Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị quản lý, sử dụng đất đai tại 5 tỉnh Tây Nguyên
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:19, 19/01/2018
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội; các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo của 5 tỉnh Tây Nguyên; lãnh đạo của các sở, ngành và 8 huyện, thị xã thuộc tỉnh Đắk Nông; về phía Bộ TN&MT có lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT- XH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ TN&MT cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện cho toàn ngành TN&MT. Trong đó, đối với lĩnh vực đất đai đặt ra 3 mục tiêu lớn đó là: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai để tạo ra những đột phá về thể chế thúc đẩy giải phóng sức sản xuất, huy động các nguồn lực khác cho phát triển; Tập trung giải quyết tình trạng lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; Giải quyết vấn đề khiếu nại trong lĩnh vực đất đai. Để hoàn thành 3 mục tiêu này, Bộ TN&MT cũng đặt ra 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động của ngành và sẽ đồng hành cùng với các địa phương trong triển khai thực hiện.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Tây Nguyên là vùng đầu tiên Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị để bàn và triển khai nội dung quan trọng đó là công tác quản lý đất đai và giải quyết vấn đề đất đai có nguồn gốc nông lâm trường bởi đây là địa bàn chiến lược, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng là nơi tập trung nhiều các nông, lâm trường với 201 tổ chức nông nghiệp, lâm nghiệp chiếm khoảng gần 1/3 trong tổng số 745 tổ chức nông, lâm nghiệp của cả nước và đang quản lý khoảng 50,8 % so với diện tích tự nhiên của toàn vùng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý đất đai nói chung và quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nói riêng tại các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, công tác quản lý đất đai nói chung và quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nói riêng tại các tỉnh Tây Nguyên cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó nổi lên một số vấn đề lớn như: Việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có quá trình phức tạp, thay đổi qua từng giai đoạn nhưng chưa có biện pháp giải quyết một cách căn cơ, thấu đáo, nên còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Tiến độ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính ở các địa phương còn chậm so với tiến độ đo vẽ bản đồ địa chính; Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn còn xảy ra, nhiều vụ việc phức tạp còn xảy ra trên địa mà chưa được giải quyết dứt điểm làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội...
Để giải quyết một cách căn cơ vấn đề đất đai, đưa nguồn lực đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển KT- XH của đất nước, cũng như của Tây Nguyên, tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận để tìm ra các giải pháp, tập trung vào một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất: Về chính sách pháp luật đất đai, với ý nghĩa là nguồn lực đầu vào của các hoạt động KT-XH, quản lý đất đai cần có những đột phá từ thế chế, chính sách, pháp luật, đến quy hoạch để góp phần giải phóng sức lao động; thu hút, huy động các nguồn lực, nguồn vốn, KH-CN cho phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; giải quyết tình trạng khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong các đại biểu từ thực tiễn công tác tại địa phương mình quản lý, cần chỉ rõ những bất cập, điểm nghẽn trong chính sách pháp luật về đất đai; những mâu thuẫn, chồng chéo với các pháp luật chuyên ngành; đề xuất nhưng cơ chế, chính sách, giải pháp để hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai đặc biệt là để sửa đổi Luật đất đai trong năm 2018.
Thứ hai: Về giải quyết tình trạng lãng phí đất đai và phát huy nguồn lực đất đai đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết số 01. Đối với Tây Nguyên, cần tập trung rà soát các dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đặc biệt là giải quyết vấn đề đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Đây là vấn đề hết sức khó khăn mà Bộ Chính trị đã phải ban hành tới hai Nghị quyết là Nghị quyết số 28 vào năm 2003 và Nghị quyết số 30 vào năm 2014; Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để giải quyết nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn thành. Hiện nay, các tổ chức nông, lâm trường hiện đang quản lý khoảng 50% diện tích đất của toàn vùng Tây Nguyên nếu chúng ta thực hiện tốt việc sắp xếp sẽ giải phóng nguồn lực lớn cho phát triển vùng.
Thứ ba: Về giải quyết vấn đề đất đai tranh chấp đất đai và đất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tại Chỉ thị số 11 ngày 04/4/2016 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh triển khai thanh tra, kiểm soát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Vấn đề này cùng với vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào cần được tập trung giải quyết để đảm bảo ổn định chính trị, xã hội cho phát triển KT-XH khu vực Tây Nguyên.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai trình bày tóm tắt các nội dung chính của báo cáo để dành thời gian cho các đại biểu thảo luận.
Thay mặt Tổng cục Đất đai, ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng đã trình bày báo cáo đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai tại 5 tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên.
Báo cáo cho biết: Tổng diện tích tự nhiên 5 tỉnh Tây nguyên đang quản lý, sử dụng là 5.450.822 ha, chiếm 16,5% tổng diện tích tự nhiên của cả nước, trong đó: Đất nông nghiệp: 4.928.182 ha, chiếm 90,4% tổng diện tích toàn vùng; Đất sản xuất nông nghiệp: 2.421.605 ha chiếm 44,4% tổng diện tích toàn vùng; Đất lâm nghiệp 2.494.264 ha chiếm 45,8% tổng diện tích toàn vùng; Đất phi nông: 334.713 ha, chiếm 6,1% tổng diện tích toàn vùng; Đất chưa sử dụng: 187.927 ha, chiếm 3,5% tổng diện tích toàn vùng.
Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai đánh giá: Công tác quản lý đất đai trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, nguồn lực về đất đai đã được phát huy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Việc triển khai các chủ trương, định hướng của Quốc hội và Chính phủ đã tạo nền tảng kỹ thuật cơ bản và thông tin chính xác cho công tác quản lý đất đai chặt chẽ, hiệu quả thông qua việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Một số thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai đã được đơn giản hóa và gọn nhẹ tạo tiền đề để hiện đại hóa cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu khi tham gia giao dịch; giúp đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Kết quả triển khai công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã đảm bảo tính thống nhất số liệu giữa hồ sơ giấy tờ với thực địa được rõ ràng, sát thực tế; làm căn cứ triển khai các nội dung quản lý đất đai và xử lý tranh chấp, khiếu nại;
Nghiệp vụ của cán bộ cơ sở từng bước được nâng cao, việc xử lý và giải quyết hồ sơ về đất đai được chuyên nghiệp hóa và thống nhất.
Về mặt kinh tế, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận đã góp phần xác lập tính pháp lý về quyền sử dụng đất kích thích thị trường quyền sử dụng đất, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện huy động vốn, tạo nguồn vốn tín dụng cần thiết cho phát triển kinh tế, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi việc thế chấp quyền sử dụng đất được dễ dàng thực hiện. Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài chính, tiền thu từ sử dụng đất tăng mạnh trong những năm qua, năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, bên cạnh những mặt tích cực đã đặt được, công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn 5 tỉnh Tây nguyên còn những hạn chế, tồn tại chủ yếu như sau:
Việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có quá trình phức tạp, thay đổi qua từng giai đoạn nhưng chưa có biện pháp giải quyết một cách căn cơ, thấu đáo, nên còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Tiến độ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính ở các địa phương còn chậm so với tiến độ đo vẽ bản đồ địa chính; nhiều địa phương hoàn thành khối lượng lớn đo đạc lập bản đồ địa chính, nhưng kết quả cấp Giấy chứng nhận gắn với bản đồ địa chính không tương ứng. Một số địa phương chưa tổ chức thực hiện đồng bộ việc đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng hồ sơ địa chính.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính ở phần lớn các địa phương vẫn còn hạn chế chủ yếu theo mô hình phân tán cấp huyện, thậm chí nhiều địa phương vẫn để dạng file dữ liệu cấp xã; bộ máy tổ chức vận hành chưa phù hợp và chưa xây dựng được quy chế quản lý, khai thác, cập nhật CSDLĐC, do đó nền tảng để phục vụ cho công tác quản lý đất đai vừa yếu lại vừa thiếu.
Một số huyện đã hoàn thành xong việc đo đạc bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận nhưng không tập trung nguồn lực để hoàn thành dứt điểm việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hoặc đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu đất đai nhưng chưa đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng dẫn đến thực tế biến động đất đai nhiều mà không được cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Công tác quản lý đất đai trên địa bàn vẫn chưa được chặt chẽ, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn còn xảy ra, nhiều vụ việc phức tạp còn xảy ra trên địa mà chưa được giải quyết dứt điểm làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Bộ máy quản lý đất đai chưa tương xứng, lực lượng quá mỏng, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, lại quản lý trên một địa bàn rộng lớn nên không kịp thời phát hiện những vi phạm và hiệu quả chưa cao.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đât đai Lê Văn Lịch cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại, đó là:
Đây là địa bàn có địa hình khó khăn, phức tạp; tập trung nhiều nhiều đồng bào dân tộc ít người.
Quá trình tổ chức thực hiện tại một số địa phương còn rất dàn trải, xây dựng kế hoạch triển khai chưa sát với kinh phí được bố trí. Một số địa phương chỉ chú trọng vào việc đo vẽ bản đồ địa chính, mà ít quan tâm đến việc kê khai đăng ký, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận; lập hồ sơ địa chính và xây dựng CSDL để xác lập tính pháp lý của từng thửa đất và đưa vào vận hành thường xuyên.
Chưa quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác quản lý đất đai ở địa phương (Chính phủ chỉ đạo “Bố trí tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”).
Đầu tư xây dựng hệ thống thông tin đất đai không đồng bộ. Một số nơi đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhưng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin lại chưa đáp ứng được.
Một số địa phương chưa quan tâm đến việc đào tạo, nâng cao kiến thức và đạo đức cho cán bộ tác nghiệp. Công tác đào tạo công nghệ cho đội ngũ cán bộ vận hành hệ thống CSDL theo mô hình hiện đại chưa được chú trọng mặc dù đã được đầu tư xây dựng CSDL nhưng vẫn tác nghiệp trên hồ sơ dạng giấy…
Sau báo cáo của ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk; ông Lại Xuân Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum...đã lần lượt phát biểu nêu bật những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn địa phương mình quản lý, đặc biệt là đất có nguồn gốc nông, lâm trường...
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị trong các bản tin tiếp theo.