Đắk Lắk: Ngành TN&MT góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 23:00, 27/01/2018
(TN&MT) - Với chức năng, nhiệm vụ được giao Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Cải cách hành chính để quản lý tốt hơn
Ngành Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk xác định: Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song công tác quản lý nhà nước của ngành cần có những cải cách để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Trong đó, hệ thống tổ chức bộ máy của ngành tiếp tục được củng cố, kiện toàn tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cả về trình độ chuyên môn và đạo đức công vụ để từng bước đáp ứng được yêu cầu triển khai nhiệm vụ và phục vụ người dân tổ chức và doanh nghiệp được tốt hơn.
Về cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến, giảm được nhiều thủ tục trung gian và thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn, đáp ứng được các yêu cầu của tổ chức và công dân trong việc giải quyết thủ tục về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Có được kết quả này, Sở TN&MT Đắk Lắk đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính như: Ban hành Nghị Quyết chuyên đề của Đảng ủy về tăng cường sự lãnh đạo trong công tác CCHC và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện đạt hiệu quả. Các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được tăng cường nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính như: áp dụng công nghệ thông tin, rà soát đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết; chấn chỉnh lề lối tác phong làm việc, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành.
Trong năm 2017 số lượng hồ sơ được giải quyết thuộc thẩm quyền của Sở tăng hơn hai lần so với năm 2016 (năm 2016: 111.844 hồ sơ, năm 2017: 242.062 hồ sơ); 100% hồ sơ được tiếp nhận tại bộ phận một cửa thuộc Sở được giải quyết đúng và trước thời hạn; giảm số lượng và tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn trong Cấp giấy CNQSD đất cho hộ gia đình cá nhân (năm 2016: số hồ sơ trễ hạn là 1.150 hồ sơ, chiếm 1,02%; năm 2017: số hồ sơ trễ hạn là 1.060 hồ sơ, chiếm 0,43%). Các hồ sơ bị trễ hẹn được đơn vị xin lỗi bằng văn bản gửi đến người dân với tinh thần cầu thị và sớm khắc phục.
Đẩy mạnh quản lý, hạn chế sai sót
Đển công tác quản lý của ngành Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn ngày càng đi vào nề nếp, hạn chế những sai sót Sở đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, qua đó đã kịp thời phát hiện những yếu kém, hạn chế, sai phạm, để xử lý, chấn chỉnh đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Trong năm 2017, đã thành lập 19 Đoàn thanh tra, kiểm tra đối với 77 tổ chức (tăng 46,15% so với năm 2016, đạt 90% kế hoạch). Trong đó tập trung vào các đơn vị sử dụng đất chậm tiến độ và có hành vi vi phạm; thanh tra các Dự án đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Kết luận thanh tra đã đề xuất UBND tỉnh thu hồi 7 dự án, với diện tích 4.225,42 ha đất và 431,92 ha rừng. Bên cạnh đó, các đoàn cũng đã thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh; thanh tra việc quản lý, sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đối của 4 tổ chức, doanh nghiệp tại thành phố Buôn Ma Thuột; 4 đơn vị tại 4 dự án đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp; thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đối với UBND huyện Krông Ana và Buôn Đôn. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 4 dự án thủy điện, 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh và 7 bệnh viện; kiểm tra 08 đơn vị tại Tp.Buôn Ma Thuột về việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Qua đó xử phạt vi phạm hành chính 758 triệu đồng đối với 7 tổ chức.
Đồng thời ngành cũng đã tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo không để tồn đọng, kéo dài. Trong tổng 233 đơn/119 vụ khiếu nại, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận, Sở đã tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền 39 vụ/46 vụ, đạt 84,78%, (07 vụ đang trong thời hạn xem xét, xác minh, giải quyết). Số còn lại 73đơn/73 vụ Sở đã xử lý gửi đến UBND cấp huyện và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Về công tác quản lý đất đai, Đắk Lắk đã hoàn thành công tác thống kê đất đai năm 2016. Ngành Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk đã Thực hiện hoàn thành lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020, tham mưu cho UBND tỉnh thông qua HĐND tỉnh và trình Chính phủ phê duyệt. Tổ chức thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2018 cấp huyện, Phương án sử dụng đất của 12 Công ty nông nghiệp thực hiện cổ phần hóa, theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP Chính phủ. Như cty TNHH MTV cà phê Phước An; cty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi, cty TNHH MTV cà phê Ea Pốc....
Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất của 88 tổ chức, diện tích 9.463,97ha; giao đất không thu tiền sử dụng đất cho 37 tổ chức, diện tích 3.439,1ha; 49 tổ chức thuê đất với diện tích 135,93ha...
Đối với việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thực hiện được 16.704 Giấy chứng nhận lần đầu với diện tích 10.796 ha (vượt kế hoạch 10.796 ha/9000 ha), trong đó: cấp cho tổ chức 2.135 ha/120 giấy chứng nhận; hộ gia đình, cá nhân 8.661 ha/16584 Giấy chứng nhận, nâng tổng diện tích đất được cấp GCNQSD đất lần đầu là 988.209,8ha/1.042.793ha, đạt tỷ lệ 94,77% diện tích cần cấp.
Tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ 2018
Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, ông Bùi Thanh Lam – Giám đốc Sở TN&MT Đắk Lắk nêu rõ: Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian qua, Ngành Tài nguyên và môi trường tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường quán triệt các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Kịp thời tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh thể chế hoá cơ chế chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường sát với thực tế đời sống xã hội, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành; đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện, đồng bộ cơ chế chính sách, pháp luật tài nguyên và môi trường với các pháp luật khác có liên quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước của ngành, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát biểu đánh giá về những đóng góp của Ngành Tài nguyên và Môi trường, đồng chí Y Giang Gry Niê Knơng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nêu rõ: Toàn ngành đã có sự phát triển khá toàn diện, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao, qua đó góp phần tích cực vào kết quả và thành công chung trong công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Y Giang nhấn mạnh: “Ngành Tài nguyên và Môi trường cần thực hiện thanh tra, kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh và theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở. Đồng thời triển khai thực hiện tốt các cuộc thanh tra đột xuất khi được cấp có thẩm quyền giao. Trong đó, tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của UBND các cấp và thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; Đẩy nhanh tiến độ Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại các dự án nông, lâm nghiệp; những dự án có dấu hiệu vi phạm cần xử lý nghiêm. Đồng thời, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, không để tồn đọng kéo dài”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian đến, ông Bùi Thanh Lam – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk cho biết: Sỡ sẽ tập trung mọi nguồn lực của địa phương, tranh thủ nguồn hỗ trợ của Trung ương, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan để triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án trọng điểm của ngành đã được phê duyệt, để phục vụ cho nhu cầu công tác quản lý được tốt hơn./.