Kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7: Đồng đội ơi, đón các Anh về
Trong nước - Ngày đăng : 11:23, 27/07/2019
(TN&MT) - Sau nhiều năm nằm tận nơi trời Nam Phú Quốc, Kiên Giang, xương cốt 17 liệt sĩ của các đơn vị Lữ đoàn 171, 101, 126, Vùng 2, Vùng 4, Vùng 5 Hải quân hi sinh trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam được trở về quê hương đất Mẹ. Cuộc hành trình cuối của 17 người lính xứ Thanh chen lẫn niềm mong đợi là đẫm đầy nước mắt của vợ, con, người thân và những đồng đội cùng màu áo của biển cả đại dương.
Nước mắt cựu binh nhòa rơi trên mộ
Sau chặng đường dài từ thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đến đảo Phú Quốc vào chiều trung tuần tháng bảy. Trời Phú Quốc lộng mùa gió chướng, nghĩa trang Phú Quốc nghi ngút khói hương, đảo Phú Quốc trầm mặc linh thiêng bởi hàng ngàn người Việt khắp mọi miền Tổ quốc đến thắp hương viếng những anh hùng liệt sĩ. Dưới ánh nắng cuối ngày, những ngôi mộ ốp đá trắng ngà xếp hàng thẳng lối như những chiến binh đứng trong hàng ngũ. Dưới tầng đất thiêng này, xương cốt của hàng ngàn chiến sĩ Hải quân Việt Nam vẫn chưa được đưa về quê hương đất mẹ, mà được nhân dân đảo Phú Quốc hương khói chăm sóc 40 năm qua
Lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất thiêng, tất cả đều không kìm được xúc động. Dù cố nén lòng, nhưng những tiếng nấc nghẹn ngào vẫn bật ra từ người nữ cựu binh già; giọt nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt nhăn nhúm của người mẹ liệt sĩ. Cựu binh Hải quân Đại tá Đặng Anh Cự nước mắt lưng tròng, nói: “Ở nghĩa trang Hàng Dương này, có 3.309 ngôi mộ cá nhân và 3 ngôi mộ tập thể, riêng tỉnh Thanh Hóa có 131 mộ. Tất cả các anh đều hi sinh trong chiến tranh biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Cam-pu-chia diệt trừ chế độ Pôn pốt Iêng xa ri-những kẻ gây ra họa diệt chủng cho chính đất nước mình. Các liệt sĩ hi sinh ở đây thuộc các đơn vị Lữ đoàn 101, 126, 171, Vùng 2, Vùng 4, Vùng 5 Hải quân”.
Chuyến “công tác đặc biệt” ra đảo Phú Quốc lần này, mục đích của chúng tôi là đưa 17/131 mộ liệt sĩ chiến sĩ Hải quân quê gốc ở Thanh Hóa về quê hương đất mẹ, đó là 17 liệt sĩ trẻ tuổi từ 18-20 sinh ra ở các huyện miền biển: Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn. Trước khi 17 phần mộ cất bốc di dời, ông Nguyễn Văn Hạnh, thay mặt đoàn cựu chiến binh Hải quân xúc động rưng rưng nói trước anh linh liệt sĩ: “Anh Hải, anh Cát, anh Hồng ơi, vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, các anh ra đi đã mấy chục năm rồi. Chúng tôi trở về mà các anh vẫn ở lại đây. Chúng tôi và bà con quê hương nhớ các anh lắm. Đất nước hòa bình thống nhất từ lâu, nhưng gia đình còn nhiều khó khăn, lại xa xôi cách trở nên mãi đến bây giờ mới có điều kiện vào đây đón các anh về. Hôm nay chúng tôi làm thủ tục để ngày mai xin đưa linh cốt của các anh lên để về với quê hương, với anh em thân tộc, họ hàng nhé”. Lời khấn đồng đội mộc mạc chân thành như đang nói với người còn sống. Ông khóc rồi quì xuống mộ. Giọt nước mắt của người lính biển trở về từ chiến trưởng biên giới Tây Nam năm 1978 rơi trên mộ đồng đội Nguyễn Minh Hải- chiến sĩ pháo thủ cùng tiểu đội với ông. Vượt hơn ngàn cây số từ Thanh Hóa để đưa anh trai về đất liền, chị Nguyễn Thị Lý, em gái của liệt sĩ Nguyễn Minh Hải nghẹn ngào òa khóc trước phần mộ anh mình. “Anh ơi, 40 năm cả nhà trông chờ xương cốt anh về. Nay phần nào đã thủa nguyện”. Tất cả chúng tôi không kìm được nước mắt.
