Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành
Trong nước - Ngày đăng : 13:02, 10/04/2019
Báo cáo thẩm tra đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019, Chính phủ đã đề nghị đưa ra khỏi Chương trình dự án Luật Đất đai để tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Quốc hội sau năm 2020.
Ủy ban Kinh tế tán thành với đề nghị của Chính phủ và cho rằng, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm để xử lý những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực đất đai. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nếu đưa dự án Luật này ra khỏi Chương trình thì cần giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để xử lý các vấn đề bất cập, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng thời gian qua.
Qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với việc đưa dự án Luật này ra khỏi Chương trình năm 2019; tuy nhiên, về lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai vẫn còn có ý kiến khác nhau. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2020 nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), Kết luận số 36-KL/TW ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị, khắc phục những tồn tại, bất cập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn quản lý đất đai, bảo đảm sự thống nhất của các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai.
Về vấn đề này, tại Phiên họp sáng 10/4, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, hiện nay có rất nhiều vấn đề phức tạp trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai. Nếu không nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng để sửa Luật thì có thể phát sinh những khó khăn mới mà chúng ta chưa lường trước được.
“Luật Đất đai cần được nhìn nhận lại để đánh giá thêm những tác động của việc ban hành chính sách mới trong Luật đối với phát triển kinh tế xã hội. Nếu trường hợp những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và một số chính sách mới cần thí điểm; Quốc hội có thể ban hành nghị quyết thí điểm để kịp thời xử lý và tạo cơ sở cho việc tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật”, ông Phùng Quốc Hiển khẳng định.
Xung quanh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Luật Đất đai là một đạo luật rất quan trọng, có tác động và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và quốc phòng an ninh của đất nước. Liên quan đến quản lý sử dụng đất thời gian qua có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội.
Qua nghiên cứu, tổng kết thi hành Luật đất đai thời gian qua, Bộ TN&MT nhận thấy còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá; một số nội dung còn phức tạp cần nghiên cứu, chuẩn bị, đánh giá kỹ hơn như: đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn...
Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020. Như vậy sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2019 sẽ là 26 dự án, tăng 9 dự án so với Nghị quyết số 57/2018/QH14.
“Chúng tôi mong muốn rằng, hiện nay trong lúc chưa sửa Luật Đất đai nếu có những vấn đề gì vướng mắc, bất cập cần phải xử lý ngay, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để kịp thời xử lý”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị.
Trên cơ sở những ý kiến thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất lùi thời gian trình đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Tuy nhiên, không phải lùi vô thời hạn mà chính phủ phải tổng kết, đánh giá về thực hiện Luật đất đai thời gian qua; đánh giá tác động của việc ban hành những chính sách mới trong luật này đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đưa vào chương trình năm 2020.
“Luật khi đã sửa rồi phải có chính sách rõ ràng. Phải nghiên cứu kỹ định sửa cái gì, nó đang bất cập, vướng mắc ở đâu và sau khi sửa chính sách lần này đưa vào Luật như thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Tại phiên họp sáng 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi Chương trình để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện; đồng thời, có thời gian đánh giá việc thực hiện Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 01/01/2019. |