BộTN&MT: Đảm bảo yêu cầu và lộ trình thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN

Trong nước - Ngày đăng : 21:12, 19/02/2019

(TN&MT) - Thực hiện Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Kế hoạch hành động chi tiết thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2019-2020 thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp

Đến nay, Bộ TN&MT đã hoàn thành các nội dung nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện tại các Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018, Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủvà Nghị quyết 19 của Chính phủ. Trong đó, tổng số thủ tục cần thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia(18); Số lượng thủ tục đã triển khai thông qua Cơ chế một cửa quốc gia(16), trong đó 04 TTHC đã chính thức kết nối từ năm 2016, 07 TTHC chính thức kết nối từ ngày 31/7/2018, 03 TTHC chính thức kết nối từ ngày 28/12/2018, 02 TTHC chính thức kết nối từ ngày 25/01/2019.

Phó TTg Huệ1
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp lần thứ 4 Uỷ ban chỉ đạo quốc gia cơ chế một cửa ASEAN

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN tiếp tục mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Theo báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hợp tác với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan thực hiện thì: Những doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia. Cụ thể là giảm thời gian tiếp nhận, xử lý và thủ tục nhanh gọn, đơn giản (61%), giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ cho doanh nghiệp (51%), giao diện thân thiện, dễ hiểu (50%) và minh bạch trong thủ tục (42%), chi phí chuẩn bị hồ sơ giảm (40%), giảm nhân lực khi thực hiện (35%) và tăng hiệu quả cho quản lý doanh nghiệp (32%).

Về việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, theo cáo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 30/01/2019, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 173 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với gần 1,9 triệu hồ sơ của khoảng 27 ngàn doanh nghiệp. Nhìn chung, trong năm 2018, các Bộ, ngành đã có sự chuyển biến tích cực trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Đặc biệt là sau Hội nghị toàn quốc thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 24/7/2018 đã có sự phát triển đột phá, chỉ trong khoảng 5 tháng (24/7/2018 – 31/12/2018), các Bộ, ngành đã triển khai thêm được 100 thủ tục mới trên Cơ chế một cửa quốc gia. “Trong năm 2018, Bộ GTVT, Bộ Công thương, Bộ TN&MT, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia và đạt kết quả rất tốt” - Lãnh đạo cơ quan thường trực của Uỷ ban, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói tại họp lần thứ 4 nhằm kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai năm 2019 ngày 19/2.

Đảm bảo yêu cầu và lộ trình thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN2019

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, trong năm 2019, Bộ TN&MT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan chủ động, tích cực phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan và Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươngtriển khai thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2019 đã được xác định trong Kế hoạch thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại của Bộ TN&MT.

C12A0471
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu trong phiên họp lần thứ 4 Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN

Trong đó, về công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Bộ TN&MT sẽ tập trung vào xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định về quy trình, thủ tục thực hiện các thủ tục hành chính cho phù hợp với việc chuyển đổi từ thực hiện thủ công (hồ sơ giấy) sang điện tử hóa, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 thông qua Cơ chế một cửa quốc gia; Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung những mặt hàng có thay đổi, phát sinh trên thực tế vào Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh thuộc diện kiểm tra chuyên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chuyên ngành của Bộ, bảo đảm phù hợp, thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam.

Về việc xây dựng, triển khai hệ thống công nghệ thông tin, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường và Tổng cục Môi trường phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan, các Bộ ngành liên quan, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện,triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc đối với các TTHC đã chính thức kết nối với Cổng thông tin Một cửa quốc gia tại các cảng biển, cảng hàng không theo hướng dẫn, quy định của Ủy ban chỉ đạo quốc gia, đảm bảo yêu cầu và lộ trình thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

Đối với việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN: Bộ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết các TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo Cơ chế một cửa quốc gia đúng quy định.

TT Lê Công Thành
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp lần thứ 4 Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN,

Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, thông tin tuyên truyền, tập huấn, đào tạo Bộ TN&MT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan phối hợp, hướng dẫn các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các văn bản quy định và công tác quản lý, kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu tại địa phương, đồng thời công khai kết quả cấp Giấy xác nhận về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ; Tiếp tục tuyên truyền, bố trí nhân lực hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các TTHC theo Cơ chế một cửa quốc gia tại Bộ, các địa phương và các đơn vị thực hiện thủ tục hành chính. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, trao đổi thông tin, giải đáp vướng mắc trong thực thi các quy định mới sửa đổi, bổ sung của Bộ, Chính phủ ban hành về quản lý, kiểm tra chuyên ngành cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu và các đơn vị, tổ chức liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Trong năm 2019, để thực hiện tốt Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại năm 2018 và kế hoạch thực hiện trong năm 2019, Bộ TN&MT kiến nghị Tổng cục Hải quan (đơn vị thường trực) chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc liên quantiếp tục phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường để triển khai kết nối, liên thông, công khai dữ liệu về kết quả kết quả cấp Giấy xác nhận về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, phục vụ công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và công tác chuyên môn của Cơ quan hải quan.

Phát biểu kết luận tại họp lần thứ 4 nhằm kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai năm 2019 diễn ra ngày 19/2, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá các bộ, ngành đã đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là có chuyển biến căn bản trong thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng vẫn còn nhiều tồn, tại vướng mắc như số lượng thủ tục hành chính triển khai mới chưa đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng, cần phải tập trung khắc phục để góp phần đưa đất nước bứt phá, phát triển toàn diện trong năm 2019.

Đối với Bộ TN&MT, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần phải gắn kết các Bộ, Ngành để có thể triển khai, phối hợp công việc một cách đồng bộ; Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng cần có cơ chế phối hợp với các địa phương, lắng nghe thêm các ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, các đối tác phát triển để đưa ra những phương hướng phát triển trong năm 2019 và những năm tiếp theo.