Gặp mặt các nhân chứng lịch sử được gặp Bác Hồ và cán bộ, giáo viên lên Sơn La năm 1959
Trong nước - Ngày đăng : 22:41, 26/02/2019
Cách đây 60 năm, nhân dịp nhân dân Tây Bắc đón chào kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1959), 4 năm thành lập Khu tự trị Thái - Mèo (1955 - 1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Chính phủ lên thăm Sơn La - Tây Bắc. Trong không khí phấn khởi của đồng bào các dân tộc được đón Bác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự cuộc mít tinh ở thủ phủ khu tự trị Tây Bắc tại Thuận Châu, thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc huyện Yên Châu, với công nhân nông trường, chiến sỹ sư đoàn 335 Mộc Châu.
Ngay khi vừa xuống sân bay Nà Sản, Bác đã gặp, nói chuyện với cán bộ, bộ đội và nhân dân. Trên đường về, Bác ghé thăm sửa sang các phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang Gốc ổi (nay là Nghĩa trang Liệt sỹ Nhà tù Sơn La). Tại các cuộc gặp mặt này, đã có hàng vạn người là đại diện cho quân, dân, chính Đảng của hơn 30 dân tộc đến dự, thể hiện tình cảm chân thành, kính trọng của đồng bào Tây Bắc – Sơn La với Bác Hồ.
Bác thay mặt Đảng, Chính phủ khen ngợi tình đoàn kết, sự anh dũng trong kháng chiến bảo vệ bản mường, làm nên đại thắng Điện Biên Phủ, góp phần giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Người biểu dương thành tích trong những năm kháng chiến, những đóng góp từ ngày hòa bình lập lại trong tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cải thiện đời sống, giữ gìn trật tự an ninh. Ngày Bác lên thăm Sơn La đã thực sự trở thành một mốc son lịch sử, một kỷ niệm sâu sắc không thể phai mờ trong trái tim mỗi người dân Sơn La – Tây Bắc.
Và sau tròn 3 tháng kể từ thời điểm Bác Hồ lên thăm Sơn La - Tây Bắc, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, ngày 7/8/1959, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 33 về việc điều động giáo viên miền xuôi lên phục vụ miền núi. Trước khi tỏa về các vùng miền núi khó khăn, các thầy - cô giáo tình nguyện đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm, nói chuyện, căn dặn ân tình tại lớp bồi dưỡng chính trị ngày 22/9/1959.
Thấm nhuần và khắc ghi lời dạy của Bác: “Các cô, các chú đã xung phong thì phải xung phong đến nơi, đến chốn”, từ niên khóa 1959 - 1960 đã có trên 800 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trẻ ở nhiều tỉnh đồng bằng, trung du tình nguyện lên đường với quyết tâm góp phần đưa ánh sáng văn hóa đến với các tỉnh miền núi; trong đó có 137 thầy - cô giáo đã đến với các bản, làng của tỉnh Sơn La.
Sau 60 năm, trong lần gặp mặt này, đã có hơn 70 đồng chí là nhân chứng lịch sử được gặp Bác Hồ và gần 30 thầy giáo, cô giáo thế hệ năm 1959, hiện đang sinh sống tại các tỉnh miền xuôi và tại Sơn La. Sự có mặt của các ông, bà, các bác, các ông giáo, bà giáo hôm nay đã thể hiện vô cùng sinh động tình cảm yêu quý mà các bác, các thầy, cô giáo đã dành cho Sơn La – Tây Bắc, sau 60 năm vẫn vẹn nguyên và ngày càng sâu nặng.
Cùng với đó, sau 60 năm, đến nay, tỉnh Sơn La có rất nhiều đổi thay và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục - đào tạo. Toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 600 trường và 1 trung tâm, 12.650 lớp, 357.973 học sinh; trong đó, có 12 trường phổ thông dân tộc nội trú với 4.057 học sinh. Cùng với đó, Sơn La hiện có 22.634 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; trong đó có 9.745 giáo viên là người dân tộc thiểu số.
Buổi gặp mặt, tọa đàm là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La bày tỏ lòng tri ân, sự ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của thế hệ thầy - cô giáo, thế hệ mở đầu cho “xung phong, tình nguyện” của nhiều lớp cán bộ sau này. Những giáo viên, bác sỹ, kỹ sư đã tận tụy hy sinh, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Sơn La.
Tại buổi gặp mặt, tọa đàm, các nhân chứng lịch sử và những cán bộ, giáo viên miền xuôi đã chia sẻ niềm vinh dự, tự hào khi được gặp Bác Hồ; sự cống hiến cho sự nghiệp trồng người tại Sơn La. Các thầy, cô giáo và các nhân chứng được chứng kiến giờ phút lịch sử khi Bác Hồ lên thăm Sơn La đã không ngừng hy sinh, phấn đấu, vượt qua thử thách, khó khăn, thiếu thốn, vất vả “nơi rừng thiêng nước độc” hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.