HĐND TP.HCM họp bất thường về công tác bảo vệ môi trường
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 00:00, 11/06/2017
(TN&MT) – Sáng 11/6, HĐND TP.HCM khóa IX đã tổ chức kỳ họp thứ 4 ( kỳ họp bất thường) về công tác BVMT đô thị khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố. Tham dự kỳ họp có ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết: Thực thi pháp luật về BVMT và thực hiện chương trình hành động của Thành ủy khóa IX, khóa X về chương giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2009 -2015 và 2016 – 2020, tình hình ô nhiễm môi trường đã có nhiều cải thiện, đạt được những kết quả bước đầu. Thành phố đã triển khai nhiều đề án, dự án cải thiện môi trường nhằm kiểm soát, đảy lùi ô nhiễm không khí, nước mặt, chất thải, tăng diện tích thảm cỏ, cây xanh; hoàn thành và đưa vào vận hành các dự áán, công trình cải thiện môi trường.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với lãnh đạo HĐND, UBND Thành phố về công tác BVMT của thành phố trong thời gian tới |
Tuy nhiên, chất lượng môi trường nhìn chung còn đáng lo ngại, ô nhiễm ở mức độ khác nhau về tất cả các mặt. Nhiều khu vực còn ô nhiễm phức tạp, có mặt còn phức tạp hơn, gây bức xúc cho người dân thành phố. Trong đó, công tác BVMT đô thị khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn còn nhiều bất cập; ý thức BVMT của một bộ phận tổ chức cá nhân đang sinh sống, làm việc, sản xuất kinh doanh chưa tốt.
“Vì vậy, kỳ họp bất thường này sẽ đánh giá đúng tình hình và xem xét ban hành Nghị quyết về công tác BVMT đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố” – bà Nguyễn Thiệt Quyết Tâm cho biết.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Văn Khoa trao đổi về mẫu thùng rác mới |
Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND Thành phố, ông Nguyễn Toàn Thắng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM đã trình bày báo cáo về công tác BVMT đô thị khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, tổng lượng nước được khai thác, cấp sử dụng trên địa bàn thành phố vào khoảng 1.850.000 m3/ngày (lượng nước cấp là 1.200.000 m3/ngày, nước ngầm khai thác khoảng 650.000 m3/ngày), tương ứng với lượng nước thải vào khoảng 1.750.000 m3/ngày. Đặc biệt, mỗi ngày, TP.HCM phát sinh khoảng 8.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt; 1500 – 2.000 tấn chất thải rắn công nghiệp, trong đó chất thải nguy hại khoảng 350 - 400 tấn; 1.200- 1.600 tấn chất thải rắn xây dựng. Tính đến tháng 3/2017, trên địa bàn thành phố có 7.976.845 phương tiện gồm xe ôtô, xe mô tô, xe gắn máy đăng ký lưu hành. Hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn chính của thành phố.
Về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trên địa bàn TP.HCM hiện đang hoạt động song song hai hệ thống tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt, gồm: hệ thống thu gom công lập do lực lượng của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích của các quận huyện thực hiện với 3.712 phương tiện thu gom (thùng 660 lít, xe tải, xe ép nhỏ..) và khoảng 2.500 nhân công (thu gom khoảng 40% khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các hộ mặt tiền đường); hệ thống thu gom dân lập do các cá nhân thu gom rác tự do, các nghiệp đoàn thu gom và các Hợp tác xã vệ sinh môi trường thực hiện với 2.160 phương tiện thu gom (xe ba gác kéo, xe lam, xe tải nhẹ, thùng 660 lít, xe tự chế…) và khoảng 4.000 nhân công (thu gom khoảng 60% khối lượng chất thải rắn phát sinh chủ yếu tại các hộ gia đình trong hẻm, các chung cư).
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng trình bày báo cáo của UBND Thành phố |
Hiện nay, thành phố có khoảng 1.000 điểm hẹn tập trung chủ yếu ở các quận nội thành và phân bố rải rác ở các huyện ngoại thành; 26 trạm trung chuyển đang hoạt động với nhiều quy mô khác nhau, trong đó có: 05 trạm trung chuyển đạt chuẩn (trạm ép kín, công nghệ container ép kín, có hệ thống thu gom và xử lý môi trường, có hệ thống phun xịt chế phẩm khử mùi); 13 trạm trung chuyển đã cải tạo, nâng cấp bằng ngân sách (nhà xưởng kín và lắp đặt bổ sung các hệ thống thu gom, xử lý môi trường, có hệ thống phun xịt chế phẩm khử mùi); 08 trạm trung chuyển hoạt động tạm (tạm giữ do nhu cầu quản lý chất thải rắn trên địa bàn của quận huyện, đa số là trạm hở và không có hệ thống xử lý môi trường).
