Thông điệp về một môi trường sư phạm không rác thải nhựa từ bé Nguyệt Linh “không bóng bay”
Trong nước - Ngày đăng : 22:03, 29/07/2019
Dưới đây là nội dung bức thư Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà gửi bé Nguyệt Linh:
“Nguyệt Linh thân mến!
Bác đã đọc bức Thư mong trường học không thả bóng bay vào ngày khai trường của Con qua các phương tiện truyền thông. Bức thư với lời lẽ chân thành nhưng vô vùng ý nghĩa, khiến bác và nhiều người vô cùng xúc động.
Bác cũng biết rằng, việc không thả bóng bay với những ước mơ bay cao, bay xa trong những giờ phút thiêng liêng của ngày khai trường là Con và các bạn đồng trang lứa đã từ bỏ niềm vui nhỏ của tuổi học trò để mở ra ước mơ ý nghĩa hơn. Đó là bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa.
Thầy Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội cũng viết thư gửi lại Con và khẳng định sẽ có một “Lễ khai giảng Nguyệt Linh” không bóng bay tại trường. Như vậy là một hành động nhỏ của Con đã mang lại ý nghĩa lớn và thiết thực cho trái đất. Điều này nếu được nhân rộng ra các trường học khác và các bạn khác cũng có ý thức bảo vệ môi trường giống như Con thì tốt biết bao.
Bác hy vọng rằng, trong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng chung tay để thông điệp về bóng bay, hay rộng lớn hơn là thông điệp về một môi trường sư phạm không rác thải nhựa sẽ tiếp tục được lan toả, bắt đầu từ hành động nhỏ của Con.
Nhân dịp khai giảng năm học mới, bác gửi tặng Con món quà nhỏ, thể hiện tấm lòng của bác. Bác mong những ước mơ của Con sớm trở thành hiện thực và con sẽ cùng bác, cùng thế hệ trẻ đồng hành bảo vệ môi trường, bảo vệ tương lai cho chúng ta.
Thân ái!
Bác Trần Hồng Hà”
Trước đó, cộng đồng mạng lan truyền bức thư với thông điệp bảo vệ môi trường của cô bé Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh lớp 5, trường Marie Curie (Hà Nội): "Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilon tức là nhựa, và khi thả bóng bay các chú chim hay động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói.
Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các sinh vật biển sẽ bị nhầm với sứa. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết", Nguyệt Linh viết.
Đây không phải là lần đầu tiên Nguyệt Linh kêu gọi hành động vì môi trường. Trước đó, em từng tham gia dự thi một chương trình mang tên Green Leader với bài dự thi "Trẻ em nói không với rác thải nhựa".