Sớm hoàn thiện Đề án kiểm soát các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:45, 10/03/2018
Báo cáo tại buổi họp, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, sau thời gian xây dựng và được sự góp ý của các chuyên gia, Đề án đã xác định được danh mục loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; Xác định đối tượng kiểm soát đặc biệt về môi trường; Xây dựng các tiêu chí đánh giá nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường; đồng thời đề xuất các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện Đề án.
Theo đó, 16 loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao bao gồm: Khai thác và làm giàu quặng kim loại; luyện kim; sản xuất giấy, bột giấy, ván sợi (MDF, HDF); sản xuất hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; nhuộm (vải, sợi), giặt mài; thuộc da; lọc hóa dầu; nhiệt điện than, sản xuất cốc, khí hóa than, điện hạt nhân; xử lý tái chế chất thải; xi mạ, làm sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất; sản xuất pin, ắc quy; sản xuất clinker; chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; chế biến mía đường; chế biến thủy sản. Các loại hình trên chia ra làm 2 đối tượng kiểm soát là cấp Trung ương và cấp tỉnh. Việc xác định đối tượng và trách nhiệm kiểm soát đặc biệt đối với các đối tượng này được dựa trên loại hình sản xuất công nghiệp ô nhiễm môi trường cao và quy mô phát sinh chất thải của từng dự án, cơ sở sản xuất thuộc các loại hình này.
Bên cạnh đó, trong phần thực hiện nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đề án xác định rõ các tiêu chí, đặc biệt, “không thu hút đầu tư các dự án thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, trung bình và trung bình tiên tiến,… ”. Góp ý về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, khi xây dựng tiêu chí này, đối với từng dự án cụ thể, các cơ quan chức năng có đủ năng lực, cơ sở khoa học để đán giá công nghệ này hay không? Để làm được việc đánh giá loại hình công nghệ sử dụng là lạc hậu, trung bình hay trung bình tiên tiễn cần xác định rõ cơ quan thẩm định là đơn vị nào, có trình độ, năng lực và được trang bị ra sao…?
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao công tác chuẩn bị khá kỹ lưỡng của Tổng cục Môi trường với Dự thảo Đề án này. Với những vấn đề được các đại biểu góp ý kiến, Tổng cục cần tổng hợp, xem xét và cân nhắc nội dung đưa vào cho phù hợp, khoa học. Thứ trưởng cũng góp ý với một số nội dung cụ thể trong Dự thảo như mục xác định đối tượng khảo sát đặc biệt về môi trường nên chuyển sang phần quy mô, bởi căn cứ trên loại hình và quy mô sẽ ra được đối tượng cần khảo sát đặc biệt hay không?.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng đưa ra ý kiến cần cân nhắc thêm về tên gọi của Đề án, cần bổ sung vào phần quy mô các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao phải có phần quy định về quy mô xả thải từng giai đoạn để có cơ sở đánh giá… Đặc biệt, cần đưa vào Dự thảo trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở mục các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện đề án để Bộ này tham mưu, thẩm định loại hình trước khi ra quyết định. Đồng thời, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân giao Vụ Pháp chế và Tổng cục Môi trường phối hợp hoàn thành đề án trong Quý I để trình lãnh đạo Bộ.