GEF-7 cần phát triển được những dự án mang tính trọng điểm của Việt Nam

Trong nước - Ngày đăng : 22:10, 04/04/2019

(TN&MT) - Ngày 04/04, Bộ trưởng Trần Hồng Hà – Trưởng ban Chỉ đạo Quỹ môi trường toàn cầu của Việt Nam (GEF Việt Nam) đã họp Ban chỉ đạo GEF để bàn về các lĩnh vực ưu tiên của GEF-7 và xây dựng tiêu chí lựa chọn ý tưởng dự án nhận tài trợ từ nguồn Quỹ môi trường toàn cầu (GEF).

Tham dự cuộc họp có các thành viên của Ban chỉ đạo GEF đến từ các Bộ Tài chính; Bộ Ngoại giao; Bộ KH&ĐT; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Công Thương; Ngân hàng Nhà nước.

BT1
Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Trưởng ban Chỉ đạo Quỹ môi trường toàn cầu của Việt Nam chủ trì cuộc họp

GEF được thành lập để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu bao gồm 183 quốc gia thành viên. GEF là một tổ chức tài chính độc lập, cung cấp các khoản viện trợ trong các lĩnh vực: đa dạng sinh học, giảm thiểu biến đổi khí hậu, hoá chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, suy thoái đất, quản lý rừng bền vững, các cách tiếp cận tổng hợp, các hoạt động hỗ trợ và bên lề khác. Những dự án này đem lại lợi ích môi trường toàn cầu, gắn với các thách thứ môi trường toàn cầu, các quốc gia, khu vực và thúc đẩy sinh kế bền vững.

Được thành lập năm 1991, GEF hiện nay là nhà tài trợ lớn nhất đối với các dự án đem lại lợi ích môi trường toàn cầu. GEF đã hỗ trợ 16,39 tỷ USD cho hơn4,641 dự án tại 165 quốc gia đang phát triển. Tính đến nay, Việt Nam đã nhận tài trợ của GEF cho 57 dự án với tổng số tiền tài trợ là 256,09 triệu USD, tạo tỷ lệ đòn bẩy toàn cầu là 1/6, như vậy nguồn vốn GEF là rất đáng quý.

Bốn năm một lần, các quốc gia tài trợ cam kết cung cấp tài chính cho GEF thông qua một quá trình gọi là Chu kỳ hoạt động của GEF. Chu kỳ 7 (GEF-7) bắt đầu từ ngày 01/07/2018 đến ngày 30/06/2022.

Theo công bố của GEF cho chu kỳ 7, nguồn lực phân bổ minh bạch quốc gia – The Systeam for Transparent Allocation of Resources (STAR) cho Việt Nam trong chu kỳ GEF-7 là 18,01 triệu USD. Tại chu kỳ GEF-7, GEF có các lĩnh vực ưu tiên về Biến đổi khí hậu; Đa dạng sinh học; Suy thoái đất; Các vùng nước quốc tế; Hoá chất và Chất thải; Các chương trình tác động.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã cùng nhau thảo luận về việc xây dựng tiêu chí lựa chọn ý tưởng dự án nhận tài trợ từ nguồn GEF. Trong đó, tất cả phải đáp ứng ước các mục tiêu mà GEF đề ra là: Phù hợp với mục tiêu của GEF, chiến lược của quốc gia và chiến lược ngành; có tính đa lĩnh vực trong các mục tiêu toàn cầu GEF, sử dụng nguồn vốn STAR và các nguồn vốn khác; tính khả thi của dự án, tính kế thừa; tính hợp lý về thiết kế các hợp phần của dự án; năng lực của các bên tham gia thực hiện dự án, hài hoà giữa các cơ quan thực hiện của GEF, cơ quan thực hiện của quốc gia, các Bộ, ngành.

BT2
Đại diện Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại cuộc họp

Cụ thể, đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng bổ sung ý kiến cần chú trọng vấn đề hoàn lại vốn trong mỗi dự án, dự toán được mức độ hiệu quả, lợi nhuận của dự án và xây dựng được một dự án có sự tham gia của nhiều đơn vị. Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, những dự án đầu tư theo mục tiêu của GEF về bảo vệ tài nguyên, môi trường, BĐKH là những dự án ưu tiên của quốc gia, chính phủ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường chính vì vậy nên ưu tiên những dự án có thể bổ trợ cho các dự án lớn, tạo được sự lan toả, kế thừa, đồng thuận và các bên cùng sẵn sàng thực hiện…

Ghi nhận những ý kiến đóng góp và chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cần tăng cường hơn nữa vai trò trách nhiệm giám sát, báo cáo kết quả thực hiện của các cơ quan thực hiện các dự án GEF đầu tư; đề xuất cơ chế tham mưu từ các Bộ, ngành để xác tăng cường hơn nữa các nhiệm vụ tham mưu, giám sát và trên hết đều phải có đánh giá kết quả cụ thể.

Đối với các dự án cụ thể trong chu kỳ GEF-7, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan giám sát cần định lượng cụ thể các dự án để tính toán được sự phù hợp, có tính khả thi và kết quả dự án đạt được phải rõ ràng. “Những dự án, sản phẩm nghiên cứu cần phải gắn với yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn, nằm trong các nghị quyết của Trung ương, chương trình dự án ưu tiên, trọng điểm của Chính phủ. Làm sao để những dự án của GEF-7 tạo ra được các mô hình có kết quả đáp ứng được những tiêu chí toàn cầu, tích hợp, có được sự lan toả, nhân rộng ở Việt Nam cũng như quốc tế.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

BT3
Toàn cảnh cuộc họp

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các thành viên ban chỉ đạo cần có sự thống nhất, chỉ đạo, tham mưu để xây dựng những dự án trong chu kỳ GEF-7 có sự tham gia của nhiều bên tham gia của cả khối tư nhân và quốc doanh; xây dựng được nhiều tiêu chí có tính ưu tiên, chiến lược đưa ra những chiến lược hiệu quả của cho Việt Nam; có được sự tham gia đóng góp thực chất, tạo ra được những sản phẩm đầu tư hiệu quả và thể hiện được sự kết nối phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương.