Cộng đồng doanh nghiệp góp công lớn thúc đẩy vị thế của Đà Nẵng

Trong nước - Ngày đăng : 13:53, 01/03/2019

(TN&MT) - Sáng 1/3, Thành ủy và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Chương trình “Tọa đàm mùa Xuân 2019”. Đây là năm thứ hai liên tiếp Đà Nẵng tổ chức chương trình này. Hơn 500 đại biểu đến từ các bộ, ngành TW, các đại sứ quán, lãnh sự quán, hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự tọa đàm.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Đà Nẵng tổ chức chương trình này
Đây là năm thứ hai liên tiếp Đà Nẵng tổ chức chương trình này

Phát biểu tại tọa đàm, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Thành phố được Tạp chí du lịch danh tiếng “Live and Invest Overseas” (LIO) bình chọn là một trong 10 địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài năm 2018. Theo đó, Đà Nẵng được biết đến là sự kết hợp hoàn hảo giữa “dư vị quá khứ” và “tinh thần đổi mới hiện đại”. Đà Nẵng còn được công nhận là “Thành phố xanh cấp quốc gia giai đoạn 2017-2018” do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) bình chọn.

“Những thành quả mà Đà Nẵng đã đạt được có phần đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó khẳng định vị trí, vai trò tiên phong và quan trọng của các doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Tôi muốn nói lời “cảm ơn” đến tất cả các doanh nhân, doanh nghiệp của thành phố. Tôi tin tưởng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chung tay cùng với chính quyền thành phố để xây dựng, phát triển Đà Nẵng trở thành một đô thị sinh thái và thông minh, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, một thành phố đáng sống và đáng đến đầu tư”- Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, năm 2019 là năm có ý nghĩa quyết định quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố. Ngay trong những ngày đầu năm mới, Đà Nẵng đã đón tin vui khi được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo đó, Nghị quyết 43 sẽ mở ra cho Đà Nẵng những thuận lợi về cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng và phát triển, tạo đà để thành phố vươn lên một tầm cao mới, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng chọn chủ đề năm 2019 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Theo đó, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 và chỉ đạo quyết liệt, rốt ráo để tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, năm 2019 là năm có ý nghĩa quyết định quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, năm 2019 là năm có ý nghĩa quyết định quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố

“Với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung theo hướng phát triển kinh tế xã hội bền vững, thành phố ưu tiên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, thương mại, du lịch. Đặc biệt, công tác thu hút đầu tư của thành phố sẽ chú trọng trách nhiệm đối với cộng đồng, lựa chọn những dự án đầu tư hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố theo hướng bền vững”- ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Kunio Umeda - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho hay, Việt Nam hiện nay đang tràn đầy năng lượng của sự phát triển, đất nước này đang chào đón những cơ hội thay đổi mang tính lịch sử. Nhật Bản có nguyện vọng liên kết chặt chẽ với Việt Nam để Việt Nam có thể đón những cơ hội có tính lịch sử này. Mặt khác, Nhật Bản nhận biết được tầm quan trọng của Việt Nam đối với sự ổn định và phồng vinh của toàn khu vực Đông Á.

Đối với Nhật Bản, việc tăng thêm số lượng du khách Việt Nam vào Nhật Bản là vô cùng quan trọng. Trên quan điểm này, Nhật Bản đã quyết định nới lỏng thủ tục cấp visa cho các cán bộ, công chức Trung ương, chính quyền địa phương, cán bộ các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán tại Nhật Bản và người thân của họ.

Trong đầu tư, đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam, ước đạt 8.6 tỷ trong năm 2018, và Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong hai năm liên tục. Năm nay, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tiếp tục đặt nhiều quan tâm vào Việt Nam. Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTTP được kì vọng sẽ thúc đẩy đầu tư và thương mại. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng lên. Số các doanh nghiệp Nhật Bản trong Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua, hiện có 127 doanh nghiệp thành viên.

Những thành quả mà Đà Nẵng đã đạt được có phần đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp
Những thành quả mà Đà Nẵng đã đạt được có phần đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp

Còn ông Lee Jiunn Shyan - Tổng giám đốc Công ty TNHH TCIE Việt Nam lại cho rằng, là một doanh nghiệp FDI tại TP. Đà Nẵng, chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của chính quyền thành phố đã tổ chức buổi tọa đàm này để các doanh nghiệp có thể trình bày những khó khăn và thách thức khi đầu tư tại Đà Nẵng, cũng như đưa ra các đề xuất, ý kiến đóng góp để doanh nghiệp cùng chính quyền thành phố có thể chung tay triển khai hiệu quả các dự án đầu tư tại địa phương, góp phần vào sự phát triển của Đà Nẵng.

“Tập Đoàn Tan Chong, Malaysia của chúng tôi hiện đang đầu tư hai dự án lớn tại TP. Đà Nẵng, đó là nhà máy TCIE Việt Nam và nhà máy ô tô TC Việt Nam. Nhà máy TCIE Việt Nam đang sản xuất hai mẫu xe thương hiệu Nhật Bản: Nissan X-Trail và Nissan Sunny. Nhà máy ô tô TC Việt Nam sản xuất xe tải và xe khách. Nay, Tập đoàn Tan Chong mong muốn tăng năng suất của nhà máy TCIE Việt Nam cũng như sớm đưa nhà máy xe khách và xe tải đi vào hoạt động”- ông Lee Jiunn Shyan nói.

ông Lee Jiunn Shyan cũng tin rằng, chiến lược đầu tư của mình sẽ bổ sung vào chiến lược phát triển ngành ô tô trong nước của chính phủ Việt Nam và TP. Đà Nẵng. Chúng tôi tin tưởng tầm nhìn của chính quyền thành phố về phát triển ngành công nghiệp nặng - công nghiệp ô tô và sự cần thiết kêu gọi thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào sự phát triển của Đà Nẵng.

Bế mạc buổi tọa đàm, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, qua hơn 20 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, dấu ấn của cộng đồng doanh nghiệp đối với TP. Đà Nẵng là rất đậm nét. Cộng đồng doanh nghiệp thành phố đã lớn mạnh vượt trội cả về số lượng lẫn quy mô với hơn 27 ngàn doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký hơn 193 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp luôn đồng hành cùng với chính quyền trong xây dựng và phát triển thành phố, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã hội hóa dịch vụ công, giải quyết việc làm và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, tạo nên những bước tiến nhảy vọt, ấn tượng.

Nghị quyết 43 sẽ mở ra cho Đà Nẵng những thuận lợi về cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng và phát triển, tạo đà để thành phố vươn lên một tầm cao mới
Nghị quyết 43 sẽ mở ra cho Đà Nẵng những thuận lợi về cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng và phát triển, tạo đà để thành phố vươn lên một tầm cao mới

Ông Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, về định hướng kế hoạch cho “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019”, qua lắng nghe phát biểu của các hiệp hội và doanh nghiệp, chúng ta có thể nhận thấy các từ khóa nổi bật như “cải cách hành chính”, “ứng dụng công nghệ thông tin”, “cơ sở hạ tầng” và “nhân lực”. Có thể nói, bên cạnh những yếu tố cơ sở hạ tầng phần cứng như cảng hàng không, cảng biển, khu công nghiệp, những tiền đề quan trọng đối với sự phát triển thịnh vượng của thành phố trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0 nằm ở các nguồn lực “mềm”, cụ thể là nguồn nhân lực chất lượng, năng động và sáng tạo.

Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cạnh tranh về nguồn nhân lực và nguồn vốn đầu tư của các địa phương lân cận ngày càng mạnh mẽ, Đà Nẵng cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính và định hướng đúng đắn trong thu hút đầu tư.

Ông Nghĩa cũng chỉ ra những vấn đề quan trọng cần giải quyết trong quy hoạch, “tại tọa đàm này, thành phố đã ký kết Hợp đồng lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Quan điểm của tôi là bản quy hoạch mới này sẽ định vị được Đà Nẵng trong bối cảnh trong nước và quốc tế mới, xác định rõ các định hướng phát triển ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, kèm theo không gian và nguồn lực phát triển trong sự kết nối không chỉ trong nội bộ Đà Nẵng mà còn với các địa phương khác trong nước và quốc tế”- ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng luôn là thành phố nằm trong nhóm dẫn đầu về môi trường đầu tư, kinh doanh và Đà Nẵng sẽ tiếp tục như vậy. Tuy nhiên, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn được dùng cho đến nay là chưa đủ đối với Đà Nẵng - một thành phố luôn luôn nỗ lực cho khát vọng vượt lên, giữ vị trí dẫn đầu và vị thế tiên phong. Bên cạnh việc tiếp tục phải giữ vững vị trí hàng đầu về PCI, Đà Nẵng cần phải rà soát lại thực chất các chỉ số này và tiếp tục xây dựng hệ thống đánh giá cao hơn, bám sát các tiêu chí quốc tế, đảm bảo chắc chắn rằng vị trí cao đó thực sự tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.