Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ - Đắk Nông
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 13:37, 20/01/2018
Cùng đi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về phía Bộ TN&MT có ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai; ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính; ông Lê Văn Hợp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ông Tăng Thế Cường, Chánh Văn phòng Bộ. Về phía tỉnh Đắk Nông có ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; bà Tôn Nữ Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh; ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk RLấp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đi thị sát, kiểm tra khai trường khai thác quặng, kiểm tra khu vực hồ bùn đỏ, cửa xả đập số 3, nhà điều hành chính của khu vực Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Đắk Nông.
Báo cáo với Bộ trưởng Trần Hồng Hà và đoàn công tác, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ - Đắk Nông gồm 2 dự án thành phần (Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ và Dự án khai thác mỏ bauxit Nhân Cơ). Giai đoạn đầu của dự án được Tập đoàn TKV giao cho Công ty CP Alumin Nhân Cơ – Đắk Nông làm chủ đầu tư, với mục tiêu sản xuất alumin đạt tiêu chuẩn quốc tế, công suất 650.000 tấn alumin/năm. Kết thúc năm 2017, Nhà máy đã sản xuất đạt trên 500.000 tấn alumin (quy đổi); dự kiến nắm 2018 sản xuất 580.000 tấn alumin và năm 2019 đạt công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm.
Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TKV Nguyễn Anh Tuấn, mặc dù còn đang trong giai đoạn chạy thử (6 tháng đầu năm 2017) và mới chính thức sản xuất trong 6 thán cuối năm 2017, nhưng sản phẩm của Nhà máy đã đạt chất lượng theo thiết kế, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Năm 2017 Nhà máy nộp ngân sách khoảng trên 243 tỷ đồng. Nếu thị trường tiếp tục “ấm” như năm 2017, thì trong 2 năm (2018-2019), thì dự án có thể hoàn vốn và có lãi. Hiện Nhà máy sử dụng khoảng 1.100 lao động, trong đó lao động vùng Tây Nguyên 800 người, riêng tỉnh Đắk Nông là 300 người và hơn 100 lao động là con em đồng bào dân tộc thiểu số...
Báo cáo với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TKV kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Đắk Nông quan tâm, hỗ trợ TKV trong công tác điều chỉnh, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cho phù hợp với công nghệ sản xuất mới tiên tiến, hiện đại; cũng như xem xét, tạo điều kiện cho TKV trong công tác hoàn nguyên sau dự án…
Ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông lưu ý đối với những khu vực sản xuất nội bộ dễ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Nhà máy cần nghiên cứu bố trí hệ thống kỹ thuật riêng biệt, với đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên vận hành giám sát thường xuyên, liên tục để có thể chủ động xử lý kịp thời nếu có phát sinh sự cố, trước khi kết nối ra môi trường bên ngoài. Ông Trung đề nghị Nhà máy sớm hoàn thiện việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hồ chứa bùn đỏ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường chung của tổng thể dự án, trình Bộ TN&MT phê duyệt. Đồng thời, cũng nên tính toán, cân nhắc kỹ việc đền bù, giải phóng mặt bằng khi điều chỉnh, bổ sung, mở rộng quy hoạch hành lang an toàn hồ chứa bùn đỏ để bảo đảm hiệu quả kinh tế của dự án.
Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp, cho biết tổng diện tích đất thu hồi để xây nhà máy, hồ chứa bùn là 900ha, có 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng. Ông Lê Văn Thị đề nghị chủ đầu tư khắc phục, khơi thông suối Đắk Giao vì đây là nguồn nước tưới, sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Về việc hoàn thổ, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’Lấp Lê Văn Thị cho biết mỗi năm thu hồi hơn 100ha để khai thác quặng, nhà máy cần chú trọng tái định canh, định cư tại chỗ, ngay trên vùng đất đã hoàn thổ. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu thổ nhưỡng, nguồn nước phù hợp để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho đồng bào.
Phát biểu sau khi thị sát Nhà máy Alumin Nhân Cơ – Đắk Nông, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết cá nhân ông rất vui mừng khi nhận thấy sau 5 năm quay trở lại Nhà máy, dự án đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, sản phẩm của Nhà máy đã đạt được những yêu cầu mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra đối với Tập đoàn TKV, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh – chính trị trên địa bàn Tây Nguyên. Dự án đã nộp ngân sách và từ nay đến năm 2019 có thể hoàn vốn và có lãi. Đây là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ, công nhân Tập đoàn TKV.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý Tập đoàn TKV và Nhà máy Alumin Nhân Cơ – Đắk Nông phải luôn tập trung, giải quyết hài hoà các vấn đề hiệu quả kinh tế của dự án với bảo vệ an toàn môi trường, kết hợp nâng cao đời sống cho người dân địa phương. “Trong phát triển kinh tế luôn phải chú trọng tính bền vững; đó là bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, đặc biệt là nguồn tài nguyên nước phục vụ ngành công nghiệp khai khoáng” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Tập đoàn TKV phải nghiên cứu, bố trí những khu vực riêng biệt trong khuôn viên dự án với hệ thống kỹ thuật đồng bộ để chủ động, sẵng sàng xử lý các tình huống nếu phát sinh sự cố môi trường. TKV phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị, giám sát chặt chẽ chế độ vận hành, để bảo đảm an toàn môi trường cho Nhà máy.
“Đối với những nội dung bổ sung trong ĐTM của Nhà máy, đặc biệt là việc áp dụng khoa học công nghệ xử lý môi trường hiện đại, tiên tiến…mang tính chất tốt hơn ví dụ như chuyển đổi từ công nghệ thải ướt sang thải khô mà TKV đề nghị, Bộ TN&MT luôn sẵn sàng ủng hộ, tạo điều kiện và giải quyết một cách nhanh nhất” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đặt ra 4 yêu cầu đối với Tập đoàn TKV và Nhà máy Alumin Nhân Cơ – Đắk Nông phải triển khai ngay trong năm 2018, đó là:
Thứ nhất, phải xử lý triệt để khí thải theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhanh chóng hoàn thiện lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Thứ hai, sớm trình các cơ quan chức năng phê duyệt phương án thiết kế mở rộng hành lang an toàn hồ chứa bùn đỏ với khoảng cách 30m.
Thứ ba, phải tập trung nạo vét, khơi thông suối trong quá trình thi công, khai thác, không để ảnh hưởng đến nguồn nước trong khu vực.
Thứ tư, phải có phương án thi công trên khai trường bảo đảm an toàn môi trường, có những giải pháp phòng chống hiện tượng trôi, trượt, sạt lở đất đá khi có mưa lớn…không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương.
Về việc sử dụng quỹ đất sau khi doanh nghiệp khai thác khoáng sản xong như theo đề nghị của lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Quản lý đất đai phối hợp với tỉnh Đắk Nông nghiên cứu, đề xuất các phương án khai thác, sử dụng đất đai sao cho hiệu quả; trong đó đặc biệt ưu tiên bố trí quỹ đất sau hoàn nguyên với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm…) để phục vụ tái canh, tái cư cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.