Tổng kết “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý TNMT biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020”

Trong nước - Ngày đăng : 12:50, 26/03/2019

(TN&MT) – Sáng ngày 26/3, được sự đồng ý của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết bước đầu “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020” (Đề án 47).
BT1
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Trần Quý Kiên tham dự và chỉ đạo Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Phó Trưởng ban thường trực Ban ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển; Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Uỷ viên thường trực Ban chỉ đạo; Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo; ông Chu Đức Nhuận, Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ; ông Phạm Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, Bộ TNN&PTNT… cùng đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, các nhà quản lý.

Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020 (Đề án 47) là một đề án lớn, mang tính tổng thể, toàn diện về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển với sự tham gia triển khai của nhiều Bộ, ngành. Sau hơn 10 năm thực hiện, công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển đã đạt nhiều kết quả tích cực, bước đầu đã triển khai ở các vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề. 

Bt4
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36 - NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”. 

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các chỉ tiêu tổng hợp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế đạt mức nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước, kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70%GDP… Chỉ số phát triển con người các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình cả nước, thu nhập bình quân đầu người ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân cả nước...; Tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới…

BT7
Thứ trưởng Trần Quý Kiên điều hành Hội nghị

Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng, tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỷ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương… Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, một trong bảy giải pháp Nghị quyết đặt ra để đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là phải ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu. Đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái… Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; mở rộng nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu ở các vùng biển quốc tế. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hội nghị tổng kết nhằm đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển để rút ra các bài học kinh nghiệm và cùng nhau xác định các nhiệm vụ, để án, mục tiêu trong giai đoạn mới, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. 

Để Hội nghị đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ những kết quả đạt được qua hơn 10 năm thực hiện Đề án 47. Chỉ ra các kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; Phân tích, đánh giá, dự báo yêu cầu đặt ra đối với công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, đặc biệt là bám sát Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để Ban chỉ đạo đưa ra các đề xuất, kiến nghị nội dung Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2019.

Bộ trưởng cũng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị đưa ra những đề xuất các phương thức, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác điều tra cơ bản dựa trên các thành tựu khoa học công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giải pháp quản lý, khai thác dữ liệu điều tra cơ bản phục vụ đa mục tiêu theo một đầu mối thống nhất trừ các dữ liệu về quốc phòng, an ninh.

BT8
Ông Tạ Đình Thi,Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo báo cáo tại Hội nghị

Phát biểu báo cáo tại Hội nghị, ông Tạ Đình Thi,Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cho biết: Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước cũng như trước những thách thức lớn trong lựa chọn chính sách và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Chính phủ vẫn cân đối ngân sách bố trí nguồn vốn đầu tư tập trung cho Đề án 47. Đến nay, đã hoàn thành 22/45 dự án và nghiệm thu cấp nhà nước; 17/45 dự án đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện; 03/45 dự án đã phê duyệt nhưng chưa được bố trí kinh phí; 03/45 dự án dừng chưa triển khai, dự án đã và đang tổ chức thực hiện với nguồn kinh phí được phê duyệt khoảng 7.207 tỷ đồng, kinh phí đã được giao thực hiện khoảng 3.612 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cần bổ sung từ: nguồn sự nghiệp kinh tế là: 1.658 tỷ đồng; đầu tư phát triển là 1.675 tỷ đồng; địa phương là: 261 tỷ đồng.

Đến hết năm 2018, đã thành lập hải đồ tỷ lệ 1:200.000 với khoảng 53% diện tích các vùng biển Việt Nam; hoàn thành điều tra địa hình đáy biển khoảng 24,5% diện tích vùng biển Việt Nam ở các tỷ lệ từ 1:500.000 đến 1:50.000; cơ bản làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên biển. Nhiều kết quả của các dự án đã được chuyển giao vào thực tiễn và đang góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng biển và ven biển. Sự đầu tư của nhà nước bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng về chính sách quản lý tài nguyên và môi trường biển; về điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và tài nguyên - môi trường biển; về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; về tăng cường năng lực và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển và về bảo vệ chủ quyền và hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển. 

BT6
Đại diện Bộ tham mưu Hải Quân - Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển (Đoàn 6) tham luận tại Hội nghị

Theo Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển cho biết, trong thời gian tới Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ tập trung xây dựng và triển khai theo các mục tiêu như: Điều tra, đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên biển và hải đảo (địa chất, địa hình, địa mạo, khí tượng, hải văn, tài nguyên…) với 50% diện tích vùng biển VIệt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ 1:500.000 và điều tra ở tỷ lệ lớn một số khu vực trọng điểm; Đánh giá được hiện trạng, rủi ro môi trường và hệ sinh thái biển và hải đảo; Thành lập được bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm và sức chịu tải của hệ sinh thái, tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ tối thiếu 1:500.000 khu vực biển ven bờ đến độ sâu 100m nước; xác định được những khu vực biển thuận lợi cho nhận chìm biển đối với các vật liệu khác nhau.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước và năng lực điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo: cơ bản hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm nguồn lực phục vụ công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; có được cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương có biển trong việc khai thác, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; thiết lập được hệ thống dự báo, cảnh báo, môi trường, phòng chống thiên tai đồng bộ, hiệu quả; có được đội tàu nghiên cứu biển với các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á; Thiết lập được bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển và hải đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.

BT5
Toàn cảnh Hội nghị sáng ngày 26/3

Cũng trong buổi sáng, tại Hội nghị, đại diện các Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã trình bày các báo cáo về kết quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh; báo cáo công tác điều tra cơ bản đánh giá tiềm năng dầu khí và khí hydrate trên vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; báo cáo công tác điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi thuỷ, hải sản vùng biển Việt Nam; báo cáo công tác điều tra cơ bản và đánh giá tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái, địa chất vùng biẻn và các đảo Việt Nam…

BT9
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thăm quan triển lãm các công trình nghiên cứu điều tra về tài nguyên biển Việt Nam
BT2
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thăm quan triển lãm các công trình nghiên cứu điều tra về tài nguyên biển Việt Nam