Quốc hội nghe và thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị
Trong nước - Ngày đăng : 18:12, 27/05/2019
Hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai ban hành khá đầy đủ
Mở đầu ngày làm việc, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo trong đó nêu rõ: Qua giám sát, Đoàn giám sát ghi nhận trách nhiệm cao của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong giai đoạn qua và khẳng định việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị được ban hành khá đầy đủ, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, tinh thần Hiến pháp 2013, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, các thông lệ quốc tế, hình thành cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy khơi thông nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp đang đầu tư phát triển các khu đô thị.
Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai đô thị từng bước đi vào nề nếp. Quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất đã góp phần định hình sự phát triển các đô thị. Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đã được các địa phương thực hiện khá tốt.
Chính sách tài chính về đất đai đã đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Các đô thị phát triển nhanh, diện mạo đô thị thay đổi rõ rệt ngày càng hiện đại, hình thành không gian sống tốt hơn cho người dân. Cơ sở hạ tầng cơ bản được bảo đảm, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển sôi động, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ với chính sách phát triển đô thị. Bên cạnh các khu đô thị mới văn minh, hiện đại, các đô thị đã quan tâm bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Báo cáo thêm một số mội dung mà các Đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Hệ thống pháp luật liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng được tập trung xây dựng và hoạt thiện (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản…, cùng với đó là các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật) là nhân tố quyết định tạo lập môi trường pháp lý để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển đô thị nói riêng và cũng là công cụ để kiểm soát quá trình phát triển, bảo đảm đảm hiệu quả và bền vững”.
Công tác quy hoạch liên quan đến sử dụng đất tại đô thị được đẩy mạnh. Công tác đầu tư xây dựng phát triển đô thị đạt được nhiều kết quả quan trọng, từ đó, đã thúc đẩy sự phát triển hệ thống đô thị của cả nước. Cả nước hiện có 828 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, đạt 38% năm 2018, bình quân trên 1%/năm, riêng TP. Hà Nội, TP.HCM đạt trên 3%/năm.
Cùng với đó, hạ tầng đô thị được đầu tư từng bước đồng bộ. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, với sự xuất hiện nhiều khu đô thị mới, nhiều khu nhà ở có chất lượng, nhiều công trình tầm vóc khu vực và quốc tế.
Với những kết quả đó, đô thị đã khẳng định là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế đô thị chiếm 70 - 80% tổng quy mô nền kinh tế. Riêng TP.HCM và TP. Hà Nội, GRDP năm 2018 đạt 2,4 triệu tỷ, chiếm 40% GDP cả nước.
Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhìn nhận, Luật Đất đai 2013 đã có những tiến bộ vượt bậc, nhiều địa phương đang thực hiện tốt và hiệu quả. Tuy vậy, cũng có những địa phương thực hiện không tốt. Vì vậy, cần xem xét nguyên nhân cốt lõi để có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.
Đề xuất kiến nghị cụ thể với cơ quan hữu quan
Bên cạnh những mặt đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nêu một số tồn tại hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể như: Chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai; Việc xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm; Ở một số đô thị, công tác quản lý thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới việc triển khai vượt quá các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, gây lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội; quy hoạch đô thị chưa đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội và cảnh quan môi trường, thiếu tính kết nối giữa các đô thị đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và nhu cầu của người dân đô thị; còn có tình trạng xây dựng không tuân thủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc…
Về đề xuất, kiến nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị trên cơ sở kết quả giám sát. Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, định hướng Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013.
Tăng cường giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đối với công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai góp phần phát hiện, kiến nghị, xử lý các tồn tại, vi phạm pháp luật về đất đai tại đô thị. Giao Kiểm toán Nhà nước xây dựng chương trình kiểm toán hàng năm, tăng cường bố trí kế hoạch kiểm toán các nội dung có liên quan đến hoạt động quy hoạch, quản lý và sử đụng đất đai đô thị.
Đối với Chính phủ, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý cụ thể và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020). Khẩn trương tiến hành tổng kết và báo cáo việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Đất đai và các luật liên quan còn vướng mắc, bất cập.
Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ nghiêm cấm người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài. Đẩy nhanh việc ban hành Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Xây dựng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp quốc gia trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2021). Trình cấp có thẩm quyền giải quyết vấn đề chưa thống nhất liên quan đến địa giới hành chính liên quan đến một số địa phương.
Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung thống nhất mang tính tích hợp. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính kinh tế đất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai. Nghiên cứu hình thành cơ quan tham mưu xây dựng giá đất và cơ quan thẩm định giá đất là hai cơ quan độc lập, mở rộng thành phần thẩm định giá đất theo hướng có sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân các cấp.
Tiếp tục thực hiện lộ trình di dời các trụ sở các bộ ngành, cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài trung tâm các đô thị. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp trong cổ phần hóa phải tuân thủ quy định pháp luật về đất đai. Doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải bảo đảm thực hiện phương án sử đụng đất được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Chỉ đạo các địa phương kiên quyết không cấp phép xây dựng công trình nhà ở cao tầng tại trung tâm các đô thị khi chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội của khu vực dự án theo quy hoạch được phê duyệt. Đối với đất sử dụng cho dự án du lịch, tâm linh, cần rà soát có quy hoạch cụ thể, tính toán giao quỹ đất phù hợp trên nguyên tắc tiết kiệm, tránh lãng phí tài nguyên đất; đồng thời bảo đảm hiệu quả kinh tế.
Báo cáo của Đoàn giám sát cũng đề xuất kiến nghị cụ thể với các Bộ ngành, địa phương trong hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị. Trong đó nhấn mạnh tăng cường quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm các khu đô thị được xây dựng đồng bộ, đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, có cơ chế phân bổ đất đai đô thị trong quy hoạch nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở, đất sử dụng vào mục đích công cộng. Quản lý giám sát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo không tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số, không giảm diện tích đất công cộng, cây xanh, không gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…
Tại phiên thảo luận, có 32 đại biểu tham gia phát biểu và 01 đại biểu tham gia tranh luận. Theo đó, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao và tán thành với báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và ghi nhận, đánh giá cao công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu của đại biểu đã tập trung vào những vấn đề cụ thể như sau: về những hạn chế, bất cập của chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai; về việc kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy, thực hiện công tác quản lý đất đai; về sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành; việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT; việc xác định giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi; về việc rà soát các dự án treo, quy hoạch treo; về đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai; việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; về những vướng mắc khi thực hiện các quy định của pháp luật về giải phóng mặt bằng; về trình tự, thủ tục viêc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất; về xây dựng dữ liệu quản lý đất đai toàn quốc; vấn đề sử dụng đất nông nghiệp trước và sau cổ phần hóa; về đấu giá quyền sử dụng đất…
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là một chuyên đề giám sát rất quan trọng của Quốc hội, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Phiên thảo luận đã diễn ra trong không khí sôi nổi, sâu sắc, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Quốc hội ghi nhận những cố gắng của Đoàn giám sát và sự phối hợp tích cực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện giám sát chuyên đề.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, qua thảo luận các ý kiến đại biểu cho rằng đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước; việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, quản lý đất đai đô thị, hạn chế thất thoát, lãng phí; việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại các địa phương dần đi vào nề nếp; việc tuân thủ quy hoạch đô thị và chấp hành pháp luật về đất đai đã có những chuyển biến đáng ghi nhận; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất đai được chú trọng; viêc giải quyết khiếu nại, tố cáo được cấp chính quyền quan tâm; các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp đã được tập trung chỉ đạo xử lý, giảm dần qua từng năm; hệ thống đô thị khang trang, hiện đại được hình thành tạo ra không gian sống tốt hơn cho người dân…
Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Đoàn giám sát nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, cụ thể: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị; bổ sung thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội về những hạn chế, yếu kém trong việc quy hoạch, giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; các phương pháp xác định giá đất cần sát với thị trường; quy định rõ việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT; vấn đề quản lý, sử dụng đất còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình, nhà ở trái phép, sử dụng đất sai mục đích; việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết tranh chấp đất đai; trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu và vấn đề phân công, phân cấp quản lý giữa Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Trên cơ sở đó, Quốc hội tiếp tục đề nghị Đoàn giám sát, các cơ quan liên quan của Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi có Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” để trình Quốc hội xem xét, thông qua...