Thừa Thiên Huế tổ chức lễ viếng Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh
Trong nước - Ngày đăng : 16:48, 03/05/2019
Cùng thời điểm tại Thủ đô Hà Nội và TP. HCM, tại quê nhà tỉnh Thừa Thiên Huế, Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh được tổ chức trang trọng từ 7h đến 11h ngày 3/5 tại Hội trường trụ sở HĐND - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, địa chỉ số 16 Lê Lợi, TP. Huế.
Ban Chỉ đạo lễ viếng, lễ truy điệu của tỉnh Thừa Thiên Huế gồm có 18 thành viên. Trong đó, ông Lê Trường Lưu - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo.
Rất nhiều cơ quan tại tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận đăng ký, cử đoàn viếng nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh. Cùng với đó, nhiều tổ chức tôn giáo, tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh cũng đăng ký và cử đoàn đến viếng đại tướng. Đặc biệt, Tổng lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng cũng cử đoàn đến viếng...
“Hôm nay cả nước đau buồn tiễn đưa Bác. Bác ra đi là một tổn thất to lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân ta, trong đó có Nhân dân Thừa Thiên Huế. Chúng cháu tự hào có Bác, người tướng lĩnh tài ba của dân tộc, người con trung hiếu của Đảng, của quê hương. Vĩnh biệt Bác với niềm thương tiếc vô hạn”- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ xúc động khi viết những dòng cảm tưởng tại sổ tang Đại tướng.
Ngoài ra, nhiều dòng cảm tưởng đã được ghi lại trong sổ tang, thể hiện tình cảm, tấm lòng của người dân Huế khi đến viếng Đại tướng. Lễ truy điệu tổ chức lúc 11h cùng ngày tại trụ sở UBND tỉnh.
Trong khi đó, tại thôn Bàn Môn, xã Lộc An (huyện Phú Lộc) là nơi mà Đại tướng Lê Đức Anh đã sinh ra cũng đã diễn ra lễ viếng.
Ghi nhận của PV thì ngay từ sáng sớm tinh mơ, nhiều người thân, họ tộc, hàng xóm, láng giềng và chính quyền đã tìm đến căn nhà bên dòng sông Truồi- nơi mà Đại tướng lớn lên để thắp nén nhang tiếc thương vị tướng tài ba, người con ưu tú của quê hương Phú Lộc. Bàn thờ của Đại tướng được đặt gần với bàn thờ của ông bà, tổ tiên.
Bà Lê Thị Xoan- em gái ruột Đại tướng Lê Đức Anh bùi ngùi nhớ lại, anh tôi là người hết mực yêu thương, chăm lo cho người thân. Trước ngày vào Nam hoạt động Cách mạng, anh tôi đi dạy học, mỗi lần về nhà là cõng tôi lên vai và đi chơi khắp xóm. Mãi sau ngày giải phóng anh mới về thăm nhà, khi đó, tính cách anh vẫn không thay đổi, luôn ân cần, gần gũi với mọi người. Giờ này, anh tôi đã ra đi, để lại những tiếc thương vô hạn và là niềm tự hào cho gia đình, người thân...
“Từ nhỏ Đại tướng rất thích những món dân dã, đặc biệt là món chao Huế. Sau này vẫn rất thích, nên cứ định kỳ tôi làm rồi gửi ra cho anh. Mãi đến khi mắt không còn thấy nữa tôi mới ngừng công việc này. Người dân trong Nam thường gửi mắm cá lóc ra cho ông, dù cao huyết áp nhưng ông vẫn thích ăn. Ngoài ra, ông cũng rất thích món thịt heo, thịt bò ướp theo cách người Huế để nướng”- bà Xoan chia sẻ trong nước mắt.
Vợ chồng ông bà Trần Đình Hàng và Hồ Thị Tám (ngoài 80 tuổi) - người xứ Truồi (xã Lộc An) chia sẻ, từ khi đất nước được giải phóng, Đại tướng đã nhiều lần về thăm quê nhà và bà con hàng xóm.
“Lần nào cũng vậy, trong ánh mắt và tình cảm của những người dân xứ Truồi, Đại tướng là người gần gũi, dễ mến và hay chuyện trò, quan tâm hỏi thăm về cuộc sống và công việc của bà con nơi quê hương bản quán. Sự giản dị của Đại tướng qua những lần về thăm quê, những lần trò chuyện mộc mạc với bà con xóm làng khiến nhiều người không thể nào quên”- bà Tám nói.
Thầy giáo Lê Đức Chính - Hiệu trưởng Trường THCS Lộc An chia sẻ, trong các buổi lễ, các buổi ngoại khóa, nhà trường luôn lồng ghép tìm hiểu về lịch sử Lộc An anh hùng, trong đó, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh. Thông qua đó giúp các em học sinh học tập, biết được Đại tướng, giúp các em hiểu rõ truyền thống Cách mạng quê hương, đặc biệt truyền thống đinh làng Bàn Môn, nơi chi bộ đầu tiên Đảng Cộng sản Thừa Thiên Huế thành lập.
Trong căn nhà ở quê , nhiều người đến viếng đã xúc động khi xem lại những hình ảnh tư liệu về cuộc đời hoạt động của Đại tướng Lê Đức Anh được treo trang trọng. Đến trưa, đoàn người đến viếng vẫn rất nhiều tại huyện Phú Lộc.
Một số hình ảnh lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh tại Thừa Thiên Huế được PV ghi nhận được: