Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2019: Chính phủ ưu tiên để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững
Trong nước - Ngày đăng : 11:32, 26/06/2019
Thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp và phát triển DN
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thông qua nhiều kênh đối thoại, trong đó Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam là một diễn đàn quan trọng đã gặt hái được nhiều thành công. Tại đây, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề đặt ra của nền kinh tế, sản xuất, kinh doanh, phát triển và kết nối doanh nghiệp; những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp cần Chính phủ giải quyết kịp thời để cùng nhau xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, xây dựng và củng cố niềm tin, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, qua 6 tháng đầu năm 2019 đã cho thấy bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, khó khăn, thách thức đan xen; kinh tế thương mại có nhiều dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gia tăng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; thị trường tài chính tiền tệ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro; biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt;
Nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nội tại chưa thể giải quyết trong ngắn hạn; chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững; năng suất lao động, khả năng cạnh tranh còn thấp; khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia các Hiệp định thương mại thế hệ mới đang là áp lực lớn với các yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam.
Để khắc phục những tồn tại đó, Chính phủ Việt Nam kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng chính phủ điện tử, thực hiện nghiêm, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; đơn giản hóa và cắt giảm các thủ tục hành chính, thực chất là tạo điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí và thời gian của người dân và doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, quan tâm đến nhiều khía cạnh vấn đề của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc. Tuy nhiên, những nỗ lực đến từ một phía là chưa chủ, cần có sự chủ động, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng doanh nghiệp trong các hành động, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong đầu tư, kinh doanh của Chính phủ. Điểm nhấn nổi bật nhất của các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ là tập trung đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo với phương châm xuyên suốt, coi doanh nghiệp là trung tâm của kiến tạo chính sách.
“Những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp tại diễn đàn sẽ đóng góp tích cực cho Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và sớm phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN... Năm nay, Diễn đàn chuyển sang một trạng thái mới cao hơn là vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Phát triển nhanh gắn với bền vững
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ rõ, diễn đàn quan tâm đến việc làm thế nào để tăng trưởng vừa nhanh vừa bền vững.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang đứng trước những khó khăn thách thức cần tiếp tục phải đối mặt và giải quyết, phát triển nhanh, bền vững là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Chính phủ ưu tiên phát triển nhanh tránh tụt hậu, giảm khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đang phát triển trong khu vực và thế giới. Đồng thời, phát triển bền vững là điều kiện đủ để đảm bảo cho nước ta phát triển trong những năm tới.
“Phát triển bền vững trước hết là giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, thực hiện các mục tiêu vì con người, tiến bộ và công bằng xã hội. Song song với đó, phải đảm bảo việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ; phát triển bền vững công nghiệp với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm thân thiện môi trường, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm công nghiệp, xây dựng nền công nghiệp xanh, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ, sản phẩm thân thiện môi trường; đẩy mạnh sản phẩm công nghệ cao tại đô thị; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên... đồng thời, giảm thiểu phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phân tích.
Để thực hiện những mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai những giải pháp lớn. Trước hết, giữ vững môi trường vĩ mô ổn định, môi trường chính trị xã hội; đây là nhân tố quyết định để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và phát triển bền vững. Tiếp đến, tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý; trong đó chú trọng tái cơ cấu lại đầu tư, doanh nghiệp, hệ thống tài chính ngân hàng, ngành nghề lĩnh vực... gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, phát triển các đô thị thông minh, đô thị xanh, thân thiện môi trường.
Chính phủ cũng ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ: giao thông, y tế, giáo dục, đô thị... để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; đặc biệt chú trọng giáo dục đào tạo - quốc sách hàng đầu để nâng cao nguồn nhân lực, nhân tố quyết định cho sự phát triển. Tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch hơn, cạnh tranh, thông thoáng hơn để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Tập trung phát triển hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm tăng cường nghiên cứu để tiếp tục đổi mới các chương trình trọng điểm. Cuối cùng, Việt Nam tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực và thế giới, tích cực hội nhập.