Miền núi phía Bắc sau 10 năm tập trung xây dựng thôn, bản nông thôn mới
Trong nước - Ngày đăng : 17:39, 03/08/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng BCĐ Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2016 – 2020 chủ trì Hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cho biết: Khu vực miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh, chiếm 28,75% tổng diện tích cả nước với trên 30 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa đặc trưng. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Nhưng đây cũng là khu vực có địa hình tự nhiên phức tạp, chia cắt hiểm trở, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, kinh tế - xã hội chậm phát triển. Sau 9 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương khu vực miền núi phía Bắc vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn các vùng khác.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: Trải qua 9 năm, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn trên cả nước. Tính đến tháng 6/2019, khu vực miền núi phía bắc đã có 603/2.280 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 7 tỉnh/14 tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu xây dựng NTM; 40,3% số xã hoàn thành tiêu chí giao thông; 85% số xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi; 78,6% số xã hoàn thành tiêu chí điện; 43,6% số xã hoàn thành tiêu chí trường học; 69,6% số xã hoàn thành tiêu chí y tế. Sau hơn 9 năm thực hiện, toàn vùng đã xây dựng được khoảng 28.000 – 30.000km đường giao thông nông thôn.
Đặc biệt, kinh tế ngày càng phát triển, phương thức SXNN được đổi mới theo hướng quy mô, hiện đại. Các vùng trồng cây ăn quả đã góp phần tạo ra sản phẩm quả đa dạng, có giá trị kinh tế cao để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Nhiều nơi trở thành “vựa” trái cây như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), cam (Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình), nhãn lồng Sơn La…
Từ đó, Chương mình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng thể hiện vai trò trong việc xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Hiện đã có 10/14 tỉnh phê duyệt đề án, tới năm 2020 với 577 sản phẩm. Đặc biệt, tỉnh Bắc Kạn là tỉnh đầu tiên của cả nước đã thành lập được Hiệp hội OCOP với 93 hội viên tham gia.
Tuy nhiên, nhìn chung kết quả xây dựng NTM còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách so với các vùng, miền của cả nước. Toàn khu vực vẫn còn khoảng 828 xã đạt dưới 10 tiêu chí (chiếm 61,3% của cả nước).
Việc huy động nguồn lực đầu tư tại các tỉnh rất hạn chế do xuất phát điểm thấp, lợi thế ngành nông nghiệp chưa được phát huy, khai thác đúng mức. Thực tế, các địa phương mới quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết: Đến nay tỉnh Hòa Bình đã có 77/191 xã về đích, chiếm 40,3% số xã hoàn thành vượt chỉ tiêu nghị quyết trước 1 năm; Bình quân đạt 15 tiêu chí/xã, tăng 10,6 tiêu chí so với năm 2011, trung bình mỗi năm tăng thêm 1,2 tiêu chí/xã; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 32 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp 4 lần so với năm 2011; Năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn là 31,51%, đến năm 2019 giảm còn 14,28% (Theo chuẩn nghèo đa chiều); thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đề xuất Trung ương cần có cơ chế, chính sách riêng, đặc thù đối với các tỉnh miền núi phía Bắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới. Trong đó cần có cơ chế đủ mạnh để phát triền rừng, để người dân có thể sống được bằng nghề làm rừng; cơ chế phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Cần có một đến hai chính sách cơ bản là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng phát triển.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, vùng miền núi phía Bắc là vùng khó khăn, nhưng những kết quả đạt được rất đáng hoan nghênh. Kết quả này sẽ tạo sự lan tỏa ra nhiều khu vực khác, đặc biệt các thôn, bản vùng sâu, xa.
Phó Thủ tướng khẳng định sự đúng đắn của nội dung trong Nghị quyết 26 về tam nông là: “Tam nông là chiến lược, xây dựng NTM là căn bản, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể”. Từ đó khẳng định những thành quả vượt bậc trong hơn 9 năm xây dựng NTM vùng miền núi phía Bắc. Tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng lưu ý thành quả của vùng vẫn còn thấp so với toàn quốc.
Nói về việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là chương trình có sự phát triển hết sức ngoạn mục. Chỉ sau hơn 1 năm từ khi triển khai, toàn vùng đã xây dựng được 577 sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm nổi tiếng, có chất lượng cao, giá thành hợp lý, được thị trường đón nhận nhiệt tình. “OCOP chính là một trong những động lực mang lại sức sống mới cho chương trình xây dựng NTM”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, từ thực tiễn 10 năm, cần đánh giá lại các cơ chế, chính sách, tồn tại bất cập để tìm cách tháo gỡ vướng. Việc xây dựng NTM là quá trình lâu dài, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, do đó phải thực chất, lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu. Người dân phải là chủ thể của việc xây dựng NTM. Phó Thủ tướng cho rằng kết quả xây dựng NTM chính là thước đo chính xác để đo sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đời sống nhân dân; do đó ngày càng phải chú trọng hơn để kiện toàn lại bộ máy xây dựng NTM các cấp để hoàn thiện, hiệu quả hơn, phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn các tiêu chí xây dựng NTM, vì mục tiêu nâng cao đời sống cư dân nông thôn./.