daeyoung - Viện Nghiên cứu Phát triển nguồn nhân lực môi trường Hàn Quốc
Dù đã có những nỗ lực như trên, trong báo cáo OECD năm 2017, chúng tôi đã được thông báo rằng số lượng rác thải phát sinh tại Hàn Quốc vẫn đang tăng theo hàng năm và chúng tôi cần giải quyết vấn đề rằng khoảng 1/2 số lượng rác thải có thể tái chế vẫn bị đang bị xử lý bằng hình thức chôn lấp.

Trong bối cảnh như hiện nay, tôi hi vọng rằng thông qua chương trình lần này hai nước sẽ nhận thức được tầm quan trọng của chính sách và kĩ thuật quản lí rác thải, chia sẻ những điểm tốt và chưa tốt trong các chính sách, tạo nên một điểm nhấn có ích trong mối quan hệ giữa hai nước.

Chia sẻ với các ông Ju Daeyoung cũng như các giáo sư giảng dạy cùng các cán bộ của Viện Nghiên cứu Phát triển nguồn nhân lực môi trường Hàn Quốc, ông Hoàng Minh Sơn - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường cho biết: Việt Nam cảm ơn Hàn Quốc thực hiện chính sách mới với mục tiêu hoà bình, ổn định, phát triển và coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong chính sách đó.
A2
Trưởng đoàn Việt Nam, Ông Hoàng Minh Sơn - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường tặng quà lưu niệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho các giáo sư giảng dạy
Việt Nam đánh giá rất cao sự phát triển của Hàn Quốc cũng như nền khoa học công nghệ của Hàn Quốc. Việt Nam mong muốn được học tập Hàn Quốc trong việc xây dựng một nền khoa học công nghệ cũng như trong phát triển đất nước. ông Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh Việt Nam mong muốn học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc về các chính sách quản lý môi trường, coi công nghệ là một giải pháp đột phá, đặc biệt là những công nghệ tiên tiến trong vấn đề xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại...

Đồng quan điểm với ông Hoàng Minh Sơn, Ông Nguyễn Bá Dũng - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, những chuyến tập huấn, đào tạo về chính sách quản lý môi trường sẽ giúp cho các cán bộ, chuyên gia của Việt Nam có thêm trải nghiệm, kinh nghiệm và học tập được những công nghệ tiên tiến nhất của Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam. Trong tương lai, ông Nguyễn Bá Dũng hy vọng sẽ có thêm nhiều các chuyến tập huấn như hiện tại và đánh giá rất cao công tác tổ chức, giảng dạy của Viện Nghiên cứu Phát triển nguồn nhân lực môi trường Hàn Quốc.
A5
Từ một khu bãi rác gây ô nhiễm của thành phố Hà Nam, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, chính quyền nơi đây đã xây dựng thành một tổ hợp Công viên Union Hanam bao gồm nhà máy xử lý chất thải, nhà máy xử lý nước thải đặt trong lòng đất. Bên trên là công viên, bể bơi, khu thể thao và hoàn toàn miễn phí cho những người dân địa phương sử dụng dịch vụ
Trong quá trình giảng dạy, các Giáo sư đầu ngành của các trường đại học danh tiếng Hàn Quốc như giáo sư Lee Minho - nguyên thứ trưởng Bộ môi trường Hàn Quốc; giáo sư Oh Gil Jong - Viện khoa học môi trường Quốc gia Hàn Quốc; giáo sư Park Daewon - Viện Cao học Môi trường Năng lượng, Đại học Khoa học Công nghệ Seoul; giáo sư Jang Yeong Cheol - Đại học Chung Nam... đã có những bài giảng trực quan, thực tế về các vấn đề: Định hướng chính sách môi trường và phát triển bền vững; Cơ chế cắt giảm năng lượng phát thải và tái chế của Hàn Quốc; Quy định và tình hình thu hồi năng lượng từ rác thải; Quản lý chất thải nguy hại và Quản lý rác thải y tế...
A4
Toà tháp ở giữa bức ảnh là cột ống khói xả khí ra môi trường, chính quyền đã kết hợp xây dựng thành toà tháp Union Hanam với chiều cao 105m và từ đó có thể ngắm toàn bộ thành phố.
Sau những khoá giảng, các học viên đã được Viện khoa học môi trường Quốc gia Hàn Quốc đưa đi thực tế tại các địa phương và tận mắt kiểm chứng những thành tựu về chính sách, khoa học, công nghệ của Hàn Quốc thông qua những trung tâm, cơ sở chế biến, xử lý rác thải, các khu vực biến những nguồn rác thải thành nguồn năng lượng tuần hoàn lại trong cuộc sống với tất cả mục tiêu "Biến rác thải thành tài nguyên", vì một môi trường xanh hơn, sạch hơn.