Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì “Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên”

Trong nước - Ngày đăng : 14:51, 16/02/2019

(TN&MT) - Ngày 16/2 tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự “Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên”. Cùng dự Hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cùng hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành Trung ương; 19 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, du lịch…
hoinghi hue 5
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì “Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên” diễn ra tại Huế
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì “Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên” diễn ra tại Huế

Tài nguyên du lịch rất lớn

Miền Trung - Tây Nguyên là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, lại có lãnh thổ trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á; vì thế khu vực này có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Khu vực gồm có 19 tỉnh với diện tích tự nhiên gần 152 ngàn km2, dân số hơn 24 triệu người. Với 1.870 km đường bờ biển, hơn 1.500 km biên giới đường bộ với Lào và Campuchia, miền Trung - Tây Nguyên là lãnh thổ có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đồi núi, hồ thác, di sản văn hóa - lịch sử, cửa khẩu biên giới… cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với nhiều ngành chủ lực, đặc biệt là phát triển du lịch. Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang vận hành với 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1.

Nơi đây còn là nơi hội tụ nhiều nguồn tài nguyên và tiềm năng về du lịch, trong đó tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển mang đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác hồ nổi tiếng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, toàn khu vực còn có 9 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn. Đáng chú ý, đây còn là nơi tập trung 14 di sản văn hóa thế giới; là địa bàn cư trú của 47 dân tộc anh em - những chủ nhân đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay.

NQH 5842 copy
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương thăm quan các sản phẩm trưng bày tại Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn 
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển du lịch của cả nước, du lịch miền Trung - Tây Nguyên đã có những chuyển biến đáng ghi nhận như xuất hiện những điểm đến có thương hiệu và đẳng cấp quốc tế, thu hút ngày một nhiều khách du lịch trong và ngoài nước như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt… Hình thành một số sản phẩm du lịch tiêu biểu như “Con đường di sản miền Trung” giữa các tỉnh, thành phố như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; khai thông con đường xuyên Á phát triển du lịch trên tuyến hành lang Đông Tây kết nối các nước Myanmar, Lào, Thái Lan với các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Các chương trình du lịch như “Ba quốc gia - một điểm đến”, chuỗi các sản phẩm du lịch biển, đảo - du lịch sinh thái của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên… đã thật sự kết nối các điểm đến và phát huy lợi thế liên kết của các địa phương trong khu vực.

Trong năm 2018 vừa rồi, tổng lượng khách du lịch đến khu vực Miền Trung và Tây Nguyên đạt 58 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế 9,5 triệu lượt); tổng doanh thu từ du lịch là 120 nghìn tỷ đồng. Những con số này là minh chứng khẳng định du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều điểm đến ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, nhất là ở những địa phương như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng,...

Dù vậy, sự phát triển của du lịch miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. 
 

Miền Trung có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch
Miền Trung có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch


Tại hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho biết, chính quyền và nhân dân các tỉnh và thành phố khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đã và đang tiếp tục nỗ lực cải thiện và xây dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh hấp dẫn và thông thoáng. Lãnh đạo các tỉnh/thành trong khu vực luôn lắng nghe, trao đổi, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.

“Muốn đi nhanh, hãy đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau” - câu danh ngôn ý nghĩa này là đúc kết cho những thành công được tạo nên từ sự hợp tác, gắn kết và bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Chính vì thế, hôm nay, 19 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên chúng tôi hội tụ về TP. Huế anh hùng, thành phố Festival Việt Nam tổ chức Hội nghị phát triển du lịch nhằm xây dựng một tầm nhìn phát triển xa hơn cho du lịch Miền Trung và Tây Nguyên, một thế mạnh của các địa phương trong khu vực…  

“Đầu xuân, 19 tỉnh thành đã hội tụ về đây với khát vọng vì Miền Trung và Tây Nguyên giàu đẹp để chắp cánh cùng khát vọng Việt Nam hùng cường của Thủ tướng Chính phủ, người con thân thương của Miền Trung - mảnh đất cần cù, trí tuệ, anh dũng kiên cường. Nàng công chúa Miền Trung với bờ biển cát vàng rực nắng đang thức giấc cùng chàng hoàng tử đại ngàn Tây Nguyên cùng nắm tay nhau đón chờ những quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để mở đường thiên lý cho Miền Trung và Tây Nguyên khơi dậy tiềm năng, thế mạnh để có thể vươn xa, vươn cao sánh vai cùng cả nước trên bước đường hội nhập và phát triển…”- ông Thọ chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tham dự Hội nghị
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương tham dự Hội nghị


