Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam

Trong nước - Ngày đăng : 20:19, 23/03/2019

(TN&MT) - Chiều ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam về tình hình kinh tế xã hội của địa phương. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương khác.
NQH06549
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Nam 


Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh trong năm 2018 tăng 8,11%. Cơ cấu GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực nông nghiệp còn 12%, phi nông nghiệp 88%; GRDP bình quân đầu người hơn 61 triệu đồng/người, cao hơn bình quân cả nước.

Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng gần 13,3%; hoạt động du lịch tăng trưởng khá, tổng lượt khách tham quan, lưu trú trên 6,5 triệu lượt, tăng 21,5%; tổng thu ngân sách nhà nước tăng, đạt 119,6% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 123,6% dự toán so với dự toán.

Tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhất là các dự án vùng Đông, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành 02 nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp: Đông Quế Sơn và KCN cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải; nâng số lượng các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải lên 06/07 KCN (tỷ lệ 85,7%). Tập trung quyết liệt chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp lập lại kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, lâm sản nhất là cát, sỏi trên sông Vu Gia, Thu Bồn; triển khai phương án kiểm tra, truy quét các địa bàn trọng điểm về tài nguyên lâm sản, khoáng sản.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội Quảng Nam vẫn còn những khó khăn thách thức: Hơn 90% doanh nghiệp trong tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên khó khăn trong huy động vốn, chậm đổi mới công nghệ, khả năng cạnh tranh thấp, sản xuất, kinh doanh còn khó khăn. Chất lượng đào tạo lao động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai, cơ chế chính sách, tiếp cận vốn. Công tác phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số thời điểm và một số địa bàn.

Ông Thu cho biết thêm, năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh. Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới chuyển biến tích cực nhưng diễn biến phức tạp, chính sách vĩ mô tiếp tục có những tác động đến lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ của các tổ chức, doanh nghiệp, đòi hỏi phải tập trung thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2019 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh. Tập trung triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai đến 2035, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Trình Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng Chu Lai đến năm 2020, định hướng đến 2030.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 2/7/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường quản lý đất đai, xây dựng tại vùng Đông Nam tỉnh. Thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân theo kế hoạch.

Triển khai đầu tư các nhà máy xử lý rác thải, trước mắt hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư 3 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt gồm: Khu xử lý rác thải ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, Khu xử lý rác thải ở xã Quế Cường, huyện Quế Sơn và Khu xử lý rác thải ở xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành; các nhà máy nước thải ở các khu đô thị trung tâm và vùng Đông.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế. Từng bước giải quyết một phần tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cơ sở khám chữa bệnh cho lao động tại các khu công nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai…

NQH06470
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam 


Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An. Hiện nay, tỉnh đang chờ ý thẩm định của các bộ, ngành Trung ương; kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành Trung ương thẩm định trình Chính phủ phê duyệt.

Về đầu tư, nâng cấp sân bay Chu Lai theo hình thức xã hội hóa: Cảng hang không Chu Lai được Chính phủ định hướng phát triển  thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, bảo dưỡng sửa chữa máy bay vận chuyển hành khách, trung chuyển hàng hóa quốc tế gắn với phát triển đô thị sân bay. Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp đồng bộ  hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài sân bay, mở rộng kết nối giao thông đường không trong nước và quốc tế là việc cần thiết. Ông Thu kính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT sớm thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Về việc xây dựng làng Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT, Đại học Đà Nẵng tập trung phối hợp với các chính quyền địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án.

Ông Thu cũng kính đề nghị Thủ tướng đồng ý cho nâng cấp cặp cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc lên cặp cửa khẩu quốc tế trong năm 2019. Hiện nay lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Sê Koong ký kết Biên bản thống nhất chủ trương đề xuất Chính phủ hai nước quyết định nâng cấp cặp cửa khẩu khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ọoc lên của khẩu quốc tế.

Ông Thu kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn vay còn dư của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14E đoạn từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Lý trình Km16+200/QL14E) đến ngã ba Làng Hồi giao với đường Hồ Chí Minh (Km89+432/QL14E) để phục vụ nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông, lâm sản phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).

