Thanh Hóa - Nghệ An: Công điện khẩn ứng phó với bão số 2
Trong nước - Ngày đăng : 21:43, 03/07/2019
Tại Thanh Hóa: Ngày 3/7/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Công điện khẩn số 08/CĐ-UBND yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị, các sở, ngành các tỉnh, các Công ty khai thác thủy lợi, Điện lực..Theo dõi diễn biến chặt chẽ của bão, mưa lũ, thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó có hiệu quả
Tổ chức kiểm đếm các phương tiện tàu thuyền ra khơi, giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão. Kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh, trú bão tại các bến tàu, bến cảng. Kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm ven sông, suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quyét, sạt lở đất…
Tính đến 17h ngày 3/7/2019, toàn tỉnh có 7.289 phương tiện 100% phương tiện và lao động trên biển vào nơi neo đậu an toàn. Trong đó, đang neo đậu tại các bến của tỉnh Thanh Hóa là 6.777 phương tiện, đang neo đậu tại các bến tỉnh ngoài là 512 phương tiện.
Tại Nghệ An: Từ sáng 03/7, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Thị xã Hoàng Mai đã cập cảng cá Quỳnh Phương, Quỳnh Lập để tránh, trú bão số 2. Tại phường Quỳnh Phương hiện phường có hơn 600 tàu đánh cá, chính quyền địa phương đang phối hợp với Đồn Biên phòng Quỳnh Phương kêu gọi tàu thuyền khẩn trương về cảng tránh, trú bão. Còn tại xã Quỳnh Lập có gần 500 tàu đánh cá, hiện đang triển khai các biện pháp kêu gọi tàu thuyền khẩn trương về cảng neo đậu tránh, trú bão an toàn.
Tại huyện Quỳnh Lưu, sau khi có công điện của UBND tỉnh, UBND huyện phối hợp với Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận triển khai công tác kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Đến sáng 3/7 đã có 241 tàu cá của xã Sơn Hải vào bờ neo đậu an toàn, phía chủ tàu kiểm tra các thiết bị điện nhằm đảm bảo an toàn trên tàu.
Được biết, Quỳnh Lưu là huyện có phương tiện tàu thuyền lớn với gần 1.200 chiếc, trong đó có hơn 700 tàu đánh bắt xa bờ. Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu, tính đến 10 giờ trưa 03/7, khoảng 80% tàu thuyền của ngư dân Quỳnh Lưu đã về bờ tránh, trú an toàn; trong đó có 44 tàu đang neo đậu ở Quảng Bình, 2 chiếc ở Quảng Trị, 1 chiếc ở Đà Nẵng, 15 chiếc ở Huế và 2 chiếc ở Bình Định.
Tại huyện Diễn Châu có 100% tàu thuyền của ngư dân đã về tránh, trú bão. Theo đó, từ chiều 02/7, chính quyền xã Diễn Bích đã ra thông báo tới 25 tổ nghề cá và nghiệp đoàn nghề cá kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn. Vào sáng 03/7, đã có 147/237 tàu có công suất từ 90 CV - 820 CV cập bến neo đậu an toàn tại các khu tránh, trú bão trên sông Bùng. Tại xã Diễn Ngọc có tổng số 447 tàu thuyền, trong đó có 106 tàu công suất từ 90 CV - 820 CV cũng đã vào nơi trú an toàn neo đậu tại 5 vị trí trên sông Bùng và sông Đào.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có khoảng trên 4.000 phương tiện đánh bắt thủy, hải sản, trong đó có gần 1.500 tàu có công suất máy từ 90 CV đến trên 1.000 CV; hiện, tất cả các phương tiện đều đã nhận được thông tin về bão số 2 và hầu hết đã vào neo đậu tại nơi tránh, trú bão an toàn.
Theo dự báo, bão số 2 sẽ tiến vào khu vực vịnh Bắc Bộ từ đêm 03/7. Ngay sau đó, bão số 2 tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc và có khả năng mạnh lên với sức gió mạnh cấp 8. Đến khoảng 4h ngày 4/7, bão đổ bộ vào khu vực đất liền thuộc các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Lúc này, sức gió được dự báo mạnh cấp 8, giật cấp 11. Ngay sau khi di chuyển vào khu vực đất liền, bão sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục suy yếu thành áp thấp khi di chuyển lên vùng núi và trung du Bắc Bộ. Khi tiến sâu vào đất liền, bão ảnh hưởng mạnh nhất đến khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.