Đa dạng hóa sinh kế cho ngư dân vùng bãi ngang ven biển Quảng Trị

Trong nước - Ngày đăng : 17:28, 21/02/2019

(TN&MT) - Không chỉ là giải pháp giúp ngư dân nhanh chóng chuyển đổi sinh kế sau sự cố môi trường biển, mà giờ đây những mô hình nông nghiệp bền vững đã góp...

 

(TN&MT) - Không chỉ là giải pháp giúp ngư dân nhanh chóng chuyển đổi sinh kế sau sự cố môi trường biển, mà giờ đây những mô hình nông nghiệp bền vững đã góp phần giúp bà con ngư dân vùng bãi ngang có thêm thu nhập ngoài nghề đi biển. Việc phát triển cùng lúc cả nghề nông lẫn nghề ngư đã giúp nhiều hộ gia đình giải quyết được công ăn việc làm trong những ngày biển động, tạo thêm một nguồn thu nhập ổn định, khai thác hiệu quả tiềm băng vùng cát. Từ đó bà con ngư dân yên tâm hơn để vươn khơi bám biển.

Anh 1
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối thoại với ngư dân vùng biển xã Trung Giang, Gio Linh


Ngày 20/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi đối thoại với hơn 20 ngư dân thuộc xã Trung Giang, huyện Gio Linh với nội dung đa dạng hóa sinh kế cho ngư dân vùng bãi ngang ven biển sau sự cố môi trường biển.

Thời gian qua tình hình vùng biển có nhiều diễn biến phức tạp. Nhất là sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) gây ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt là đối với 4 tỉnh miền Trung. Trong đó, Quảng Trị có 16 xã, thị trấn vùng ven biển, với trên 8.000 hộ, gần 16.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi sự cố; trên 3.000 tàu thuyền của tỉnh bị ảnh hưởng; giá trị thiệt hại về kinh tế lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Anh 2
Người dân Quảng Trị phấn khởi với mẻ cá bè hơn trăm tấn trong đầu năm 2019


Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho rằng: Đây là sự cố lần đầu xảy ra và chưa từng có tiền lệ nên ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND tỉnh đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị tại địa phương vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, đặc biệt Lãnh đạo tỉnh đã kịp thời triển công tác thăm hỏi động viên, hỗ trợ khẩn cấp và đề ra các giải pháp ứng phó khắc phục sự cố nhằm ổn định đời sống sản xuất của nhân dân.

UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố nhằm nhanh chóng triển khai các công tác khắc phục hậu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế thường xuyên lấy mẫu nước biển, mẫu hải sản để kiểm nghiệm,công bố kết quả kịp thời cho nhân dân biết, yên tâm sản xuất… Tổ chức hội nghị bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho người dân 16 xã, thị trấn vùng biển Quảng Trị và kịp thời phân bổ 3,2 tỷ đồng cho 16 xã, thị trấn (mỗi xã 200 triệu đồng) xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp trên cát và 3,7 tỷ đồng giao cho Ngân hàng chính sách xã hội để giúp ngư dân vùng biển vay vốn phát triển sản xuất…

Anh 3
Người dân Quảng Trị phấn khởi với mẻ cá bè hơn trăm tấn trong đầu năm 2019


Ngoài tăng cường cán bộ về cơ sở để trực tiếp cầm tay, chỉ việc cho bà con ngư dân, tỉnh Quảng Trị còn triển khai quyết định 21 để hỗ trợ bà con ngư dân. Đây là chính sách hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức được vay vốn với lãi suất ưu đãi để thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% số tiền lãi với các khoản vay ngắn hạn; đối với khoản vay trung, dài hạn, hỗ trợ 50% lãi suất 2 năm đầu, từ năm thứ 3 trở đi hỗ trợ 30% lãi suất. Chính sách này đã được triển khai từ năm 2015 đến nay, bằng nguồn vốn này đã giúp người dân, các tổ hợp tác, HTX phát triển các trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất kinh doanh đem lại thu nhập khá cho người dân, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Đến nay ngư trường nguồn lợi đã dần hồi phục, trong những ngày đầu năm 2019 ngư dân Cửa Việt ra khơi mở biển trúng mẻ cá bè lớn hơn 100 tấn, làm nức lòng ngư dân vùng biển. Để duy trì các hoạt động đa dạng hóa sinh kế cho ngư dân vùng bãi ngang ven biển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho rằng: Ngoài các cây trồng, con nuôi  truyền thống vùng cát, tỉnh đã chỉ đạo chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát điều chỉnh quy hoạch, khai thác tốt tiềm năng lợi thế về kinh tế biển. Chỉ đạo Sở NN&PTNT khảo sát, nghiên cứu để đưa các đối tượng cây trồng, con nuôi phù hợp với vùng đất cát vào sản xuất trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất. Đến nay, đã khảo sát và chuyển đổi vùng đất cát không sử dụng sang nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao như: nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tôm VietGAP…

Hướng dẫn ngư dân vùng biển bãi ngang các nghề khai thác có hiệu quả, mùa vụ và đối tượng khai thác phù hợp để người dân yên tâm sản xuất và tiêu thụ ổn định trên thị trường.

Đồng thời tỉnh đã chú trọng tìm kiếm các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm để giúp bà con tiêu thụ ổn định yên tâm sản xuất; như liên kết với Công ty Đồng Giao để tiêu thụ Dứa; Phối hợp với tập đoàn Sumitomo Nhật Bản để triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất Dưa lưới, cà chua, tỏi, măng tây... tại vùng cát Trung Giang; Chỉ đạo Công ty Thương mại Quảng Trị liên kết trồng và thu mua đậu xanh cho bà con nông dân….

Anh 4
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình hình đánh bắt thủy hải sản sau sự cố môi trường biển


Cũng tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến cho rằng: Trở ngại lớn nhất đối với bà con ngư dân vùng biển bãi ngang tỉnh Quảng Trị là thiếu vốn để đầu tư và thiếu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế, bên cạnh công tác hỗ trợ người dân quay trở lại vươn khơi, bám biển; việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững vùng cát cũng cần được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.

Để giải quyết vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, địa phương cần ban hành các chính sách về tín dụng ưu đãi để hỗ trợ người dân có nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông nghiệp nông thôn, chuyển giao các tiến bộ KHKT mới cho bà con; tìm hiểu, thử nghiệm các mô hình sản xuất mới phù hợp trên vùng cát, mang lại hiệu quả kinh tế cao để triển khai thực hiện và nhân rộng trên địa bàn; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình điện, giao thông, thuỷ lợi… để đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch biển, thu hút du khách, tạo công ăn việc làm cho lao động hậu cần nghề cá và kinh doanh dịch vụ, du lịch...