Bộ TN&MT: Gỡ các rào cản hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2019
Trong nước - Ngày đăng : 10:39, 11/07/2019
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT để kết nối
Để thực hiện thành công mục tiêu năm 2019 là năm bứt phá về mọi mặt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, lãnh đạo Bộ cùng Thủ trưởng các đơn vị đặt quyết tâm cao với tinh thần quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, phát huy hơn nữa tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, chủ động linh hoạt thích ứng với tình hình để hoàn thành toàn diện kế hoạch 2019.
Bộ trưởng đề nghị Lãnh đạo các đơn vị tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong công tác điều hành; dự báo, phản ứng chính sách kịp thời để vượt qua khó khăn, thách thức tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên, chủ động trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài các đề án, nhiệm vụ đã nêu trong báo cáo Bộ trưởng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện chính sách pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc, tạo đột phá về thể chế để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững.
Thứ hai, tập trung triển khai 36 đề án theo Nghị quyết Chính phủ và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo triển khai nâng cao chỉ số Đăng ký tài sản, chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Đẩy mạnh thực chất việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, kết nối với cổng Dịch vụ công quốc gia; Hệ thống Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT kết nối, chia sẻ với dữ liệu của các địa phương, Bộ, ngành.
Thứ ba, triển khai kế hoạch thanh tra, tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, việc sử dụng đất của các nông, lâm trường, việc khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước, thanh tra chuyên đề xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, việc chấp hành pháp luật khí tượng thủy văn. Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra đưa công tác thanh tra đi vào chiều sâu, giải quyết dứt điểm từng vụ việc.
Thứ tư, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ nhất là trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết thủ tục hành chính, quản lý, sử dụng ngân sách; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ vi phạm kỷ luật, chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị nếu để xảy ra tình trạng cán bộ vi phạm các quy định của pháp luật, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ.
Thứ năm, tăng cường kỷ luật ngân sách, thủ trưởng các đơn vị phải chỉ đạo sử dụng sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đầu tư công, sử dụng tài sản công, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách, tiết kiệm trong tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài.
Thứ sáu, tiếp tục hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế; thúc đẩy, mở rộng các diễn đàn đối thoại, tham vấn chính sách nhất là trong sửa đổi Luật Đất đai và Luật BVMT. Vụ Hợp tác quốc tế tập trung rà soát các hiệp định, cam kết mà Việt Nam đã tham gia để đề xuất thể chế hóa tận dụng các lợi thế của hội nhập trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ bảy, tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông, mô hình truyền thông về TN&MT nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thay đổi thói quen tiêu dùng, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Phát huy hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển
Đối với từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành, Bộ trưởng đề nghị, các đơn vị cần tập trung phát huy năng lực quản lý Nhà nước, sử dụng bền vững, phát huy hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển.
Theo đó, Tổng cục Quản lý đất đai tập trung sửa đổi Luật Đất đai hoàn thiện các công cụ kinh tế, tài chính, đổi mới phương pháp định giá đất để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, phòng chống thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Tổng cục Môi trường tiếp tục quán triệt tinh thần của Thủ tướng là không chỉ lo kinh tế, tăng trưởng mà phải lo cả bảo vệ môi trường. Theo đó, tập trung hoàn thiện trong năm 2019 các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế; chuẩn bị tổ chức tốt Hội nghị toàn quốc về quản lý chất thải rắn. Giám sát chặt chẽ công tác BVMT đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tăng cường BVMT các lưu vực sông.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác cát, sỏi, lòng sông. Đẩy mạnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xác định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển kinh tế biển; xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án kiện toàn cơ quan điều phối liên ngành chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, Đề án tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách Biển Việt Nam - Nhật Bản, tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tổng hợp và điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, hải đảo đến năm 2030; xây dựng Trung tâm Quốc tế về Rác thải nhựa đại dương.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn tăng cường hiện đại hóa, đổi mới công tác dự báo theo nhu cầu của xã hội. Theo dõi chặt chẽ và dự báo kịp thời, sát diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn cho các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai.
Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước nghiên cứu đề xuất các vấn đề chiến lược, tổng thể về quản lý, sử dụng tài nguyên nước quốc gia, quản lý theo lưu vực, chia sẻ nguồn nước xuyên quốc gia; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước bằng công nghệ tự động trực tuyến; giám sát việc vận hành của các hồ chứa theo quy trình liên hồ và việc xả dòng chảy tối thiểu. Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước dưới đất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Cục Biến đổi khí hậu chủ trì phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu nghiên cứu các giải pháp tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu, làm tốt vai trò cơ quan điều phối triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP. Tập trung xây dựng Trung tâm Dữ liệu cho vùng ĐBSCL kết nối liên vùng và tiểu vùng Mê Công; thực hiện một số dự án cấp bách về phòng chống sạt lở đê sông, đê biển và tạo sinh kế bền vững; triển khai chương trình đánh giá liên ngành để có giải pháp tổng thể công trình và phi công trình phòng chống sạt lở đê sông, đê biển.
Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ đến năm 2030, định hướng phát triển đến năm 2040. Xây dựng dữ liệu thông tin địa lý (GIS), phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI) tích hợp các quy hoạch; vận hành thử nghiệm Cổng Thông tin không gian địa lý Việt Nam. Hiện đại hóa hệ tọa độ quốc gia, hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính; cập nhật, bổ sung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình cho các khu vực trên cả nước.
Cục Viễn thám quốc gia, triển khai ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám trong công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, quản lý, giám sát nguồn nước xuyên biên giới, môi trường, diễn biến sạt lở, biến động diện tích đất rừng... Xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia; sử dụng công nghệ Viễn thám và GIS xây dựng cơ sở dữ liệu thành lập bản đồ diễn biến vùng ô nhiễm, vùng nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị nhằm đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ ô nhiễm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; giám sát xói lở bờ biển tại một số khu vực trọng điểm miền Trung bằng công nghệ viễn thám.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khối lượng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất lớn và khó khăn, quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Bộ TN&MT là kiên quyết không lùi bước, do đó, đề nghị lãnh đạo đơn vị quán triệt tinh thần này tới từng cán bộ, đảng viên. Chủ động, linh hoạt đối phó với tình hình, hoàn thành kế hoạch của từng đơn vị, tận dụng tốt các cơ hội, hóa giải kịp thời các rào cản, điểm nghẽn, thách thức để cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu của năm 2019 và các năm tiếp theo.