Tìm giải pháp phát triển du lịch

Tại hội nghị, các tỉnh thành Miền Trung và Tây Nguyên đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành một số nội dung quan trọng như: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp các dự án cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Plei Ku. Cho phép xây dựng chính sách xã hội hóa cụ thể cho khu vực nhằm thu hút đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế để xây dựng cảng biển du lịch Vùng, trước hết ưu tiên đầu tư 3 cảng du lịch biển Chân Mây, Nha Trang và Tiên Sa; xây dựng tuyến đường ven biển Miền Trung (trong đó ưu tiên tuyến từ Nghệ An - Thừa Thiên Huế - Bình Định để nối tuyến ven biển 7 tỉnh từ Quảng Ninh - Nghệ An); đầu tư nâng cấp các sân bay quốc tế tại khu vực. Tiếp tục hoàn thiện tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan, xây dựng tuyến đường cao tốc Gia Lai - Đà Nẵng.

Cho phép áp dụng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút đầu tư phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn chỉnh ít nhất 3 khu du lịch biển, đảo có sức cạnh tranh quốc tế tại Chân Mây - Lăng Cô (kết nối vùng du lịch Nam Miền Trung với vùng du lịch Bắc Miền Trung), Cù Lào Chàm (gắn với Di sản VHTG Phố cổ Hội An) và Bắc Cam Ranh (gắn với tam giác động lực phát triển du lịch Nha Trang - Ninh Chữ - Đà Lạt); xây dựng 2- 3 Tổ hợp mua sắm - vui chơi giải trí dành cho khách du lịch.

Khuyến khích các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở đường bay trực tiếp đi/đến Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh với các thị trường du lịch trọng điểm, đặc biệt là Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc. Cho phép lấy visa tại các cửa khẩu hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài; và cửa khẩu đường bộ Lao Bảo.

Cho phép thực hiện cơ chế sử dụng ít nhất 10% nguồn thu ngân sách để lại từ du lịch để xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải tại các địa bàn trọng điểm du lịch; phát triển hệ thống Nhãn sinh thái cho các sản phẩm du lịch...

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, đại diện cơ quan ngoại giao nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, các chuyên gia… đã có những đề xuất, góp ý thảo luận đáng chú ý để tìm cách liên kết, phát triển du lịch khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.

NQH 6960
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương dự Lễ trao quyết định chủ trương đầu tư tại hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn 


Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tựu du lịch mà các tỉnh thành Miền Trung - Tây Nguyên đã và đang có được, đồng thời nhấn mạnh khu vực này có nhiều điều kiện thuận lợi, rất tiềm năng và là nơi hội tụ và đại diện cho hầu hết các tài nguyên du lịch vốn có của Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu lên những mặt tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch của Miền Trung và Tây Nguyên như các dịch vui chơi giản trí còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu đầu tư các dịch vụ hỗ trợ, tầm nhìn ngắn hạn dẫn đến tài nguyên du lịch bị tàn phá…

Trao Quyết định chủ trương đầu tư, ký kết các biên bản hợp tác các nhà đầu tư của tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên…
Trao Quyết định chủ trương đầu tư, ký kết các biên bản hợp tác các nhà đầu tư của tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên…

“Tài nguyên du lịch nơi đây như một viên ngọc thô chưa được mài dũa, chưa được sáng, chưa tìm được người thợ dũa xứng đáng. Nhiều tài nguyên du lịch đôi khi cũng là bất lợi, khó tìm được sự nhận diện thương hiệu. Đôi khi là một cái bẫy trong khai thác, quản lý, sử dụng, thiếu chú trọng các yếu tố mang tính hỗ trợ nhưng rất quan trọng để phát huy cao nhất các giá trị. Như khu vực này thì biển rất nhiều, rất đẹp nhưng môi trường biển bị xâm hại nghiêm trọng, rác thải nhựa và chất thải rắn vô số làm mất đi tài nguyên…”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng đã đưa ra 5 câu hỏi cho ngành du lịch, cụ thể làm thế nào để du khách đến Việt Nam đông hơn. Làm thế nào để du khách ở lại lâu hơn. Làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu. Làm thế nào để du khách kể lại câu chuyện du lịch tại Việt Nam với ấn tượng tốt đẹp, thay vì chê bai kể xấu. Làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất có thể, chứ không phải một đi không trở lại?.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo ngành du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngoại ngữ; cần đa dạng hóa, không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng - homestay; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch nhất là giao thông; tăng cường liên kết du lịch; cần chú trọng sản phẩm du lịch địa phương phải độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục, nghiêm cấm “chặt chém” du khách…

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, lễ ký kết các biên bản hợp tác các nhà đầu tư của tỉnh, thành phố thuộc Khu vực miền Trung và Tây Nguyên.