Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2019
Trong nước - Ngày đăng : 18:43, 19/04/2019
Ngày 18/4, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã ký văn bản số 2694/TTKQH-TH gửi các đại biểu Quốc hội, các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thông báo triệu tập Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Theo thông báo của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày 20/5/2019 và dự kiến bế mạc vào ngày 14/6/2019.
Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, căn cứ các quy định của pháp luật, trên cơ sở xem xét đề nghị của cơ quan hữu quan và tình hình chuẩn bị thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự kiến chương trình kỳ họp, trong đó điều chỉnh một số dự án, dự thảo so với Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Cụ thể:
Rút 03 dự án Luật để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Đồng thời, bổ sung 04 dự án Luật, 01 dự thảo Nghị quyết là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (trình Quốc hội cho ý kiến).
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, để kỳ họp thứ 7 đạt kết quả tốt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn chỉnh tài liệu các nội dung kỳ họp để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội; đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, góp ý kiến về các nội dung kỳ họp; đồng thời quan tâm đến việc tổ chức tiếp xúc cử tri theo quy định và gửi báo cáo tổng hợp về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để các cơ quan hữu quan có thời gian tổng hợp, chuẩn bị báo cáo nhằm bảo đảm chất lượng, kịp trình Quốc hội tại phiên khai mạc; sớm gửi câu hỏi chất vấn, đề xuất nhóm vấn đề cần được Quốc hội tiến hành chất vấn tại kỳ họp thứ 7 và dành thời gian cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp để kịp tiếp thu, chỉnh lý, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 34.
Theo dự kiến nội dung Chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 07 dự án Luật, 02 dự thảo Nghị quyết gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại 01 kỳ họp); Nghị quyết Phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Quốc hội sẽ cho ý kiến 9 dự án Luật, gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác được Quốc hội xem xét, thảo luận gồm các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018;
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn;
Quốc hội còn xem xét thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Ngoài ra, tại kỳ họp này, các cơ quan hữu quan cũng gửi các đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu các báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội (nếu có); báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; báo cáo của Kiểm toán Nhà nước; báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp trước; Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Báo cáo tổng hợp kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội năm 2018 và báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước; kết quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2018 và các báo cáo khác./.