Tại phần thảo luận của kỳ họp, bên cạnh việc đánh giá kết quả đạt được trong công tác BVMT, một số ý kiến của các đại biểu cho rằng, do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế nên tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn diễn ra phổ biến tại một số khu vực dân cư, trên đường phố, trên và dưới các cây cầu...Đặc biệt, hoạt động của đội ngũ rác dân lập trong thời gian qua còn tồn tại rất nhiều vấn đề: thường xuyên bỏ ngày thu gom rác, phương tiện thu gom thô sơ, không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc cho người dân tại các khu dân cư.
Vì vậy, các đại biểu cho rằng, Thành phố phải đảy mạnh, quyết liệt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT bằng nhiều hình thức, cách tiếp cận khác nhau, từ đó thay đổi ý thức, hành vi của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định.
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng: Công tác tuyên truyền phải gắn liền với các chế tài xử phạt. Thành phố cần thực thi nghiêm túc Nghị định 155 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, trong đó có mức xử phạt cho hành vi xả rác thải không đúng quy định lên tới 2 triệu đồng.
Về vấn đề này, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, Thành phố cần có chế tài, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có trách nhiệm xử phạt hành vi xả rác không đúng quy định. ”Chúng ta cần phải xử lý những trường hợp vi phạm cụ thể và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông; các hành vi gây ô nhiễm môi trường cần được đưa ra phê bình tại các cuộc họp khu dân cư. Cần tạo một hiệu ứng xã hội mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn tình trạng vi phạm về BVMT, xả rác không đúng quy định - những hành vi xấu cần phải loại bỏ trong xã hội” – đại biểu Khuê nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thị Thanh Mỹ (áo đen) báo cáo với Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm các công nghệ xử lý rác thải hiện nay |
Các đại biểu cũng cho rằng, vai trò trách nhiệm của các cơ quan chính quyền ở địa phương cấp xã, phường, thị trấn là rất quan trọng trong công tác quản lý về môi trường. Nếu lãnh đạo của 319 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đều nâng cao vai trò giám sát, chỉ đạo của mình thì công tác giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa phương chắc chắn sẽ sớm có chuyển biến tích cực.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đã tiếp thu các ý kiến của các đại biểu HĐND, đồng thời cho biết, từ 1/5, Thành phố đã phân cấp công tác quét dọn vệ sinh môi trường cho tất cả các quận huyện; đối với quét dọn tại các khu vực cầu, đường đang tạm phân cấp cho quận 1,3,5 và sẽ tiến tới phân cấp cho tất cả các quận huyện trong thời gian tới.
Về các phương tiện thu gom, Tổng Công ty cơ khí giao thông Sài Gòn đã hoàn thành các mẫu thùng rác và xe vận chuyển rác đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về môi trường và phù hợp với mỹ quan đô thị. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ ban hành những cơ chế chính sách để sản xuất và sử dụng rộng rãi loại phương tiện này trong thu gom, vận chuyển rác. Về quản lý đội ngũ rác dân lập, trong thời gian tới Thành phố sẽ vận động lực lượng này vào các Hợp tác xã và chuyển đổi thành các doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa cũng giao Giám đốc Sở TN&MT làm việc với các các đơn vị vận chuyển rác để tính toán lại thời gian vận chuyển rác nhằm đảm bảo về giao thông và môi trường, không gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt người dân.
Toàn cảnh kỳ họp |
Về công nghệ xử lý rác, theo Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa, UBND Thành phố hạ quyết tâm đến năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp rác từ 76% hiện nay còn 50%, đến năm 2025 còn 20%, còn lại là công nghệ sản xuất phân compost, đốt phát điện... Riêng đối với Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, mỗi ngày đang chôn lấp hợp vệ sinh khoảng trên 5.000 tấn rác thải sinh hoạt, từ nay đến năm 2020, phải chuyển khoảng 1.000 – 2.000 tấn sang xử lý bằng công nghệ khác.
Đặc biệt, từ nay đến 31/7, Thành phố sẽ rà soát tất cả các dự án xử lý rác trong việc xây dựng các công trình BVMT, đến 31/12, các dự án đã đi vào vào hoạt động phải được nghiệm thu các công trình BVMT. Đồng thời, từ tháng 7/2017, các khu xử lý rác thải của thành phố sẽ định kỳ tổ chức cho người dân và các cơ quan mặt trận tham quan, giám sát các công đoạn xử lý rác thải.
Cuối buổi làm việc, HĐND TP.HCM đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về công tác BVMT đô thị khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP.HCM với các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể.
Nguyễn Quỳnh