TP.HCM: Tăng cường xử lý vi phạm về trật tự xây dựng

Trong nước - Ngày đăng : 16:29, 30/07/2019

(TN&MT) - Sáng 30/7, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM”. Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; đại diện các Sở, ban, ngành và UBND 24 quận, huyện.
A 1
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Ngày 25/7/2019, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Đây là Chỉ thị rất quan trọng để các cấp triển khai thực hiện.

Cũng theo ông Võ Văn Hoan, thời gian qua, trật tự xây dựng là vấn đề “nhức nhối” được nhân dân và dư luận rất quan tâm. Nếu giải quyết tốt việc lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, không chỉ góp phần để thành phố phát triển tốt hơn, đẹp hơn, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao hơn theo đúng quy hoạch phát triển mà còn góp phần đảm bảo an ninh, trật tự.

“Nhức nhối” vi phạm trật tự xây dựng

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM: Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Tổng số công trình vi phạm trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 là 6.825 công trình.

Trong đó, tình hình vi phạm trật tự xây dựng  phần lớn là tình trạng xây dựng không phép (chiếm 51,2% trên tổng số công trình vi phạm trên địa bàn thành phố), trong đó đủ điều kiện cấp phép chiếm tỷ lệ 26,5%,  không đủ cấp phép chiếm tỷ lệ 73,5% trên tổng số công trình xây dựng không phép. Qua đó, có thể nhận thấy phần lớn công trình xây dựng không phép thuộc trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép (xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất không được phép xây dựng).

Mặt khác, tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định để phân lô bán nền nhằm xây dựng  nhà ở trên đất nông nghiệp dẫn đến tình hình xây dựng không phép trên một số địa bàn ngoại thành có diễn biến phức tạp, phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không dịch vụ, tiện ích…gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Hiện vẫn còn trường hợp công trình vi phạm trật tự xây dựng chưa được phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu; không kịp thời ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hoặc đã được xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa cưỡng chế tháo dỡ, không có biện pháp ngăn chặn dẫn đến công trình vi phạm hoàn thành và đưa vào sử dụng, gây khó khăn trong xử lý. Việc xử lý không nghiêm đối với các công trình vi phạm đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả  trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Theo ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố do quy định của pháp luật như Luật Xây dựng năm 2014 không quy định các biện pháp ngưng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Điều này gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính. Hiện nay, việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm còn nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến thẩm quyền tổ chức cưỡng chế, kinh phí cưỡng chế, lực lượng thực hiện công tác cưỡng chế.

Đồng thời, do đặc thù của thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với đó, tình hình tăng dân số cơ học cao tại thành phố dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng cao làm phát sinh tình trạng mua, bán đất nông nghiệp, phân lô trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp. Mặt khác, hạn mức chuyển đổi sang đất ở tại các địa phương còn rất ít dẫn đến người dân không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất để xin cấp phép xây dựng.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng chưa cao. Đa số các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính xem nhẹ việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng vi phạm cố tình né tránh, chây ì, không thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính; tránh né, giải trình, khiếu nại vượt cấp…

A2
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tổng kết Hội nghị

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, lãnh đạo nhiều quận, huyện của TP.HCM đã trình bày những tồn tại, nguyên nhân xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, đồng thời cũng kiến nghị nhiều giải pháp để từng bước ngăn chặn tình trạng này.

Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết: Dân số của huyện tăng nhanh so với thời điểm chia tách huyện, trung bình mỗi năm tăng trên 30.000 người. Trong khi đó,  trên 140 dự án phát triển nhà ở chậm triển khai từ năm 2003 đến này đã  hạn chế quỹ nhà ở hợp pháp, đáp ứng đầy đủ hạ tầng cơ sở. Vì vậy, đề xuất, UBND Thành phố cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở riêng lẻ, cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ đối với người dân có nhà, đất hợp pháp tại các khu vực quy hoạch chức năng đất dân cư xây dựng mới khi chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có kế hoạch sử dụng đất.

Còn ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9 thì đề nghị Thành phố cần phải mạnh tay xử lý nghiêm minh ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm xây dựng; đồng thời, xử lý hình sự các đầu nậu cố tình vi phạm về trật tự xây dựng.

Ông Trần Hữu Trí, Bí thư quận 12 cho rằng, việc ngăn chặn các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng rất cần sự chung tay của người dân. Bởi hiện nay, lực lượng thanh tra xây dựng, trật tự đô thị quận, phường... không thể đủ nhân lực để phát hiện tất cả những vi phạm. Vì vậy, cần phải có cơ chế để tranh thủ vai trò của các cấp ủy khu phố, đến từng người dân trong việc theo dõi, phát hiện và thông tin kịp thời các hành vi vi phạm trật tự xây dựng đến các cơ quan chức năng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM một lần nữa nhấn mạnh tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố hiện đang diễn biến ngày càng phức tạp, trong đó trung bình số vụ vi phạm về trật tự xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày, năm 2018 là 6,6 vụ/ngày, năm 2017 là 7,5 vụ/ ngày…

Vì vậy, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: Trong thời gian tới, các Sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng; cần phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu những hành vi vi phạm. Trước mắt, cần làm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tình trạng vi phạm; đồng thời, tổ chức cưỡng chế ngay những công trình vi phạm xây dựng không phép, trái phép.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu: Các cán bộ trong các cơ quan Nhà nước phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong thực thi công vụ, không được vì lợi ích cá nhân mà ngó lơ, bắt tay với các đối tượng bên ngoài để cho phép xây dựng, tồn tại những công trình sai phép, trái phép. Trong thời gian tới, cần sắp xếp lại lực lượng tham gia giám sát, xử lý vi phạm xây dựng để có một lực lượng đủ mạnh, phối hợp các lực lượng để phản ứng kịp thời trước những vi phạm về trật tự xây dựng ngày càng tinh vi của các đối tượng vi phạm.

Đồng thời, sau Hội nghị này, các quận, huyện cũng phải tổ chức những hội nghị chuyên đề, tìm giải pháp để phù hợp với từng địa bàn của quận, huyện mình. Mặt khác, các quận, huyện còn phải chủ động tạm ứng kinh phí để hoàn thành các Quyết định cưỡng chế đã ban hành chưa thực hiện do thiếu kinh phí, điển hình như huyện Bình Chánh còn 111 Quyết định cưỡng chế chưa được thực hiện.

A3
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến

Xử lý hình sự, chưa cho xuất cảnh các đối tượng vi phạm

Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất giải pháp chế tài nhằm nâng cao hiệu lực quản lý về trật tự xây dựng như các giải pháp, biện pháp ngăn chặn các hành vi trật tự xây dựng, như sau:

Không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng; chưa cho xuất cảnh đối với các cá nhân đại diện theo pháp luật của các tổ chức khi đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp TP.HCM cần nghiên cứu các giải pháp cưỡng chế xử lý nhanh đối với công trình sai phép, không đủ điều kiện cấp phép, các giải pháp cưỡng chế, khấu trừ tiền từ các đối tượng vi phạm và xử lý hình sự đối với các vi phạm về trật tự xây dựng.

Đồng thời, Công an TP.HCM cần khẩn trương xác minh, xử lý hình sự các đối tượng vi phạm nhiều lần, mức độ vi phạm nghiêm trọng; đặc biệt là các đối tượng đầu nậu, đầu cơ, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp; tự ý phân lô bán nền để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến quy hoạch chung, mất an ninh trật tự địa bàn dân cư.