Đưa các anh về đất Mẹ vĩnh hằng
Cũng như bao chiến dịch đánh giặc ngoại xâm trong cuộc chiến trường chinh của dân tộc, nhiều người lính hải quân trước khi tình nguyện sang giúp nước bạn Campuchia đánh quân Polpot, kịp để lại nơi quê nhà cốt nhục nằm trong bụng vợ. Và chẳng ai ngờ chia tay vợ lần đầu cũng là lần cuối.
Anh Nguyễn Viết Trung- con trai của liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân đến từ huyệnNga Sơn, tỉnh Thanh Hóa lặng lẽ lau dọn, sắp đặt mâm lễ bên mộ cha. Anh kể, cha anh nhập ngũ từ khi anh còn trong bụng mẹ. Khi anh sinh ra chẳng biết mặt cha. Sau nhiều năm tìm kiếm, giờ gặp cha là nấm mộ giữa đảo xa. “Em vẫn nghe mẹ nhắc về cha nhiều lần. Gia đình cũng không có ảnh cha. Tấm ảnh thờ bây giờ được vẽ lại. Khi em đi, mẹ em đòi theo, bà khóc cả đêm”, Trung, nói
Trong chuyến đi đưa hài cốt của em trai về đất mẹ, ông Trần Quang Huy, anh trai của liệt sĩ Trần Văn Hòa luôn trăn trở một điều, phải tự tay mình bốc mộ em trai, tự tay mình sờ vào xương cốt người em liệt sĩ. Ông kể, năm 1972 ông nhập ngũ thì 4 năm sau - năm 1976 em trai ông mới 16 tuổi cũng vào bộ đội. “Đợt đó cả xã có 9 người đi, chỉ có một mình chú Hòa hi sinh. Khi đó mới có 19 tuổi, chú Hòa chưa yêu ai cũng chưa một lần về phép thăm gia đình. Năm 2003, tôi đi tìm mộ chú Hòa, được Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa báo địa chỉ phần mộ ở tận Phú Quốc. Tôi đã đưa mẹ tôi vào thăm một lần nhưng ngày ấy Nhà nước chưa có chủ trương cho di dời phần mộ liệt sĩ. Hòa ơi, giờ mẹ đã già yếu lắm rồi, anh thay mặt gia đình vào đây đưa em về với mẹ”, ông Huy khóc vòng hai tay ôm mộ em trai
Đến bên ngôi mộ nằm dưới bóng cây đại râm mát, bác Vũ Xuân Kính ở huyện Quảng Xương reo lên: “Đây rồi! Đây là anh Lữ Trọng Hồng ở cạnh làng tôi”, rồi ông bảo: “Gia đình anh Hồng điều kiện khó khăn lắm nên không vào đây được và cũng chưa tin tưởng là anh còn phần mộ. Tôi sẽ thông báo cho gia đình để đưa anh về”.
Niềm tự hào những người đang sống
Sau khi bốc 17 mộ liệt sĩ, chúng tôi làm thủ tục đưa xương cốt các anh về xứ Thanh- quê hương mà 40 năm trước các anh tạm biệt xóm làng lên đường giết giặc
Chiếc xe đặc chủng chở 17 hài cốt liệt sĩ vượt qua gần 2.000 cây số sau 10 ngày ròng rã về đến Trung tâm hội nghị tỉnh Thanh Hóa. Hàng trăm người dân, các đoàn thể tập trung sẵn sàng đón các anh về. Một bà mẹ ôm di ảnh con trai khóc nghẹn trước cửa ra vào, ông cụ râu tóc bạc phơ ôm chiếc ba lô sờn cũ, người vợ ép tấm ảnh chồng vào ngực mình thổn thức. Buổi đón 17 di cốt liệt sĩ từ Phú Quốc trở về trong niềm xúc động tột cùng.
Hơn 40 năm kể từ ngày liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân hi sinh, những người thân yêu của liệt sĩ vẫn ngày đêm mong mỏi tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Chị Nguyễn Thị Mai, em gái của liệt sĩ Xuân cho biết, nhiều năm qua, gia đình chị đã đi nhiều nơi tìm mộ em mình nhưng vô vọng. Giờ tìm được mộ em rồi đưa về an táng tại quê nhà, gia đình mừng vui khôn xiết. “Cuộc chiến đấu nào cũng có hi sinh. Các anh đã làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc. Gia đình tôi luôn tự hào về anh Xuân và các liệt sĩ cùng quê hương”, chị Mai, nói
Cựu binh hải quân Đại tá Đặng Anh Cự chia sẻ: “Mỗi chiến sĩ hải quân hi sinh là một mất mát lớn của mỗi gia đình, song chúng tôi cũng rất tự hào vì sự hi sinh cao cả của các liệt sĩ. Các liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã dệt nên bản hùng ca trên biển, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng polpot Iengxary, đó không chỉ vượt qua tinh thần hi sinh vượt qua tình quốc tế cao cả, mà còn là tình nhân loại toàn cầu”