Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phát huy lợi thế của từng địa phương để đưa cả vùng phát triển

Trong nước - Ngày đăng : 18:30, 24/07/2019

(TN&MT) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội với 9 tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và TP. Hà Nội vào ngày 24/7.
TTg Ketluan1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại buổi làm việc

Sau những ý kiến phát biểu khai mạc và gợi ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho các địa phương để  đề xuất, góp ý phương hướng, nhiệm vụ, cách làm mới nhằm đưa ra phương hướng phát triển đất nước 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến 2045, bà Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Yên Bái đã phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển, xác định rõ động lực, muc tiêu để phát triển, tập trung vào 3 đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. 

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà đề xuất Tiểu ban và Chính phủ quan tâm giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, nhất là quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng trong cả nước; quan tâm việc sắp xếp, bố trí dân cư một cách hợp lý để thuận lợi hơn trong việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng "điện, đường, trường, trạm". Cùng với đó, quan tâm đến công tác phòng chống, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra. 

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, các tỉnh trong vùng còn nhiều dư địa để phát triển theo hướng phát triển bền vững nên đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các tỉnh để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển nhanh và bền vững, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

BThu YenBai PhamThanhTra
Bà Phạm Thị Thanh Trà – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái phát biểu tại cuộc làm việc 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Lãnh đạo một số địa phương phản ánh tình hình hệ thống hạ tầng còn yếu kém, thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao. 

Vừa vươn lên đứng thứ 2 cả nước về diện tích cây ăn quả với 70.000 ha, lãnh đạo tỉnh Sơn La mong muốn Trung ương giúp tỉnh quy hoạch diện tích loại cây ăn quả đến mức nào trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường cũng như hỗ trợ việc xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, dự án được xem là tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Nhìn nhận việc phân cấp, phân quyền cho địa phương là không đơn giản, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cho biết, đây là một điểm nghẽn trong huy động nguồn lực. Tỉnh kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không sử dụng ngân sách. 

Theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, cần có “nhạc trưởng” dẫn dắt kết nối vùng, trong đó có kết nối du lịch, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi và cần quan tâm đầu tư hạ tầng khi mà “quốc lộ 4D nối Lai Châu với Lào Cai có năm sạt lở tới 60 lần”. 

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa góp ý, ổn định dân cư, nhất là định cư, sắp xếp lại dân cư là then chốt đối với các tỉnh miền núi vì dân cư phân tán thì đầu tư đường, trường, nước sạch, các dịch vụ rất khó khăn, tốn kém. Có tuyến đường đến vài chục hộ dân phải đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Lanh đạo tỉnh Nghệ An nhất trí cho rằng, cần quan tâm đầu tư hạ tầng để hình thành cực tăng trưởng; có chính sách tổng thể về thu hút đầu tư để tránh sự cạnh tranh không cần thiết giữa các địa phương khi mà tỉnh nào cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. 

Lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp Hà Nội đã đầu tư vào 12 tỉnh dự Hội nghị hôm nay tới 130.000 tỷ đồng trong thời gian qua. Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu tổ chức phân vùng phát triển để trước hết tổ chức lập quy hoạch vùng làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố triển khai lập quy hoạch cấp tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2030. Trước mắt, cần tập trung liên kết giữa các địa phương trên 2 lĩnh vực chủ yếu: Liên kết trong công tác lập quy hoạch phát triển và liên kết trong thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ với khó khăn của các tỉnh Tây Bắc, lãnh đạo các Bộ, ngành cho rằng, thách thức lớn với vùng là địa hình núi cao, chia cắt nên suất đầu tư hạ tầng lớn. Kết nối giao thông các tỉnh thực sự khó khăn, kém hơn các vùng khác. Giao thông cần đi trước một bước, giao thông phát triển tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên trong vùng dễ bị ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu như bão, lũ, trượt lở… việc dân cư sống phân tán như hiện lại thì không có nguồn lực nào đủ để đầu tư cho hạ tầng điện, đường, vừa vừa không đảm bảo công tác an toàn nên sắp xếp lại dân cư là rất cần thiết. Ngoài ra, cũng cần quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo; phân bổ nguồn lực đất đai để tập trung phát triển kinh tế - xã hội…

BT Phat bieu
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà các tỉnh trong vùng trung du, miền núi phía Bắc đạt được trong thời gian qua, nhất là việc thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; môi trường kinh doanh cải thiện hơn trước, thu hút được nhiều doanh nghiệp; kinh tế - xã hội phát triển ổn định, nhiều địa phương chuyển dịch cơ cấu rất mạnh mẽ, tạo được niềm tin trong nhân dân. 

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của các tỉnh trong vùng. Khẳng định vai trò quan trọng của vùng trung du, miền núi phía Bắc và hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ an ninh biên giới, là lá phổi xanh của cả nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển bền vững. Vùng trung du, miền núi phía Bắc còn thúc đẩy xuất nhập khẩu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và là thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa cho thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận. 

Về phương hướng phát triển, Thủ tướng gợi ý, phát triển bền vững, phát triển xanh, một phương hướng rất quan trọng là khắc phục tồn tại trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, nhất là chính sách, phát triển để ổn định, phát triển với không gian rộng lớn hơn, không chỉ Hà Nội, mà còn giao thương quốc tế quốc tế.

“Tiểu ban lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đồng chí, nghiên cứu các mô hình phát triển của các địa phương để hình thành thể chế, định hướng phát triển”, Thủ tướng nói. “Ở đâu cũng có lợi thế, cần nghiên cứu, khai thác, phát huy. Vừa rồi có tỉnh rất khó khăn nhưng đã biết phát huy lợi thế”. Thời gian qua, các tỉnh đều tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra, ổn định chính trị-xã hội và “không có vùng nào giữ gìn văn hóa tốt như vùng chúng ta”.

Tìm cách khai thác tối đa các lợi thế so sánh của mỗi địa phương một cách năng động, sáng tạo, biến khó khăn thách thức thành cơ hội, biến những điểm yếu thành lợi thế phát triển.

BT Phatbieu
Quang cảnh buổi làm việc ngày 24/7

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo vùng cần tập trung phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, điều tiết nước và sinh hoạt cho vùng đồng bằng sông Hồng… là những phương hướng cần tiếp tục, chú trọng phát huy lợi thế phát triển kinh tế cửa khẩu. Tập trung bố trí nguồn lực cho đầu tư các kè sông, kè suối biên giới. Khuyến khích, kêu gọi một số dự án đầu tư trong và ngoài nước có quy mô lớn, tạo những cú huých, tác động lan tỏa. Áp dụng nhanh những tiến bộ khoa học-công nghệ...

Đối với các kiến nghị về hạ tầng, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ tập hợp, tổ chức họp Thường trực Chính phủ để xử lý sớm như các kiến nghị liên quan đến đầu tư sân bay Điện Biên, tuyến cao tốc Lạng Sơn-Cao Bằng, tuyến đường Hòa Bình-Mộc Châu…