Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vì thiếu tiền, thiếu cách làm hay vô ý thức để dịch lan ra?
Trong nước - Ngày đăng : 13:17, 04/03/2019
Thủ tướng nêu câu hỏi này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai các giải pháp cấp bách không chế bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng như nêu rõ tinh thần, “chống dịch như chống giặc”. Các địa phương phải xắn tay ngay vào việc. Cần tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn hay quay lưng với thịt lợn sạch. Thủ tướng cho biết, đặc điểm chăn nuôi lợn ở Việt Nam khác với các nước. Chúng ta có 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn, chiếm 49% tổng đàn lợn và trên 10.000 trang trại. Thịt lợn chiếm 70% sản phẩm thịt các loại.
“Một khẩu hiệu đặt ra là chống dịch như chống giặc để chúng ta huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, hiện đã xâm nhập vào 7 tỉnh của Việt Nam”, Thủ tướng nêu rõ. Nếu chúng ta có biện pháp mạnh, ngăn chặn tốt, kịp thời hơn thì dịch không lây lan rộng. Trung Quốc với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đến nay họ đã khống chế dịch được đến 90%. Đây là bài học kinh nghiệm cho chúng ta.
Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương mình quản lý.
Nhắc nhở một số địa phương chỉ cử chi cục thú ý dự hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, không phải đơn thuần là việc của chi cục thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà mỗi địa phương đều phải ra tay thì mới hiệu quả. Do đó, các cấp, các ngành, theo chức năng được phân công, phải xắn tay áo vào cuộc, bao gồm cử cán bộ, cung cấp phương tiện, không chỉ ra văn bản chỉ đạo mà có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời. Ví dụ, Bộ Tài chính phải có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để không gây hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để do vấn đề này mà ngành chăn nuôi ở Việt Nam bị ứ đọng, đình trệ.
Cần tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm khắc địa phương nào không làm. Từ Chỉ thị 04, các cấp, các ngành cần cụ thể hóa, triển khai rõ ràng hơn, chứ không chung chung, đại khái.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu ra một số câu hỏi để các đại biểu thảo luận. Đó là tại sao dịch lại bùng phát từ 1 tỉnh, 2 tỉnh đến 7 tỉnh và có nguy cơ lan rộng cho dù chúng ta đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Nguyên nhân thật sự ở chỗ nào, do khâu nào? Có hiện tượng người chăn nuôi che giấu dịch bệnh không? Giải pháp tới là gì?
Tại sao có hiện tượng thương lái gia tăng số lượng vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam, có phải đây là nguyên nhân dịch đi sâu vào các tỉnh phía nam hay không? Thủ tướng cho rằng, cần kiểm soát tốt việc vận chuyển này chứ không phải ngăn chặn hoàn toàn. Câu hỏi nữa đặt ra là quy định mức hỗ trợ và các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch đã phù hợp chưa? Nếu chưa thì cần đề xuất giải pháp nào? Thủ tướng đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy lợn, mà theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và mức cao hơn đối với lợn nái, lợn đực giống buộc phải tiêu hủy.
Thủ tướng đặt vấn đề về cách tổ chức triển khai công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh của các cơ quan chức năng đã quyết liệt chưa. Các cấp, các ngành cần phải làm gì để củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống thú y đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong hoàn cảnh hiện nay. Vì thiếu tiền, thiếu cách làm hay vô ý thức để dịch lan ra?
Định hướng phương pháp tổ chức thực hiện, Thủ tướng nêu rõ, giao kinh phí hỗ trợ cho địa phương tổ chức thực hiện, tự chịu trách nhiệm là tốt nhất. Phải nêu cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, để tránh tình trạng “tiêu hủy 5 con lợn thì khai 8 con, không có dịch mà nói có dịch”. Bên cạnh đó, cần giám sát thực hiện để bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành phải tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn, cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới, tính từ năm 2017 đến ngày 26/2/2019, đã có trên 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến ngày 3/3/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh.
Ở nước ta, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 1/2 - 3/3/2019, bệnh xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Cục Thú y đã giải trình tự gene của virus dịch tả lợn châu Phi gây bệnh trên lợn tại Việt Nam giống 100% chủng virus gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường là rất lớn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, do bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người nên nhiều người chăn nuôi lợn vì lợi ích kinh tế trước mắt và vì giá lợn hơi các tháng cuối năm 2018 cao nên đã không khai báo khi có dịch bệnh, gọi thương lái để bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
Theo nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch đã chỉ ra rằng 3 nguyên nhân chính làm bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan, bao gồm: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.
Về tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống dịch, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg lợn hơi, thấp hơn so với giá thị trường; nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg; thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ vướng vì quy định người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền, nhưng thực tế các nội dung này không khả thi vì hiện cả nước có hàng triệu hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và hầu hết các hộ chăn nuôi không khai báo, đăng ký khi nuôi lợn. Thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian, người dân bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không báo cho chính quyền và cơ quan thú y.
Nhiều địa phương không bố trí kinh phí trả thù lao hoặc có bố trí nhưng mức trả rất thấp so với chi phí thực tế, dẫn đến tình trạng ngại hoặc không tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống, nhất là khi cần phải thực hiện trong thời gian dài.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy; bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương xây dựng và ban hành kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện ở quy mô và phạm vi khác nhau tại địa phương để tổ chức thực hiện; phải chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn bệnh xâm nhiễm và lây lan trên diện rộng tại địa phương. Bệnh không lây sang người nên người tiêu dùng không nên quay lưng với các sản phẩm thịt lợn an toàn và bảo đảm chất lượng.
Được biết, năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% sản phẩm thịt các loại, tăng 2,2% so với năm 2017. Hiện nay, cả nước có 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn là 13,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 49% tổng đàn. Số trang trại chăn nuôi lợn là 10.167 trang trại (năm 2017) với tổng số là 14,4 triệu con lợn, chiếm tỷ lệ 51% tổng đàn.