TP.HCM: Công khai các chỉ số môi trường cho người dân giám sát
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 00:00, 10/04/2017
Theo đó, bắt đầu từ tháng 04/2017, 05 thông số chất lượng môi trường không khí của TP.HCM gồm: NO2, CO, bụi tổng, bụi PM10 và tiếng ồn; 04 thông số chất lượng môi trường không khí gồm: pH, DO, BOD5, COD sẽ được công bố hàng tháng lên 49 bảng thông tin giao thông điện tử trên địa bàn thành phố. Các thông tin trên sẽ được đăng liên tục trên các khung giờ cao điểm và thấp điểm cho đến khi có kết quả quan trắc của tháng tiếp theo; thời lượng hiể thị 30 giây/ tin.
Ký kết Quy chế phối hợp về cung cấp thông tin kết quả quan trắc môi trường lên bảng thông tin giao thông điện tử |
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Mỗi người dân đều có thể góp phần bảo vệ môi trường bằng những hành động đơn giản và thiết thực. Để làm được điều đó, trước hết mỗi người dân đều phải biết được thực trạng chất lượng môi trường của thành phố như thế nào. Do đó, việc cung cấp thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường đến cộng đồng dân cư một cách nhanh chóng, kịp thời là việc làm hết sức cần thiết. Đây cũng là một trong những giải pháp thực hiện Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 – 2020, 01 trong 07 chương trình đột phá của thành phố.
Ngoài cung cấp thông tin về chất lượng môi trường trên các bảng điện tử thông tin về giao thông, trong thời gian qua, Sở TN&MT đã công khai các chỉ số quan trắc môi trường trên Cổng thông tin của Sở TN&MT. Sắp tới, Sở sẽ nghiên cứu giải pháp cung cấp thông tin các chỉ số môi trường trên hệ thống smartphone cá nhân của người dân nhằm tạo điều kiện cho người dân giám sát chất lượng môi trường thành phố.
Lãnh đạo Sở TN&MT và Sở Giao thông Vận tải nhấn nút khai trương hệ thống cung cấp thông tin các chỉ số quan trắc môi trường |
Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, xác định được tầm quan trọng của công tác quan trắc môi trường, ngay từ đầu những năm 1993, TP.HCM đã đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường, với mục đích theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường của thành phố. Đến nay, mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường của thành phố đã từng bước được mở rộng và phát triển.
“Hiện TP.HCM có khoảng 50 nguồn thải có lưu lượng thải lớn từ 1.000 m3/ngày trở lên. Thành phố có 20 trạm quan trắc không khí, 26 trạm quan trắc nước mặt và 20 trạm quan trắc nước sông. Trong đề án nâng cao chất lượng quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ bố trí thêm các trạm quan trắc ở những vị trí phù hợp để kiểm soát chất lượng môi trường của thành phố. Mới đây, Sở TN&MT đã đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận dự án đầu tư xây dựng 27 trạm quan trắc tự động và 227 trạm quan trắc bán tự động để quan trắc các dữ liệu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và không khí. Việc xây dựng dự kiến thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020 với kinh phí khoảng 495 tỷ đồng” - ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết thêm.
Lãnh đạo Sở TN&MT và Sở Giao thông Vận tải theo dõi những chỉ số môi trường TP.HCM tại thời điểm hiện tại vừa được đưa lên hệ thống bảng điện tử |
Theo nội dung Quy chế phối hợp về cung cấp thông tin kết quả quan trắc môi trường lên bảng thông tin giao thông điện tử, Trung tâm Quan trắc TN&MT có trách nhiệm cung cấp thông tin về kết quả quan trắc môi trường cho Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thuộc trước ngày 25 hàng tháng; chịu trách nhiệm về tính chính xác, đảm bảo thông tin kịp thời. Phối hợp với Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn trong công tác biên tập xây dựng thư viện các mẫu thông tin về kết quả quan trắc môi trường để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để đưa lên bảng thông tin giao thông điện tử.
Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn phối hợp Trung tâm Quan trắc TN&MT đưa thông tin về kết quả quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để đưa lên bảng thông tin giao thông điện tử. Chịu trách nhiệm quản lý, vận hành và đảm hệ thống bảng thông tin giao thông điện tử được vận hành thông suốt, ổn định.
Nguyễn Quỳnh