Hệ thống cảng biển Chu Lai là một trong các đầu mối có vị trí quan trọng về giao thông vận tải, giao thương trong nước, khu vực miền Trung và Tây Nguyên với quốc tế, đồng thời là cửa ngõ kết nối ra biển Đông của vùng Tay Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang triển khai dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 2 cho tàu 2 vạn tấn và lợi dụng mớn nước thủy triều cho tàu 3 vạn tấn ra vào cập cảng. Ông Thu kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành Trung ương thẩm định, trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Chu Lai, tỉnh Quảng Nam thành cảng loại 1 và đồng ý chủ trương đầu tư dự án nạo vét luồng Cửa Lở, cảng Chu Lai cho tàu 5 vạn tấn cập cảng từ nguồn hỗ trợ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và xã hội hóa đầu tư.

Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam 


Do đặc thù tỉnh Quảng Nam là thiên tai xảy ra liên tiếp ở những năm trước đây, tại một số địa phương hồ sơ đăng ký ruộng đất (hồ sơ địa chính) được lập trước ngày 15/10/1993 đã bị lũ lụt cuốn trôi, mất, hư hỏng nên không còn lưu giữ ở các cấp. Do đó không có cơ sở để xem xét công nhận lại diện tích đất ở cho người sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2, Điều 103 Luật Đất đai và Khoản 5, Điều 24 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, dẫn đến thiệt thòi quyền lợi của người sử dụng thửa đất có nhà ở, gắn liền với vườn ao, đã sử dụng ổn định trước ngày 18/12/1980.

Trong khi đó nhiều địa phương đã lập và quản lý tại 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đối với hồ sơ địa chính được lập sau ngày 15/10/1993 bao gồm: Sổ mục kê, sổ địa chính và bản đồ địa chính. Tuy nhiên, hồ sơ này theo quy định tại Khoản 1, Điều 10 Luật Đất đai 2013 không được xem xét là giấy tờ để làm căn cứ xác định diện tích đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này gây khó khăn cho địa phương trình công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, nhất là các dự án trọng điểm vùng Đông.

Ông Thu kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Quảng Nam được thành lập Hội đồng xác nhận nguồn gốc đất (cấp huyện) để xem xét đối với các trường hợp hồ sơ giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 bị thất lạc được sử dụng Sổ địa chính được lập sau ngày 15/10/1993 làm giấy tờ thay cho Sổ địa chính, Sổ đăng ký ruộng đất trước ngày 15/10/1993 bị mất.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận thành tích đạt được của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi cần phát triển tăng trưởng hơn nữa để đi lên xứng tầm ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Miền Trung phải tự vươn lên, để thoát khỏi đói nghèo.

Thủ tướng đánh giá lãnh đạo Quảng Nam đã có tinh thần đổi mới sáng tạo trong phát triển; bám sát và tổ chức thực hiện tốt những chủ trương của Đảng, Chính phủ trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Ghi nhận thành tích toàn diện của Quảng Nam, nhất là những năm gần đây, Thủ tướng điểm lại những thành tích nổi bật của tỉnh nhất là về các lĩnh vực: Du lịch, thu ngân sách, công nghiệp ô tô và cho rằng, kết quả này thể hiện sự cố gắng, nỗ lực lớn lao của chính quyền và nhân dân Quảng Nam.

Thủ tướng cũng lưu ý đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam rằng, khâu cải cách thủ tục hành chính, định hình những ngành nghề phát triển mang tính chiến lược; sự phát triển đồng đều cả miền núi, đô thị. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao Quảng Nam đã làm tốt công tác xây dựng Đảng, từ đó hình thành được bộ máy hành chính có chất lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Thủ tướng đề nghị tỉnh phải tăng quy mô nền kinh tế gấp 2 lần sau 5 năm nữa và trở thành một tỉnh khá giả về thu nhập của người dân đến năm 2025. Thủ tướng nêu chỉ tiêu: Quảng Nam cùng với Quảng Ngãi và Đà Nẵng phải phấn đấu trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực miền Trung Tây Nguyên.