40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ  biên giới phía Bắc của Tổ Quốc: Đời đời không được phép lãng quên ​​​​​​​

Trong nước - Ngày đăng : 10:59, 16/02/2019

(TN&MT) - Dù 40 năm hay dài lâu hơn nữa, đã là người Việt Nam thì không bao giờ quên và không được phép lãng quên cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ Quốc ngày 17-2-1979. Không quên không phải là hận thù hay chia rẽ mối quan hệ đoàn kết Việt – Trung, mà bởi tôn trọng lịch sử và nhắc nhớ thế hệ trẻ mai sau về ý thức sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc khi lâm nguy.
anh 5 13
Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ hy sinh tại mặt trận Vỵ Xuyên, Hà Giang


Tháng 2-1979, tôi tròn 10 tuổi. Một cậu bé nhà quê xứ Thanh như tôi thủa ấy chưa hiểu về súng đạn, chiến tranh là gì, nhưng khi nghe mẹ nói “ngoài biên giới phía Bắc Trung Quốc tràn vào xâm lược”, và khi nghe bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do”  từ loa truyền thanh của xã, tôi đã ứa nước mắt, còn mẹ tôi khóc bảo: “còn chiến tranh, còn hòn tên mũi đạn thì còn đói khổ”.
 

Tối 20-2 năm ấy, anh trai tôi bảo “Lớn lên dứt khoát chú phải đi bộ đội, lên biên giới đánh giặc nhé, anh cũng vậy”, rồi anh em tôi chui vào hầm chữ A ngồi thử để  tránh bom rơiđạn lạc.
 

Khi có lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng được lan rộng trên phạm vi cả nước, để “tiếp lửa” cho thanh niên xã Nga Tân, huyện Trung Sơn (bây giờ là huyện Nga Sơn - PV) tỉnh Thanh Hóa lúc đó, đội nghệ thuật quần chúng của xã Nga Tân đã xây dựng vở kịch chèo “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” với những ca từ sôi sục căm thù như lời hiệu triệu thanh niên lên đường ra biên giớiDo tựa đề vở kịch trùng với câu đầu tiên của bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do”, nên thanh niên, nam nữ, ông già, trẻ con đi đâu cũng hát, làm gì cũng ca. Do không nhớ tên bài hát, nên người dân gọi nôm na là bài “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”.

anh 1,
Tác giả bài viết 

 

11 tuổi, lần đầu tiên tôi chứng kiến hai gia đình nhận giấy báo tử của con sau gần 2 năm ra biên giới chiến đấu. Đó là  mùa đông năm 1980, bà Mai Thị Tươi cùng chồng là ông Mai Văn Hợi đón di vật gồm mũ cối, quân phục, chiếc khăn dù của con trai là Mai Văn Bích từ chiến trường về. Bà Tươi khóc kêu tên con. Bà chạy đến ôm lá cờ phủ lên chiếc ba lô rách bươm dính đầy đất cát rồi ngất đi. Anh Bích hi sinh năm đó vừa tròn 18 tuổi, chưa biết yêu là gì.
 

Cũng buổi chiều đông năm ấy, thêm một lần nữa tôi chứng kiến “ngày trở về” của liệt sĩ Mai Văn Phú. Trong căn nhà trát hồ ngay cạnh nhà tôi (đội 14 xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa lúc đó), hàng trăm người dân đến chia buồn. Chị Trịnh Thị Đạo (vợ anh Phú) chít khăn tang khóc gọi tên chồng, còn người cha của anh Phú lặng người nghe người sĩ quan huyện đội Nga Sơn đọc giấy báo tử.
 

Gần 10 năm sau, tháng 3-1989, tôi lên đường tòng quân nhập ngũ theo diện tình nguyện. Tôi vào Hải quân, đi Trường  Sa, đi DK chứ không được lên biên giới. Và cũng kể từ đó, mỗi năm đến dịp ngày 17.2, tôi lại gọi điện về cho người anh trai ở quê hỏi thăm: “Bác còn nhớ bài Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” không đấy? anh trai tôi bảo “sao mà quê  được chú”, vậy là tôi hát cho anh nghe qua điện thoại. Mỗi lần hát, không lần nào tôi không ứa nước mắt rồi khóc. Bởi lời bài hát ấy, 40 năm qua vẫn ở trong tim tôi.
 

Nhân40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ  biên giới phía Bắc của Tổ Quốc, chúng tôi – những người lính Hải Quân nhiều thế hệ có dịp ngồi trò chuyện với nhau ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc và của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cựu binh Hải quân - Trung tá Nguyễn Viết Chức nói: “40 năm qua cũng là ngần ấy thời gian ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” tạm “ngủ yên”. Dẫu lịch sử đã sang trang, sự tàn khốc và uất hận của cuộc chiến đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng mỗi năm đến ngày 17-2, quá khứ bi thương nhưng hùng tráng lại ùa về trong tâm khảm triệu triệu người dân đất Việt. Có lẽ quá khứ bi thương ấy quá đau, quá sâu khiến người ta không bao giờ quên được dù non nửa thế kỷ hay đời đời hậu sinh vẫn thế”.
 

anh 1,
Cựu binh Hải Quân - Trung tá Nguyễn Viết Chức


Còn cựu binh Hải quân, Hạ sĩ Ngô Ngọc Tuệ, hiện sống tại Bình Phước cho biết:  “Lần đầu tiên trong lịch sử các báo đài tuyên truyền rộng rãi kể từ sau sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra ngày 17-2-1979. Tuyên truyền không phải để nhắc lại quá khứ đau thương, hay gợi lại “vết hằn” hận thù, mà để nhắc nhớ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi và bi tráng của cuộc chiến đấu bảo vệ  biên giới phía Bắc của Tổ Quốc năm 1979 mãi mãi là bài ca không thể nào quên trên con đường vệ quốc của một đất nước có chủ quyền”.
 

anh 2,
Cựu binh Hải Quân - ông Ngô Ngọc Tuệ 


 

Ông Trang Hải Âu, nguyên chỉ huy trưởng, người có 27 năm công tác tại Nhà giàn DK1 thì bày tỏ quan điểm của mình:  “Cuộc chiến tranh chống quân xâm lược bành trướng Trung Quốc tháng 2 năm 1979 được coi là cuộc chiến tàn khốc, bi thương nhất trong lịch sử. Cho đến bây giờ sau 40 năm, đã lùi vào dĩ vãng. Song không vì thế mà tội ác bành trướng bị lãng quên. Sự bi thương và hùng tráng của cuộc chiến ấy vẫn hiển hiện sau non nửa thế kỷ, và sẽ mãi nhắc nhớ muôn đời hậu thế”.
 

anh 3
Nguyên chỉ huy trưởng Trang Hải Âu - người có thâm niên 27 năm công tác tại Nhà giàn DK1


Còn với riêng tôi, tôi hiểu rằng, dù chiến tranh hay thời bình, thiệt thòi bi thương bao giờ cũng là người lính. Cũng như bao người lính khác, tôi sẵn sàng lên đường dâng hiến tuổi xanh, sẵn sàng hi sinh khi Tổ Quốc lâm nguy.